Chiết khấu sách giáo khoa cao sẽ khiến cho nhiều phụ huynh gặp khó khăn
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Trong đó, có việc báo cáo về việc chiết khấu sách giáo khoa hiện nay.
Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 của nhà xuất bản này như sau: 23% cho sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Chính phủ nhận định mức chiết khấu này có tác động đáng kể đến giá sách giáo khoa. Vì thế, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa.
Sách giáo khoa chương trình mới có giá thành ra sao?
Theo bảng niêm yết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới lớp 4, 8 và 11 trên website của mình thì sách giáo khoa lớp 4 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 13 đầu sách, có giá là 186.000 đồng. Bộ Chân trời sáng tạo có giá là 208.000 đồng (gồm 15 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Đối với sách giáo khoa lớp 8, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 212.000 đồng. Bộ Chân trời sáng tạo có giá là 210.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Bộ sách giáo khoa lớp 11 từ 132.000 đồng/bộ đến 164.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh, sách các môn học, chuyên đề tự chọn). Nếu tính cả 4 cuốn sách môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề, giá bán khoảng 355.000 đến gần 400.000 đồng.
Nếu giá sách giáo khoa mới so với giá sách cũ (87.000 đồng), giá sách giáo khoa lớp 4 tăng khoảng 3 lần. Các bộ sách lớp 8 và lớp 11 cũng tăng tương ứng. Sách tiếng Anh cũng được chọn từ nhiều đầu sách, mỗi đầu sách có giá khác nhau.
Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đã có giá bộ sách Cánh Diều. Cụ thể, Bộ sách Cánh Diều lớp 4 với 13 cuốn, giá 230.000 đồng/bộ; sách giáo khoa lớp 8 với 13 cuốn, giá 265.000 đồng/bộ. Sách giáo khoa lớp 11 gồm 15 cuốn (9 cuốn của 6 môn bắt buộc, 4 cuốn của 4 môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề), có giá gần 400.000 đồng/bộ. Tất cả các bộ sách lớp 4, 8, 11 của bộ Cánh Diều đều chưa có sách tiếng Anh.
Nếu như sách giáo khoa lớp 11, bộ Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa tính sách tiếng Anh, sách các môn học, chuyên đề tự chọn thì sách Cánh Diều cũng chưa tính giá sách tiếng Anh đối với cả lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Bên cạnh đó, dù học sinh học bộ sách giáo khoa nào cũng đều phải mua thêm sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương có giá dao động từ 30-45 ngàn đồng và nhiều khi còn phải mua thêm sách bài tập, sách tham khảo theo yêu cầu của giáo viên hoặc nhà trường nên giá thành 1 bộ sách giáo khoa chương trình mới sẽ tương đối lớn.
Vì thế, nếu một gia đình có 2 con đang học chương trình mới ở 2 cấp học khác nhau thì chỉ riêng tiền sách giáo khoa đã lên đến hàng triệu đồng mỗi năm học. Nếu so với giá thành sách giáo khoa chương trình 2006 thì sách giáo khoa chương trình 2018 đang khá cao và tạo ra gánh nặng cho nhiều phụ huynh nghèo.
Mức chiết khấu sách giáo khoa cao, gánh nặng sẽ đè lên vai phụ huynh
Với mức chiết khấu như kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, chúng ta thấy đây là một mức khá cao. Gánh nặng này sẽ đè lên vai phụ huynh phải gánh. Các nhà xuất bản bao giờ cũng phải tính đến mức lợi nhuận cho sản xuất. Việc chiết khấu cho các đơn vị phát hành sẽ được tính trong giá thành của sản phẩm.
Với mức chiết khấu 23% cho sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11, ta thấy mỗi bộ sách giáo khoa/1 học sinh sẽ tương ứng với khoảng 45-85 ngàn đồng. Cả nước có khoảng 20 triệu học sinh phổ thông chỉ riêng tiền chiết khấu sách giáo khoa cũng đã là một con số rất lớn.
Dù biết rằng các đơn vị, cá nhân trung gian phát hành sách giáo khoa phải có chiết khấu chứ chẳng ai làm không công. Nhưng nếu các nhà xuất bản càng chiết khấu tỉ lệ % cao thì áp lực tiền bạc đối với phụ huynh càng lớn.
Theo một số chủ đại lý, cửa hàng sách thì việc chiết khấu cho sách bài tập, sách bổ trợ còn cao hơn rất nhiều so với sách giáo khoa nên thông thường mỗi khi phụ huynh đăng ký, mua sách thì những người đứng ra bán sách vẫn thường tư vấn mua thêm một số sách bài tập và bổ trợ.
Phụ huynh thì bao giờ cũng lo lắng và luôn đầu tư cho con em mình với mong muốn các con được học tập đủ đầy nhất. Hơn nữa, những lớp đang học chương trình 2018 thì việc mua sách giáo khoa bây giờ như đánh đố với phụ huynh vì mỗi lớp có nhiều cuốn sách của khác nhau nên phụ huynh không dễ gì lựa chọn dễ dàng như trước kia. Đặc biệt, đối với cấp trung học phổ thông dù cùng học một khối với nhau nhưng ngoài những cuốn sách giáo khoa cho các môn học bắt buộc thì sách giáo khoa cho các môn lựa chọn, sách chuyên đề mỗi lớp đều có sự khác nhau.
Về cơ bản là phụ huynh nếu không mua trong trường thì mua ở ngoài theo bảng liệt kê của nhà trường và thường là nhân viên nhà sách sẽ lựa chọn cho phụ huynh đủ các loại sách cần thiết. Một khi bán được càng nhiều sách thì những đơn vị, cá nhân phát hành sách càng muốn bán được nhiều hơn bởi càng bán nhiều thì càng nhận được mức chiết khấu càng lớn, lợi nhuận càng lớn hơn.
Vì thế, gánh nặng về sách giáo khoa chương trình mới của phụ huynh bây giờ thường khiến cho những phụ huynh nghèo gặp khó khăn vì đầu năm học luôn phải chi ra số tiền quá lớn. Trong đó, nhiều cuốn sách không thể tái sử dụng được vì hiện nay việc lựa chọn sách giáo khoa của các nhà trường nhiều khi thay đổi theo từng năm, hoặc ở cấp trung học phổ thông thì mỗi lớp, mỗi năm thực hiện các loại sách cho các môn lựa chọn và chuyên đề cũng khác nhau.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chiet-khau-sach-giao-khoa-cao-se-khien-cho-nhieu-phu-huynh-gap-kho-khan-179230808164858992.htm