Cảnh giác với tội phạm tiền giả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo: Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến rất gần, đây là dịp để các đối tượng xấu lưu hành tiền giả gây thiệt hại khôn lường đến kinh tế của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ đoạn của tội phạm tiêu thụ tiền giả
Theo Phòng An ninh Điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tội phạm thường lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, chọn thời điểm buổi tối, nơi mua bán sầm uất để tiêu thụ tiền giả. Chúng thường lợi dụng những người bán hàng đang bận rộn, là người già, trẻ em thị lực kém. Trước khi mua hàng, đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung, thiếu cảnh giác để giao dịch hàng hóa giá trị lớn bằng tiền giả.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng sử dụng lẫn lộn giữa tiền thật và tiền giả khi mua hàng để tránh bị phát hiện, sử dụng tiền giả để lừa người khác chuyển tiền vào ví điện tử, tài khoản ngân hàng của mình. Loại tội phạm này cũng sử dụng tiền giả mệnh giá lớn để mua các hàng hóa có giá trị nhỏ, như: nước giải khát, thuốc lá, thẻ cào điện thoại, vé số, đổ xăng để được trả lại bằng tiền thật.
Một số cách kiểm tra, nhận biết tiền giả
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân nêu cao cảnh giác trước loại tội phạm sử dụng tiền giả, nhất là hạn chế sử dụng tiền mặt để giao dịch hàng ngày để tránh hậu quả. Đồng thời lưu ý người dân một số cách kiểm tra, nhận biết tiền giả như sau:
Kiểm tra sơ bộ: Tờ tiền giả không được sắc nét, bị nhòe mực;
Kiểm tra số seri: Tiền giả thường có số seri trùng nhau;
Kiểm tra hình bóng chìm: Tiền giả không nhìn rõ từ hai mặt, đường nét không tinh xảo, sắc nét;
Kiểm tra chất liệu tờ tiền: Khi vò nát tờ tiền, tiền thật sẽ co giãn về trạng thái ban đầu, tiền giả sẽ bị nhăn nhó;
Kiểm cửa sổ trong suốt của tờ tiền: Tiền giả không có số mệnh giá dập nổi hoặc được dán thêm số mệnh giá chi tiết in không tinh xảo, rõ nét;
Kiểm tra yếu tố in lõm: Vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lõm, tiền thật sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráo của nét in.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn cách kiểm tra nhanh một số yếu tố bảo an của các loại tiền polymer Việt Nam để xác định tiền thật, tiền giả:
Sản xuất, tàng trữ, lưu hành tiền giả đều phạm pháp
Theo Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi phạm pháp. Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả.
Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-giac-voi-toi-pham-tien-gia-dip-tet-nguyen-dan-giap-thin-179240207180351433.htm