Chai sạn của tư duy - sự tín điều
Sự tín điều ngăn chúng ta nhìn thẳng vào thực tiễn, xem xét đời sống trong dòng chảy tự nhiên của nó. Trên thực tế, sự nghi vấn thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, tránh được tuyệt đối hóa lý thuyết mà quên đi thực tiễn.
Hiệu suất cao nhất và hiệu quả cao nhất chống lại sự tín điều
Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, môn bóng rổ đã rất thịnh hành ở Mỹ. Trình độ chơi bóng rổ dần dần trở nên điêu luyện, nhiều khi cầu thủ ném bóng vào rổ mà người xem cứ ngỡ là họ làm xiếc.
Giải đấu bóng rổ nhà nghề (chuyên nghiệp) ở Mỹ lần đầu tiên được tiến hành vào ngày 6/6/1946, do Hiệp hội bóng rổ Mỹ (Basketball American Association) đứng ra tổ chức. Nhưng câu chuyện thú vị lại có từ năm 1936.
Đêm 30/12/1936, tại sân vận động Madison Square Garden (New York), 17.500 khán giả kéo nhau tới để xem trận đấu giữa đội Long Island và đội Standford. Một trận đấu hấp dẫn với sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. Mọi người hài lòng với tỷ số 45 - 31 nghiêng về đội Standford. Song, điều mà khán giả thú vị hơn là trong trận đấu này, một cầu thủ đã cống hiến cho khán giả một lối ném bóng vào rổ có tính phá cách. Đó là chàng trai đang là sinh viên năm thứ hai Hank Luisetti, cao 1,88m, nặng 92kg, đã trình diễn lối ném bóng không theo kỹ thuật kinh điển.
Khi cướp được bóng, dù còn cách xa rổ, Luisetti thường nhảy cao, và khi thân thể còn đang trong không trung, anh dùng một tay ném bóng vào rổ rất chính xác. Trong khi đó, đồng đội của anh vẫn theo kỹ thuật ném bóng vào rổ bằng hai tay.
Đông đảo cổ động viên cực kỳ phấn khích mỗi lần Luisetti nâng tỉ số cho đội nhà, nhưng lạ thay, lại có những phản ứng rất ngoan cố. Người đại diện cho giới bóng rổ chính thống - ông Nat Holman, huấn luyện viên huyền thoại của đội bóng rổ City College nói: "Đó không phải là bóng rổ. Nếu các chàng trai của tôi ném bóng một tay, tôi sẽ từ bỏ nghề huấn luyện viên". Số người đồng tình với Holman cũng cho rằng, lối ném bóng rổ của Luisetti là không đúng.
Tại sao lại như vậy? Mục tiêu của bóng rổ là ném bóng vào rổ càng nhiều càng tốt. Người ta ném một tay hay hai tay là cách thức ném, còn mục tiêu không thay đổi. Ngày nay, những cầu thủ bóng rổ trứ danh của thế giới thường ném bóng một tay theo phong cách Luisetti từ ngoài vòng 6,25m để ăn 3 điểm. Ném bóng kiểu này rất lợi hại, rất hiệu quả, vậy nó không đúng ở chỗ nào.
Cuối cùng thì, năm 1937 và 1938, Hank Luisetti được hãng truyền thông Associated Press bầu chọn là một cầu thủ xuất sắc nhất cho nửa đầu thế kỷ XX.
Luisetti mất ngày 17/12/2002. Ông đã chứng kiến những người thuộc các thế hệ cầu thủ sau ông như Earl Monroe, Julius Erving, Michael Jordan (những ngôi sao bóng rổ người Mỹ) đã hoàn thiện cách ném bóng của ông, tạo nên một phong cách chơi hiện đại.
Câu chuyện chơi bóng rổ trên đây cho thấy, thái độ không chấp nhận cách ném bóng vào rổ bằng một tay là một kiểu tư duy cố chấp. Việc không thấy sự khác biệt mà người khác tạo ra có thể vĩnh viễn thay thế cho cái gọi là chính thống của một thời kỳ nào đó.
Nhưng, dù sao thì ném bóng rổ bằng hai tay cho đến nay cũng là một kỹ thuật, nhưng nó không độc tôn như trước đây.
Trên thực tế, có khi một hành vi sai được lặp đi lặp lại nhiều năm, đến khi một hành vi đúng hình thành thì không dễ chấp nhận cái mới, đó là tư duy cố chấp.
Thành tựu y học chống lại sự tín điều
Trước đây, có một thời kỳ trong y học có một lý thuyết mà toàn thế giới coi là chân lý. Các thầy thuốc cho rằng, các vết loét dạ dày có nguyên nhân từ rượu và thuốc lá. Người ta cũng cho rằng, sự căng thẳng khiến cơ thể sản xuất dư acid dạ dày. Số lượng dư thừa acid đã ăn mòn lớp niêm mạc. Cách hiểu này đi tới phương pháp chữa viêm loét dạ dày là phẫu thuật.
Vào khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, hai vị bác sĩ người Úc, Robin Warren và Barry Marshall cho rằng, các vết loét dạ dày là do một loại vi khuẩn, nhưng thời điểm đó cả hai vị này chưa xác định được dòng vi khuẩn nào.
Năm 1983, bác sĩ Marshall điều trị thành công cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày bằng thuốc kháng sinh. Năm ấy, tại Bỉ có một hội thảo khoa học về căn bệnh này. Nghe Marshall trình bày cách điều trị của ông. Người ta chất vấn ông và không chấp nhận, đơn giản là: "Chẳng lẽ các bác sĩ chữa viêm loét dạ dày bằng phẫu thuật" lại sai.
Sau Hội thảo, Marshall bị tống ra khỏi ngành nghiên cứu viêm dạ dày, viêm ruột. Không có bệnh nhân viêm loét dạ dày nào tìm đến ông để chữa bệnh cho mình. Để kiếm sống, Marshall phải về những vùng quê hẻo lánh để hành nghề.
Ra khỏi Hội thảo, Marshall nói: "Chương trình của họ bắt tôi im miệng. Không thể phá bỏ một tín điều được".
Nhưng tín điều về sự loét dạ dày do tăng lượng acid còn sống dai dẳng. Phải mất một thập kỷ, giới thầy thuốc chữa loét dạ dày mới thôi không kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc kháng acid, thay vào đó là thuốc kháng sinh.
Thực tiễn đời sống chống lại sự tín điều
Cái mới ra đời không phải cứ xuất hiện ngay lần đầu đã được mọi người vỗ tay tán thưởng, nhiều khi nó còn bị trả giá một cách khốn khổ. Chính vì vậy, việc tích lũy tri thức và truy cập kịp thời những kiến thức khoa học làm nền tảng và làm cứ liệu cho tư duy phản biện sẽ là điều kiện để chúng ta không rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Từ đó, những cái mới sẽ nhanh chóng lên ngôi.
Cả nghìn năm trước, con người được nhà thờ tạo cho họ lòng tin vào sức mạnh tối thượng của Chúa đã tạo ra con người. Năm 1859, Charles Darwin công bố tác phẩm "Nguồn gốc các loài", trong đó nói rằng, muôn loài tiến hóa bằng quy luật chọn lọc tự nhiên. Con người cũng theo quy luật ấy mà xuất hiện, phát triển. Đọc Charles Darwin, người ta hiểu con người là sản phẩm không từ bàn tay Chúa nhào nặn, mà do những quy luật sinh tồn trong thiên nhiên mà hình thành.
Ngày 5/7/1996, nhân loại sửng sốt bởi sự có mặt của con cừu Dolly - một con cừu cái dòng Dorset Phần Lan - được Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại Viện Roslin ở Edinburgh (Scotland) tạo ra. Những tác giả này đã lấy tế bào vú của một con cừu cái, và nhờ vào công nghệ nhân bản vô tính đã tạo ra Dolly. Dolly là bản photocopy của con cừu mẹ, nghĩa là nó đúng như một bản sao hoàn hảo của mẹ nó.
Lớn lên, Dolly được phối giống với con dê đực Ấn Độ, sinh ra con cừu Polly. Sau đó, có lần nó đã sinh 3. Cho dù là sản phẩm của sự sinh sản vô tính, cừu Dolly đã chứng tỏ rằng, nó có đủ thiên chức của một con cừu cái, không khác gì mẹ nó. Cừu Dolly sống tới ngày 14/2/2003, lúc đó, nó là con cừu già y hệt con cừu mẹ. Tại thời điểm tạo ra nó, người ta chưa biết cách đưa đồng hồ sinh học trong tế bào làm ra nó về số 0, cho nên vừa ra đời, nó đã bằng tuổi mẹ nó rồi.
Nhưng sự xuất hiện của con cừu Dolly mang lại một thông điệp cho nhân loại: Sự tiến hóa muôn loài không chỉ theo quy luật "chọn lọc tự nhiên" như Charles Darwin tuyên bố. Dolly là sản phẩm của quy luật "chọn lọc không tự nhiên". Quyền năng sáng tạo ra các sinh linh không còn là của riêng Chúa. Con người với trí tuệ hiện đại của mình muốn Chúa chia sẻ quyền sáng tạo này cho họ.
Trong khoa học, sự tín điều cần phải được chống lại bằng cách các cá nhân, tập thể, cộng đồng luôn phải coi trọng cả lý luận, cả kinh nghiệm thực tiễn. Giáo dục và đào tạo phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Học phải đi đôi với hành. Đặc biệt là vận dụng thành tựu của khoa học vào mọi mặt của đời sống.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chai-san-cua-tu-duy-su-tin-dieu-179230425180849514.htm