Chi tiết mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy, ô tô và xe đạp
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Bỏ phương tiện lại, trốn tránh ký vào biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán
Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý trên 71.400 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 182 tỷ đồng. Trong đó xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 41,25% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng 21.373 trường hợp (tăng 277,7%).
Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao có: Thành phố Hồ Chí Minh 2.576 trường hợp, Hà Nội 1.167 trường hợp, Đồng Nai 1.060 trường hợp, Bắc Giang 975 trường hợp, Nghệ An 886 trường hợp, Bình Phước 870 trường hợp...
Ngoài ra, tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm rõ rệt về số người chết, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người, bị thương 504 người. So với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số người chết do tai nạn giao thông giảm 24,38%.
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ.
Mức vi phạm nồng độ cồn | Mức tiền phạt | Hình phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. |
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô
Mức vi phạm nồng độ cồn | Mức tiền phạt | Hình phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. | Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. |
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp
Mức vi phạm nồng độ cồn | Mức tiền phạt | Hình phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. | |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng. | |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. |
Bỏ phương tiện lại, trốn tránh ký vào biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực
Những cá nhân, tổ chức điều khiển phương tiện mà vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, việc bỏ phương tiện lại, trốn tránh ký vào biên bản xử phạt thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp bên vi phạm cố tình không ký thì vẫn có giá trị nếu được làm chứng của chính quyền địa phương hay nhân chứng tại thời điểm đó. Trường hợp không có chữ ký của những người này, biên bản vẫn được lập và ghi rõ lý do.
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm, nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Nội dung này thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nội dung điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.
Quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo đã đánh giá rất kỹ lưỡng tác động của rượu bia đối với người lái xe. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, có hai căn cứ để đặt ra quy định nồng độ cồn bằng 0:
Thứ nhất, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe.
Thứ hai, từ thực tiễn hiện nay cho thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do lái xe uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện. Theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua có 43% số vụ tai nạn giao thông có lỗi do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.
Trong thời gian qua, Bộ Công an triển khai chuyên đề phòng chống tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Theo đó, với sự quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đó, năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, tai nạn nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt cả ba tiêu chí. Đây là mức giảm rất ấn tượng, cũng là cơ sở cho quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.
Ban soạn thảo đánh giá quy định này sẽ đảm bảo được quyền bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, mà chỉ thay đổi thói quen, làm cho xã hội văn minh và lành mạnh hơn.