Chiến thắng B-52: Cuộc đấu trí trong chiến tranh điện tử

16:43 - 25/12/2023

Để hạ được máy bay ném bom chiến lược B-52 và các loại máy bay chiến thuật hiện đại của Mỹ, Bộ đội Phòng không Việt Nam - chủ công là Bộ đội Tên lửa đã trải qua một cuộc đấu trí hết sức căng thẳng cả về tư duy chiến dịch, chiến thuật, cả về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tác chiến.

Chiến thắng B-52: Cuộc đấu trí trong chiến tranh điện tử- Ảnh 1.

Máy bay Mỹ trúng đạn Tên lửa SAM-2. Ảnh: Tư liệu

SAM-2 đã "vít cổ" máy bay B-52 như thế nào? 

Để đánh trả cuộc Tập kích chiến lược bằng đường không mang mật danh "Linebacker II" của Mỹ, Bộ đội phòng không có hệ thống ba thứ quân, gồm tên lửa, cao xạ, súng máy phòng không, trong đó tên lửa tầm cao SAM-2 là lực lượng chủ công bắn hạ máy bay B-52.

SAM-2 là loại tên lửa đất đối không S-75 Dvi-na do Liên Xô chế tạo, điều khiển bằng hệ thống ra-đa 3 tác dụng. Một phân đội hỏa lực SAM-2 có 3 cabin: Xe Điều khiển, xe Tính toán, xe Thu phát và 6 bệ phóng cùng 2 cơ số đạn, ngoài ra còn có Radar nhìn vòng P-12. 

Đạn tên lửa SAM-2 là loại V-750, tốc độ bay đạt Mach 3, gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Đầu đạn chứa gần 200kg thuốc nổ, khi nổ tạo ra 12.000 mảnh chụp thành hình phễu, cùng với nhiệt độ cao và sóng xung kích tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 65m với xác suất hơn 90%.

SAM-2 có cự li bắn hiệu quả 34km, độ cao 27km, hoàn toàn có thể "vít cổ" B-52.

Trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" từ ngày 18 đến 30/12/1972, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 "siêu pháo đài bay" B-52, buộc Tổng thống Mỹ phải chấm dứt ném bom, trở lại bàn đàm phán, kí kết Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho ta.

Ngày 24/7/1965, Bộ đội Tên lửa ra quân trận đầu, kíp chiến đấu của hai tiểu đoàn 63 và 64, Trung đoàn 236 phóng 4 quả đạn vào tốp máy bay cường kích ở độ cao 7000m, bắn rơi 3 máy bay, trong đó có chiếc F-4C rơi tại chỗ, bắt sống một phi công. Đó là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Ngay sau trận đánh, hai tiểu đoàn thu hồi khí tài, rút sang trận địa khác, đồng thời cho lắp dựng khí tài, bệ đạn giả làm bằng tre cót. 

Hôm sau, ngày 26/7, Mỹ cho máy bay BQM-34A, RF-101 vào trinh sát, bị Tiểu đoàn 64 bắn hạ hai chiếc. Ngày 27, địch huy động 50 máy bay chiến thuật, trong đó có 36 chiếc cường kích F-105 từ Thái Lan sang lao vào trút bom xuống trận địa "Ra cót", rơi vào "bẫy" hỏa lực của 120 nòng pháo cao xạ từ 37 đến 100mm cùng hàng trăm nòng súng tầm thấp của dân quân, tự vệ bố trí liên hoàn xung quanh trận địa giả. 

Không quân Mỹ lỗ nặng, 5 máy bay các loại bị bắn rơi tại chỗ.

Chiến thắng B-52: Cuộc đấu trí trong chiến tranh điện tử- Ảnh 3.

Tên lửa phòng không SAM-2 rời bệ phóng. Ảnh: Tư liệu

Từ đó, Bộ đội Phòng không Việt Nam bắt đầu quá trình đấu trí với một cuộc chiến tranh điện tử hiện đại nhất của Mỹ trong Thế kỷ XX. Tướng John C.Mayer - Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ từng nhận định: "Chiến tranh điện tử là con đường sống còn của Không lực Hoa Kỳ". Cuộc chiến tranh điện tử này là một hình thái tổng hợp giữa yếu tố kỹ thuật của các thiết bị điện tử tối tân với các thủ đoạn chiến thuật cực kỳ tinh vi và lợi hại nhằm vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống radar cảnh giới dẫn đường, radar tên lửa, radar pháo phòng không và gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc của ta.

Người Mỹ nổi tiếng về tính thực dụng, họ tìm mọi cách để "hiểu" đối thủ là Tên lửa SAM-2. Dịp may đến khi Quân đội Israel thu được hơn 20 tổ hợp Tên lửa SAM-2 do Quân đội Ai Cập bỏ lại tại Bán đảo Sinai khi rút chạy trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày (5 đến 11/6/1967). Các chuyên gia Hoa Kỳ đã tập trung nghiên cứu các thông số kỹ thuật của SAM-2, từ đó chế tạo máy phát nhiễu chủ động chế áp radar tên lửa.

Đến năm 1970, Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu các loại radar phòng không chủ yếu của ta rất hiệu quả. Mỗi chiếc máy bay B-52 có 15 đến 19 máy, mỗi máy bay chiến thuật có ít nhất 2 máy phát nhiễu. Máy bay gây nhiễu điện tử từ xa như EA-6A, EB-66B, C, D, E, EC-121, mỗi chiếc có 25 máy gây nhiễu. Khi bay theo đội hình 3 chiếc hình mũi tên, tốp B-52 với hơn 50 máy gây nhiễu tạo thành một màn nhiễu dày đặc, khiến B-52 trở nên "vô hình". 2 giờ 15 phút ngày 16/4/1972, Mỹ huy động 20 máy bay B-52 và 170 lần/chiếc máy bay cường kích ném bom Hải Phòng, hai trung đoàn 238 và 285 đã phóng 93 quả đạn mà không trúng B-52 do nhiễu nặng.

Để làm "mù" mắt radar của ta, máy bay Mỹ sử dụng hai loại nhiễu

Nhiễu tiêu cực (nhiễu bị động) là những bó gồm hàng triệu sợi kim loại mỏng nhẹ lơ lửng trong không khí. Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, trước mỗi đợt tập kích, không quân Mỹ thả sợi kim loại tạo thành một bức tường kim loại khổng lồ cao từ 3-4km, rộng 5-6km, dài 40-70km. Sóng radar mặt đất phát lên gặp "bức tường" nhiễu này, phản xạ lại khiến cho màn hiện sóng của trắc thủ nhấp nháy hàng triệu điểm sáng dày đặc, không thể nhìn thấy tín hiệu máy bay.

Nhiễu tích cực (nhiễu chủ động) có hai loại: Nhiễu ngoài đội hình là sóng điện từ phát ra từ những máy gây nhiễu đặt trên máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66B, EC-121 để gây nhiễu mạnh từ xa. Nhiễu trong đội hình là sóng điện từ phát đi từ chính máy bay ném bom, như F-4, F-105, A-6, A-7 và B-52. Nhiễu chủ động có phổ tần số rộng, chế áp có hiệu quả các loại radar của ta, khiến màn hình chói lòa như bị đèn pha ô tô chiếu thẳng vào mắt.

Để tăng khả năng phát hiện chính xác B-52, ta sử dụng nhiều radar, bố trí trận địa ở nhiều hướng, dùng cả radar K-860 của pháo cao xạ là loại không bị nhiễu B-52 chế áp và sử dụng cả ống nhòm để phát hiện máy bay địch, truyền phần tử tọa độ mục tiêu cho đài điều khiển tên lửa. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, hệ thống radar của ta đã phát hiện máy bay địch với tỉ lệ rất cao (93% B-52, 86% F-111), giúp cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt địch.

Các kỹ sư Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã chủ động nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài, thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn nhằm vô hiệu hóa thiết bị đối kháng điện tử của đối phương; cải tiến chế độ bắn thấp; tăng gấp đôi trọng lượng đầu đạn, khi nổ văng ra 12.000 mảnh chụp vào mục tiêu ở góc độ thích hợp, tạo nhiệt độ cao và sóng xung kích để tiêu diệt máy bay địch…

Từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972, đã có 53 bộ khí tài tên lửa, gần 300 bệ phóng và hàng trăm quả đạn được cải tiến, hơn 2.700 khối máy các loại được khôi phục.

Cùng với cải tiến kỹ thuật, ta đã tập trung nghiên cứu tìm ra cách đánh B-52, chủ yếu là thao tác phát hiện, thống nhất dải nhiễu, chọn đúng dải nhiễu B-52 để bám sát, lái đạn tiêu diệt. 

Từ cuối năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ đi cùng các tiểu đoàn tên lửa vào Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn để nghiên cứu tìm cách đánh B-52.

Tháng 10/1972, cuốn "Cẩm nang đỏ" "Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa" dày 30 trang hoàn thành, được phổ biến đến từng kíp chiến đấu tên lửa. Bộ đội ráo riết luyện tập, "vạch nhiễu tìm thù".

Đêm 22/11/1972, hai tiểu đoàn 43, 44, Trung đoàn 263 vào trận. Do kíp chiến đấu đã thành thục các động tác phân biệt mục tiêu thật, giả trong nhiễu, thống nhất dải nhiễu B-52 trong nhiều dải nhiễu để bám sát, mỗi tiểu đoàn phóng hai quả đạn, bắn rơi hai máy bay B-52. Hôm sau, Hãng Thông tấn Mỹ UPI đưa tin: "Hai máy bay B-52 đã bị trúng tên lửa Bắc Việt ở gần Vinh đêm 22/11. Một trong hai chiếc đã bị rơi khi cố bay về căn cứ Utapao ở Thái Lan nhưng không được", kèm theo là bức ảnh xác chiếc B-52 rơi trong một khu rừng trên đất Thái Lan. Đây là lần đầu tiên người Mỹ phải thừa nhận B-52 đã bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi.

Kinh nghiệm của hai tiểu đoàn 43, 44 được phổ biến chi tiết đến các kíp tên lửa toàn Quân chủng, sẵn sàng đón đánh và tiêu diệt B-52.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chien-thang-b-52-cuoc-dau-tri-trong-chien-tranh-dien-tu-179231225162552397.htm