Cha con người lưu giữ báo giấy truyền đời ở thành Nam

14:32 - 05/12/2024

Tại Nam Định, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho ông Nguyễn Phi Dũng - một nhà sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay với số lượng nhiều nhất vào tháng 11 vừa qua.

Người lưu giữ báo giấy ở thành Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Dũng nhận bằng xác lập kỷ lục nhà sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay với số lượng nhiều nhất.

Hành trình tám năm từ 2016 đến kỷ lục là nhà sưu tập báo giấy phát hành từ cuối thế kỷ 19 đến nay với số lượng nhiều nhất vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng hồi cuối tháng 11 vừa qua không quá dài. Thế nhưng, ngoài công sức, tiền bạc để xây dựng bộ sưu tập báo, tạp chí hơn 21 tấn đó, niềm đam mê và sự nhiệt tình của ông Nguyễn Phi Dũng được khởi nguồn từ cha ông, một người yêu thích sách vở, học hành từ những năm 197x, 198x.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, sinh năm 1961 ở Nam Định. Kế thừa tình yêu và niềm đam mê sưu tầm sách báo cũ của cha ông là nhà sưu tầm Nguyễn Phi Hùng, từ năm 2016, ông Nguyễn Phi Dũng đã bắt đầu sưu tầm các loại báo xưa, báo cổ, báo cũ phát hành tại Việt Nam. Đến nay, bộ sưu tầm của ông lên đến 400.000 tờ báo của hơn 100 đầu báo được phát hành tại Việt Nam trước năm 1954.

Bộ sưu tập của ông Nguyễn Phi Dũng gồm khoảng 400.000 tờ báo, trong đó có hơn 100 đầu báo phát hành tại Việt Nam trước năm 1954. Đây là kết quả của tám năm ông Dũng coi việc tìm kiếm, lưu giữ các loại báo xưa, báo cổ, báo cũ phát hành tại Việt Nam là một công việc nghiêm túc. Đến nay, bộ sưu tập của ông đã lên đến khoảng 400.000 tờ báo, trong đó có hơn 100 đầu báo phát hành tại Việt Nam trước năm 1954.

Trong bộ sưu tập của ông Dũng có rất nhiều tờ báo đặc biệt như tờ Le Courrier d'Haiphong (Thư tín Hải Phòng) phát hành năm 1886 hay gần 20 tờ báo đầu tiên (số 1) như: Tờ Số 1, Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) phát hành ngày 10/10/1942; tờ báo Cứu Quốc, số Xuân năm Quý Mùi, xuất bản ngày 5/1/1943; tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn); Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn)... Tuy vậy, theo ông Dũng, chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập vẫn các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Thanh niên…

Không như sách đã trở thành một thú chơi (thậm chí được xem là nghệ thuật) thì việc lưu giữ báo, tạp chí khó khăn hơn do số lượng nhiều, bảo quản phức tạp. Có hai lý do khiến nhiều đầu báo giờ chỉ còn vài tờ hoặc trở nên tuyệt bản là vì không ai đủ kiên nhẫn để theo dõi liên tục và mua đủ bộ; kế đó là vì chiến tranh. 

Cũng vì thế mà không một ai có thể thống kê được, kể từ khi Việt Nam có báo chí, với tờ Gia Định Báo phát hành số đầu vào ngày 15/4/1865, đã có bao nhiêu đầu báo ra đời? Bởi có báo với tên gọi như vậy trước năm 1945, sau 1945 đổi tên khác nhưng vẫn giữ nguyên tôn chỉ; có báo kéo dài từ trước 1945 đến tận bây giờ, có báo đình bản rồi lại tái bản; có báo ra một số thì biến mất nhưng cũng có báo ra tới hàng chục nghìn số; có báo trùng tên nhau trước và sau năm 1945 nhưng tôn chỉ lại khác hẳn nhau…

Người lưu giữ báo giấy ở thành Nam - Ảnh 2.

Nhà sưu tập sách báo Nguyễn Phi Dũng.

Do vậy, việc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục đối với bộ sưu tập báo giấy của ông Dũng một mặt ghi nhận niềm đam mê và sự nhiệt tình của nhà sưu tập người Nam Định, một mặt cho thấy tình yêu bất tận với chữ nghĩa của dòng họ Nguyễn Phi.

Theo ông Dũng, cha ông, ông Nguyễn Phi Hùng, chỉ là một công chức nhà nước bình thường. Những năm 197x, 198x, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông Hùng rất thích đọc sách báo và thường xuyên mua các tờ: Khoa học, Sức khỏe, Toán học tuổi trẻ. Đọc xong, ông cẩn thận khâu đóng thành quyển cất giữ cẩn thận. Thói quen này ông giữ đến khi qua đời năm 2020. Và chính thói quen, đam mê đấy của ông đã truyền lửa cho ông Dũng trong quá trình sưu tầm báo giấy, tạp chí sau này.

Người lưu giữ báo giấy ở thành Nam - Ảnh 3.

Kho sách báo cũ được truyền đời của dòng họ Nguyễn Phi tại thành Nam.

Ông Dũng kể: "Trước khi cha tôi mất hai tháng, mặc dù đang khỏe mạnh bình thường, nhưng cha tôi đã có linh cảm kì lạ. Ông gọi tôi và trao cho tôi sứ mệnh tiếp quản kho sách báo mà ông từng yêu quý như bạn tri kỉ. Đó là hành động cho thấy sự tin tưởng và hi vọng mà ông gửi gắm vào tôi. Riêng chỉ còn một tập báo ông đang đóng dở dang thì vẫn để trên bàn. Khi ông mất, tôi vẫn giữ lại tập báo cuối cùng mà cha tôi chưa kịp hoàn thành và để nguyên trên bàn ông hay ngồi, như một kỉ vật thiêng liêng, như một phần của ông còn mãi với tôi".

Ông Hùng ra đi năm 2020 và không có dịp được xem hình ảnh người con trai xuất hiện trên truyền hình và trên các mặt báo liên tục nhờ những hành động đẹp như trao tặng các tờ báo, tạp chí có giá trị lịch sử, lưu giữ cho các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, các trường học hay chỉ đơn giản cho những cá nhân đang tìm kiếm thông tin, hình ảnh trước đây. Ông cũng không biết được rằng, kết quả đó chính là nhờ ông đã truyền đam mê của mình sang ông Dũng và chính là nhờ một phần hiện vật của ông dành cho người con trai. Điều an ủi là trong tám năm kể từ 2016, ông Dũng vẫn giữ nguyên một niềm đam mê với báo giấy, tạp chí, với những tờ báo xưa, tờ báo cũ, như để đam mê của người cha, của bản thân ông không bao giờ tắt.

Thậm chí, ông Dũng đã có ý tưởng thành lập bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, nhằm để cho những hiện vật của hai cha con họ sẽ được bảo quản, lưu giữ tốt hơn và có ích cho cộng đồng cũng như cho các thế hệ sau. Theo ông Dũng, năm 2025, báo chí Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Sau bao năm sưu tầm hiện vật, ấp ủ thành lập một bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, ông xác định năm 2024 là thời điểm chín muồi, sau khi ông đã sở hữu hơn 21 tấn báo giấy, tạp chí có tuổi đời từ một vài chục năm đến hơn 100 năm.

Người lưu giữ báo giấy ở thành Nam - Ảnh 4.

Bộ sưu tập báo giấy độc đáo và có giá trị của ông Nguyễn Phi Dũng.

Ngoài báo chí, sách và các tư liệu, ông Dũng cũng mong muốn sưu tầm, lưu trữ các di sản văn hóa khác. Vì thế, ông quyết định lấy tên của bảo tàng là Bảo tàng Báo chí và Di sản văn hóa Đông A. Theo ông Dũng, báo chí, tư liệu, đồ cổ và các hiện vật di sản văn hóa là một kênh phong phú nhất để có thể xem lại quá khứ, lịch sử của con người Việt Nam đã sống, làm việc, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ đất nước như thế nào.

Ông tâm sự rằng, "Đây là một thú chơi nhưng cũng là một kênh đầu tư. Vì giá trị của báo, tạp chí, cũng như sách, được bảo tồn mãi sau này. Người ta tích lũy vào đất đai, vàng bạc nhưng đầu tư vào tài sản tinh thần sẽ có giá trị cho tương lai. 10 năm, 20 năm nữa, con cái tôi có thích thì nó được thừa hưởng. Còn nếu chúng không thích, tất cả sẽ thuộc về cộng đồng".

Bài dự thi cuộc thi viết về "Gia đình học tập"

Tác giả: Phạm Mạnh Hào

*Tác giả gửi bài dự thi Cuộc thi viết về "Gia đình học tập" về email của toà soạn Tạp chí Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cha-con-nguoi-luu-giu-bao-giay-truyen-doi-o-thanh-nam-179241205143247976.htm