Chiến tranh "phủ bóng đen" lên nền giáo dục ở Dải Gaza

13:13 - 07/05/2024

Hầu hết các trường học ở Dải Gaza đều bị hư hại nghiêm trọng đến mức không thể sử dụng được, điều này có thể gây tổn thương nặng nề cho cả một thế hệ nơi đây.

Chiến tranh "phủ bóng đen" lên nền giáo dục ở Dải Gaza- Ảnh 1.

Một ngôi trường bị phá hủy ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Nhiều trường học đổ nát, giáo dục ở Dải Gaza gặp khó khăn nặng nề

Amjad Abu Daqqa là một trong những học sinh thuộc top đầu của một trường học ở thành phố Khan Younis (phía nam Dải Gaza). Anh đang lên kế hoạch xin học bổng để đi du học tại Mỹ khi chiến tranh nổ ra ở Dải Gaza vào tháng 10 năm ngoái.

Ước mơ của Amjad là theo học ngành Y giống như chị gái của mình - người đã học nha khoa ở Gaza. Tuy nhiên, ước mơ này trở nên xa vời đối với Amjad khi trường học của anh bị đánh bom, nhiều bạn bè và giáo viên thiệt mạng, còn gia đình anh phải rời bỏ nhà cửa để tìm đến nơi an toàn ở cửa khẩu Rafah, cùng với hơn 1 triệu người khác.

Amjad (16 tuổi) nói: "Mọi thứ trong thị trấn của tôi đã biến mất vĩnh viễn. Tôi cảm thấy như mình là một cơ thể không có linh hồn".

Cuộc chiến ở Gaza chưa thể kết thúc. Ngay cả nếu có, cũng sẽ không thay đổi được triển vọng giáo dục ảm đạm của hơn 625.000 sinh viên mà Liên Hợp Quốc ước tính đang sinh sống trên lãnh thổ này.

Chiến tranh "phủ bóng đen" lên nền giáo dục ở Dải Gaza- Ảnh 3.

Đại học Al-Azhar ở Dải Gaza. Quân đội Israel đã sử dụng khuôn viên trường làm tiền đồn. Ảnh: Getty Images

Chiến tranh như một "liều thuốc diệt học"

Chiến tranh kéo dài 7 tháng đã "phủ bóng" giáo dục nơi đây. Theo đó, hơn 80% trường học ở Gaza đã bị hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy do giao tranh. Hậu quả nặng nề này khiến các nhà phê bình, bao gồm cả Bộ giáo dục Palestine và nhiều quan chức Liên Hợp Quốc, cáo buộc Israel cố tình nhắm mục tiêu vào các cơ sở giáo dục, giống như cách nước này từng bị cáo buộc nhắm vào các bệnh viện.

"Những cuộc tấn công này như "thuốc diệt học", không phải sự cố riêng lẻ, thể hiện 1 mô hình bạo lực có hệ thống nhằm mục đích phá bỏ nền tảng của xã hội Palestine", một nhóm gồm 25 chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước.

Đáp lại, quân đội Israel tuyên bố họ không có học thuyết nào nhằm mục đích gây thiệt hại tối đa cho cơ sở hạ tầng dân sự. Đồng thời cho rằng, hành động phá hủy các trường học cũng như các bệnh viện ở Gaza của phía mình là do Hamas "khai thác các công trình dân sự cho mục đích khủng bố".

Hamas đã không trả lời yêu cầu bình luận về cáo buộc của Israel rằng, họ đã sử dụng trường học và các địa điểm dân sự khác ở Gaza cho mục đích quân sự. Bởi từ lâu, Hamas đã phủ nhận những cáo buộc như vậy khi khẳng định: "Tuyên bố Hamas đang sử dụng bệnh viện và trường học làm địa điểm quân sự là sự lặp lại của một câu chuyện sai sự thật một cách trắng trợn".

Tháng trước, Liên Hợp Quốc ghi nhận ít nhất 5.479 sinh viên, 261 giáo viên, 95 giáo sư đại học đã thiệt mạng và ít nhất 7.819 sinh viên và 756 giáo viên bị thương ở Gaza kể từ tháng 10.

Học sinh ở Dải Gaza đã trải qua khoảng thời gian dài học tập và giờ đây phải đối mặt với một tương lai với rất ít trường học còn nguyên vẹn để quay trở lại sau khi chiến tranh kết thúc.

Hamdan al-Agha, 40 tuổi, một giáo viên khoa học phải di dời khỏi thành phố Khan Younis (miền nam Gaza), cho biết chiến tranh đã "thực sự ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống giáo dục và sẽ gây tổn thương cho nhiều thế hệ trong tương lai".

Chiến tranh "phủ bóng đen" lên nền giáo dục ở Dải Gaza- Ảnh 6.

Học sinh Palestine tham dự một lớp học ở Shejaiya, khu phố phía đông Dải Gaza vào tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Samar Abu Elouf

Theo Nhóm Giáo dục Toàn cầu, một nhóm nghiên cứu làm việc với Liên Hợp Quốc, trước chiến tranh, Gaza có 813 trường học với khoảng 22.000 giáo viên. Nhưng đến tuần trước, hơn 85% số trường học đó đã bị hư hại hoặc phá hủy. Trong đó, hơn 2/3 số trường học ở Gaza sẽ cần phải được xây dựng lại từ đầu hoặc được sửa chữa để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Các trường đại học ở Gaza bị phá hủy nặng nề. Đại học Al Azhar, nơi Nagham, chị gái của Amjad học nha khoa, đang bị đổ nát. Quân đội Israel đã sử dụng khuôn viên trường làm tiền đồn trong khi Hamas đã hoạt động ở đó và để lại vũ khí. Nagham hiện dành cả ngày để nấu ăn, dọn dẹp lều trại của gia đình và chăm sóc em trai.

Nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục cho thấy hơn 320 tòa nhà trường học đã được sử dụng làm nơi trú ẩn cho những người dân Gaza phải di dời và hơn một nửa trong số đó đã bị trúng đạn trực tiếp hoặc bị hư hại nghiêm trọng do các vụ nổ gần đó.

Một trung sĩ Israel giấu tên cho biết, ông đã dành một tuần tại Đại học Al Azhar vào mùa thu năm ngoái, các binh sĩ đã tìm thấy 5 lối vào đường hầm trong khuôn viên trường. Tại đây, trung sĩ này đã nhìn thấy vũ khí, bao gồm súng trường và lựu đạn trong 2 đường hầm.

"Tôi cảm thấy như đang ở trong một căn cứ quân sự. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy đó là một trường đại học", trung sĩ nói.

Chiến tranh "phủ bóng đen" lên nền giáo dục ở Dải Gaza- Ảnh 7.

Amjad Abu Daqqa mơ ước theo học ngành Y giống như chị gái Nagham, người đã học nha khoa ở Dải Gaza. Ảnh: Bilal Shbair

Amjad nghĩ rằng, 5 giáo viên ở trường của mình đã bị giết, bao gồm cả giáo viên khoa học và giáo viên thể dục của anh. Đôi khi việc xem lại danh sách những điều mất mát khiến Amjad cảm thấy quá sức chịu đựng.

Một số học sinh đã cố gắng tiếp tục học tập trong thời gian chiến tranh trong những căn lều nhờ sự giúp đỡ của các giáo viên tình nguyện hoặc các phụ huynh. Như Nagham, chị gái của Amjad, đã trở thành giáo viên trong thời chiến của cậu. Mỗi tối, hai chị em cùng nhau ngồi ôn lại bài học trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh. Amjad cho biết anh vẫn quyết tâm sang Mỹ du học.

Amjad nói: "Tôi vừa đọc một số đoạn văn và chị Nagham đã giúp tôi phát âm chính xác. Chị ấy hỏi tôi về những từ đồng nghĩa và trái nghĩa của những từ đơn giản thường gặp".

Nagham rất vui khi làm điều đó nhưng cô ấy cũng có ước mơ của riêng mình. Cô muốn tham gia các bài giảng trực tuyến tại Đại học Al-Najjah ở Bờ Tây và hoàn thành chương trình học của mình, hoặc ít nhất là tham gia các lớp học tiếng Anh nâng cao.

Cô đã nghĩ đến việc áp dụng chương trình đào tạo y tế của mình ở Rafah, nhưng cơ sở hạ tầng tồi tàn ở Gaza khiến ngay cả việc khám răng cũng dường như không thể thực hiện được. 

Mohammed Shbair, hiệu trưởng một trường học ở Khan Younis, cho biết những người di tản ở Rafah đôi khi dùng lều làm trường học tạm thời và tình nguyện viên sẽ dạy học cho trẻ.

Mùa xuân năm nay, Mohammed đã tổ chức khóa học cơ bản kéo dài 5 ngày do các tình nguyện viên ở Rafah giảng dạy. Nhưng ông ấy nghĩ rằng, những bài học này không mang lại hiệu quả cao.

Ông thường gặp các học trò cũ của mình trên phố, người thì bán đồ ăn, người xếp hàng dài chờ mua bánh mì hoặc thuốc.

"Hầu hết họ dành cả ngày để đi kiếm tiền cho gia đình. Làm sao những học sinh này có thể học tập trong khi những thứ cơ bản không có sẵn có. 7 tháng chiến tranh đã dạy cho họ những kỹ năng sinh tồn chứ không phải ngữ pháp và đại số. Tất cả chỉ đang cố gắng sống sót", ông Shbair, người đã dành nhiều tháng sống cùng các con của mình trong một căn lều gần bãi biển, cho biết.

Gaza là một dải đất hẹp nằm ở bờ biển Đông Nam Địa Trung Hải, giáp với Israel ở phía Bắc và phía Đông, giáp với Ai Cập ở phía Nam. Ngày 7/10/2023, các nhóm quân sự Palestine do Hamas lãnh đạo đã phát động một cuộc xâm lược và tấn công quy mô vào Israel từ Dải Gaza, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính có 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, các trường học ngay lập tức ngừng hoạt động giảng dạy và phần lớn biến thành nơi trú ẩn cho các gia đình chạy trốn khỏi các cuộc không kích.

Gần 50% dân số sinh sống ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là trẻ dưới 18 tuổi và hệ thống giáo dục đang gặp khó khăn sau 5 cuộc chiến trong 20 năm qua.

Nguồn: The New York Times

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chien-tranh-phu-bong-den-len-nen-giao-duc-o-dai-gaza-179240507105111576.htm