Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch đẩy lùi bệnh béo phì và nạn đói ở quốc gia này

PV
11:59 - 29/09/2022

Tổng thống Mỹ J. Biden hôm thứ tư vừa qua đã hứa sẽ chấm dứt nạn đói ở Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ, đồng thời công bố nỗ lực mở rộng của Chính phủ trong Hội nghị của Nhà Trắng về sức khỏe và dinh dưỡng. Đây là hội nghị đầu tiên về chủ đề này được tổ chức trong vòng 50 năm.

Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch đẩy lùi bệnh béo phì và nạn đói ở quốc gia này - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, ngày 06 tháng 9 năm 2022.

Ảnh:Kevin Dietsch / Getty/ abcnews

Nạn đói và tình trạng béo phì - hai thách thức của người dân Mỹ

Sự thay đổi các điều kiện kinh tế, xã hội khiến người dân Mỹ ngày càng ít ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng như không tập thể dục đủ, dẫn tới gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì tại nước này.

Theo thống kê mới nhất của Chính phủ Mỹ, gần 42% người trưởng thành ở nước này bị béo phì và khoảng 10% hộ gia đình chịu tình cảnh mất an ninh lương thực. Nhà Trắng cho biết chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca bệnh tiểu đường type 2, béo phì, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư, đồng thời cảnh báo đây là một vấn đề phức tạp, khó có thể giải quyết trong "một sớm một chiều".

Theo thông tin trên New Yoerk Times, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh phát hiện rằng, tình trạng béo phì phổ biến hơn ở người da đen so với các nhóm người trưởng thành khác, điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của họ. Gần 50% người da đen trưởng thành bị béo phì, so với 45,6% người gốc Tây Ban Nha, 41,4% người da trắng và 16,1% người châu Á.

Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết có 10,2% hộ gia đình Mỹ đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực tại một số thời điểm.

Cam kết chấm dứt nạn đói vào năm 2030 và đẩy lùi tình trạng béo phì

Nhà Trắng đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỉ USD, với sự cam kết của các tập đoàn lớn, nhằm đẩy lùi bệnh béo phì và nạn đói. Theo đó, hơn 100 tổ chức, từ bệnh viện cho tới các công ty công nghệ và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đã cam kết dành 8 tỉ USD để xây dựng chiến lược quốc gia trong việc chấm dứt hai thách thức là nạn đói và tình trạng béo phì của người dân Mỹ. 

Trong khuôn khổ kế hoạch, Tập đoàn General Electric (GE), công ty hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, chăm sóc sức khỏe đa quốc gia sẽ hợp tác với các chuyên gia sáng tạo trong ngành thực phẩm thuộc Hệ thống thực phẩm cho tương lai thành lập một liên minh các nhà đầu tư với ngân sách 2,5 tỉ USD trong 3 năm tới.

Hiệp hội Nhà hàng quốc gia sẽ mở rộng một dự án nhằm tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận thực phẩm lành mạnh hơn tại 45.000 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Burger King.

Tập đoàn truyền thông và công nghệ thông tin Cisco sẽ đóng góp 500 triệu USD trong 5 năm cho việc cung cấp các bữa ăn lành mạnh hơn cũng như sản xuất thực phẩm ở các khu vực mà công ty kinh doanh. Discovery sẽ cung cấp 600 triệu bữa ăn cho trẻ em trong tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Google cho biết sẽ giới thiệu các tính năng mới trong các sản phẩm của mình giúp mọi người nhận biết được các lợi ích thực phẩm công cộng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Các nhà hàng trong chương trình này cam kết thực hiện một số tiêu chuẩn nhất định như chỉ cung cấp nước, sữa hoặc nước trái cây cho bữa ăn của trẻ em chứ không phải soda.

Đối với ít nhất 1 triệu người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, MyFitnessPal sẽ cấp cho họ tư cách thành viên miễn phí và cao cấp trên ứng dụng của mình vào năm 2030.

Theo các quan chức Nhà Trắng, tất cả đều cam kết thực hiện một cách quyết liệt và trong một số trường hợp, các cam kết chuyển đổi mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại sự cải thiện về mặt dinh dưỡng, thúc đẩy hoạt động thể chất và giảm nạn đói cũng như các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống trong 7 năm tới. Mặc dù chương trình chi tiêu trên không có cơ chế thực thi, song các quan chức khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trên để đảm bảo việc thực thi đầy đủ các cam kết. 

Các cam kết trên được công bố khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị về "Nạn đói, dinh dưỡng và sức khỏe". 

Các hành động để đạt được mục tiêu của Tổng thống Biden dựa trên 5 trụ cột: cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm và khả năng chi trả; tích hợp dinh dưỡng và sức khỏe; trao quyền cho người tiêu dùng để thực hiện và tiếp cận các lựa chọn lành mạnh; hỗ trợ hoạt động thể chất cho tất cả mọi người; và tăng cường nghiên cứu dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Nhà Trắng cho biết, bắt đầu từ năm tới, Quỹ Rockefeller và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đặt mục tiêu huy động 250 triệu USD hợp tác với Kroger để xây dựng "Sáng kiến nghiên cứu thực phẩm là y học" quốc gia đầu tiên nhằm tích hợp thực phẩm lành mạnh vào phương pháp chăm sóc sức khỏe.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chinh-phu-my-cong-bo-ke-hoach-day-lui-benh-beo-phi-va-nan-doi-o-quoc-gia-nay-179220928233003597.htm