Cắt điện hay "vắt" điện - ngành điện thua lỗ bổ đầu dân?

06:30 - 26/05/2023

Trước mùa cao điểm nắng nóng, nhà nhà kêu gọi tiết kiệm điện, các cơ quan chức năng, truyền thông, bộ, ngành đều tích cực... ngắt điện! Người tiêu dùng ngắt điện đương nhiên là để tiết kiệm, nhưng thực ra là gánh hậu quả hoạt động kém hiệu quả của ngành điện Việt Nam!

Đã nhiều năm không cắt điện, nay lại...cắt!

Một tối trên đường Phan Đình Phùng, bóng cây bao trùm không gian đen kịt vì cắt điện. Buổi tối mà con phố đẹp nhất nhì Hà Nội không có đèn đường trong những ngày đầu hè nóng hầm hập. Người ta lý giải: đó là cách...tiết kiệm điện. Dân thủ đô đi trên con phố tối om mà lòng hoang mang không biết ở nhà có điện hay không?

Cắt điện hay "vắt" điện - ngành điện thua lỗ bổ đầu dân? - Ảnh 1.

Cảnh "tiết kiệm" tại Khách sạn Sofitel Metropole (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: EVN.

Theo lời kêu gọi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2023 toàn dân cần tích cực hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện. Ngay từ những ngày đầu hè 2023, EVN đã có rất nhiều thông báo, khuyến cáo người dân, các cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh sản xuất…chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả như: Tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào các khung giờ cao điểm, từ 11h30-14h30 và từ 20h00-22h00 hàng ngày.

Đối với nền kinh tế cũng như đời sống nói chung, tiết kiệm luôn là giải pháp cần thiết, nhất là theo EVN nắng nóng làm nhu cầu sử dụng điện tăng, từ đó dẫn đến việc thiếu điện. Trong khi đó, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) ngày 22/5 lại khẳng định không cắt điện luân phiên trên địa bàn Thủ đô mặc dù thời tiết cực đoan khiến tiêu thụ điện tăng vọt. Điều này có nghĩa là...không thiếu điện! Nhưng theo thông tin từ EVN, các lịch tạm ngừng cấp điện trên địa bàn Hà Nội đều chỉ để ..."phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện" nhằm đảm bảo vận hành cung ứng điện được an toàn, ổn định!

Chỉ 3 ngày sau, vào ngày 25/5, EVN Hà Nội lại ra thông báo về lịch cắt điện trên toàn thành phố. Theo thông báo, nhiều hộ dân thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ bị mất điện. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, một số khu vực trên địa bàn quận, huyện Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh… cũng sẽ bị ngừng cung cấp điện tạm thời.

Giữa lúc Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, việc thông tin cắt điện như trên làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành điện, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất nói chung.

"Tảng băng chìm" là khoản lỗ chưa có hồi kết của EVN?

Cắt điện hay "vắt" điện - Ảnh 1.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề điều tiết giá điện của Nhà nước. Nguồn: IT.

Theo thông tin báo chí đã phản ánh trong thời gian qua, về đề xuất chuyển 130.000 tỷ vốn đầu tư công không sử dụng để EVN "cắt lỗ" chưa biết kết quả cuối cùng ra sao, nhưng trên các diễn đàn, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người đặt dấu hỏi về khoản lỗ của EVN vì đâu đến nỗi? Và căn cứ nào để yêu cầu vốn đầu tư công "tài trợ" cho các khoản lỗ này?

Theo gợi ý của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2022 tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỷ đồng. Nếu sử dụng phần ngân sách này để... cắt lỗ sẽ giúp điều tiết giá điện.

Còn theo thông tin từ báo Thanh Tra, EVN liên tiếp kinh doanh thua lỗ dù đã tăng giá điện lên 3%, với tổng lỗ 3 năm dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của tập đoàn này. Chưa kể, hiện EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả.

Đến năm 2024 nếu giá điện không tăng thì dự báo tổng lỗ tích lũy qua 4 năm sẽ khoảng từ 112.000 - 144.000 tỷ đồng, tức mất 54-70% vốn điều lệ của EVN.

Nếu giá điện tăng 3% năm 2024 thì EVN dự kiến lỗ 94.000 - 126.000 tỷ đồng, tức là mất 46 - 61% vốn chủ sở hữu.

“Với tình hình như vậy, EVN không thể hết lỗ trong năm 2025, không thể thành tập đoàn mạnh, phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu”
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc Nhà nước điều tiết giá mà không hỗ trợ doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo cách các nước đang làm hiện nay đã đẩy EVN vào cảnh thua lỗ - theo báo Thanh Niên.

Từ đó, ông Nhân đề nghị bổ sung một nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật Giá 2023 là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá để EVN - doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất, năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phát triển bền vững.

Đi tìm nguyên nhân "lỗ" của "đại gia" EVN

Chuyện đi tìm nguyên nhân thua lỗ của một tập đoàn EVN- tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước có vốn Nhà nước chiếm trên 50% - là chuyện... "bắc thang"!. Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia, việc thua lỗ không chỉ dừng lại ở khâu kinh doanh chính. Các khoản đầu tư khác của EVN trong những năm qua cũng đang tồn tại thua lỗ - là nguyên nhân góp phần tăng sự thua lỗ của tập đoàn.

Tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.235 tỷ đồng năm 2022 của EVN.

Theo các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là hơn 419.031 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265 tỷ đồng. Các khoản chi phí này đến từ chi phí khâu truyền tải điện, chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành, chi phí khâu phát điện...

Để biết được các khoản chi cụ thể này thế nào là một điều khó đối với người dân, nhưng với cơ quan quản lý, các vị thanh tra nhà nước thì thậm chí đã có những phát hiện hốt hoảng về "giá thành bán điện còn bao gồm cả giá thành chi phí xây biệt thự, sân tennis...". Thực hư điều này ra sao, cần có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Cắt điện hay "vắt" điện - Ảnh 2.

Trong khi lương trung bình của cán bộ văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng thì lương công nhân điện lại rất thấp. Ảnh minh họa: EVN.

EVN - đầu tư lớn, lỗ dài, lương "khủng"

Đây là thông tin trên báo Tiền Phong: theo kết quả kiểm toán, lương trung bình của cán bộ văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Với người đứng đầu ngành điện, có thông tin nhận lương khoảng 150 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể khoản thù lao nhiều chục triệu đồng mỗi tháng từ việc là đại diện vốn (đầu tư ngoài ngành) ở những đơn vị khác như bảo hiểm, ngân hàng, tài chính...

Trong khi đó, một tờ báo của ngành tư pháp công bố mức lương "khủng" của lãnh đạo EVN: Mức thu nhập của hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó Tổng giám đốc là 3.43 triệu đồng/tháng, các thành viên Hội đồng thành viên và Phó tổng giám đốc khác của EVN có mức thu nhập từ 48 – 50 triệu đồng/tháng.

Một trong số các mức lương "khủng" nhất của EVN là vị trí Chủ tịch, có thông tin cho rằng, mỗi năm người đứng đầu EVN được trả lương 1,7 tỷ đồng/năm, tương đương mức 150 triệu đồng/tháng.

Một lý giải khá hợp lý về mức lương khủng của các vị quan chức đầu ngành EVN có được là nhờ... thù lao trả cho các chức danh, vị trí kiêm nhiệm và việc sở hữu cổ phần trong và ngoài ngành ở các tổ chức liên quan, hoặc thậm chí không liên quan khác như: đầu tư bất động sản (biệt thự, sân golf), bảo hiểm, ngân hàng hay cả hàng tiêu dùng như điện thoại...

Các khoản đầu tư này chưa biết kinh doanh ra sao, song cũng đem về cho các vị cổ đông một khoản thu nhập đáng kể. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều tập đoàn nhà nước, trong đó có EVN thích đầu tư ngoài ngành, dù không hiệu quả.

Cũng theo báo Tiền Phong, với số tiền đầu tư ngoài ngành tính đến hết 2010 là 5.402 tỷ đồng, nhiều lãnh đạo tập đoàn (các ủy viên Hội đồng thành viên, các trưởng ban của EVN) sẽ có cơ hội được làm đại diện phần vốn sở hữu tại các công ty mà EVN góp vốn, thì thu nhập của họ riêng từ nguồn thù lao này là rất lớn.

Có bất công hay không?

Tập đoàn EVN cho biết, hiện nay tình hình cấp điện mùa nắng nóng rất khó khăn. Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa nắng nóng, EVN lại có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố kiến nghị chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện.

Chuyện thực hành tiết kiệm có thể cũng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực khi người dân đồng lòng ... chịu khổ để tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia. Nhưng nguồn tài nguyên đó đi về đâu thì chẳng biết, chỉ thấy cứ ngày này qua tháng khác, EVN kinh doanh một thứ gần như "độc quyền" lại liên tục báo lỗ!

Có bất công hay không khi người dân lao động hàng ngày phải thực hành tiết kiệm điện, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp thỏm vì điện... phập phù, còn ngành điện luôn thua lỗ mà cán bộ hưởng lương cao!? Có bất công hay không khi giá điện bỗng vụt tăng một cách khó hiểu giữa những khó khăn chung của tất cả các ngành nghề kinh tế-xã hội đáng rất khó khăn?

Có bất công hay không, khi Đảng và Nhà nước luôn yêu cầu và tiến hành hàng loạt giải pháp chống lãng phí trên  nhiều lĩnh vực, nhưng ở EVN cứ tiếp nối đầu tư thiếu hiệu quả rồi bổ đầu người tiêu dùng -gọi một cách văn hoa là cùng ...chia sẻ?

Tham khảo thêm

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cat-dien-hay-vat-dien-nganh-dien-thua-lo-bo-dau-dan-179230525153940998.htm