Cảnh giác những chiêu lừa đảo dễ gặp khi bước vào đời sinh viên
Trước ngưỡng cửa đại học, nhiều bạn sinh viên phải thay đổi môi trường sống, vào đời và lớn lên, các bạn cũng sẽ phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo, những chiếc bẫy ngọt ngào.
Sinh viên dễ mắc những hình thức lừa đảo nào?
Có nhiều vấn đề sinh viên sẽ gặp phải trong học tập và đời sống. Một trong những vấn đề phổ biến và đáng lo ngại mà sinh viên mới có thể gặp phải là các hình thức lừa đảo.
Một trong những hình thức lừa đảo đầu tiên các bạn sinh viên dễ phải đối mặt là giả danh các chủ nhà trọ để cho thuê. Kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận những sinh viên còn lạ lẫm với khu vực, sau đó đóng giả làm chủ phòng trọ, ngỏ ý dẫn khách đi xem các căn phòng trọ mà không cho vào trong hay gặp bất cứ ai.
Từ những lời mời chào hấp dẫn tới giá cả đều rất hợp lý, các khu nhà được giới thiệu đều thuận tiện, gần trường, không phải mất tiền cọc... khi đối tượng đã thuyết phục được khách hàng thì số tiền đặt cọc sẽ đi cùng lời hứa mất hút. Khi các bạn sinh viên đến nơi thì mới biết mình bị lừa, vậy nên, rất cần các bạn nâng cao cảnh giác, tránh mắc bẫy lừa giả mạo chủ trọ. Hãy tìm thông tin qua các chủ nhà thực sự, chịu khó đến từng khu nhà trọ, gặp trực tiếp những người ở đó và liên hệ tìm phòng trống.
Cách này cũng giúp bạn có thể nắm rõ địa hình thực tế của vị trí nhà trọ, hỏi thăm những người đã từng sống và những người dân xung quanh về độ an toàn, an ninh của khu trọ.
Không chỉ giả mạo chủ trọ, đối tượng lừa đảo còn giả mạo chia sẻ thông tin mời ở ghép để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của sinh viên. Các đối tượng sẽ giả danh làm người có nhu cầu ở ghép, tiếp cận các bài đăng tìm người ở ghép và xin được ở ghép cùng. Những đối tượng này thường viện nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin cá nhân, các ràng buộc cần thiết. Sau đó, nhân lúc sơ hở sẽ lấy đi hết các tài sản giá trị. Đến lúc biết chuyện thì tài sản mất hết mà cũng không thể tìm được bạn cùng phòng.
Cảnh giác với những lời mời việc làm hấp dẫn cho sinh viên
Với nhu cầu làm thêm ngày càng nhiều trong sinh viên, đối tượng xấu sẽ lợi dụng để lừa đảo bằng những lời mời gọi hấp dẫn.
Các chiêu trò lừa đảo "việc nhẹ, lương cao" đã được báo chí và các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên vẫn có nhiều bạn sinh viên sập bẫy lừa do chưa có đủ trải nghiệm, kinh nghiệm và hiểu biết bản chất của vấn đề.
Hiện nay, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều sinh viên, hàng loạt thông tin tuyển dụng lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội với thông tin dày đặc. Những thông tin tuyển dụng đăng trên các trang mạng xã hội này đánh trúng tâm lý khát khao tìm kiếm việc làm của các sinh viên nhưng thực chất đây chỉ là những bẫy lừa đảo sinh viên theo hình thức mới.
Từ đó, các đơn vị trường học đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo đề nghị sinh viên hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ, cẩn trọng suy nghĩ và nên tìm hiểu về lịch sử và hoạt động của các công ty pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn.
Nếu bạn thấy các thông tin việc làm không rõ ràng, cách thức truyền thông không đồng nhất và đặc biệt, nếu đơn vị tuyển người yêu cầu bạn đóng một khoản phí/lệ phí nào đó thì cần nâng cao cảnh giác với những trường hợp này. Vì rất có thể, số tiền "cọc", "giữ chỗ" đó của bạn sẽ không cánh mà bay!
Có thể nói, sinh viên là đối tượng dễ bị lừa đảo vì thường thiếu kinh nghiệm và thông tin nhưng lại có sự háo hức của những người vừa mới trưởng thành chập chững vào đời.
Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng xấu đã nghĩ ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, từ việc giả mạo nhà tuyển dụng, chào mời việc làm hấp dẫn với mức lương cao nhưng yêu cầu phí đặt cọc hoặc mua tài liệu cho đến các trang web mua sắm trực tuyến không rõ nguồn gốc, dễ bị lừa đảo khi chuyển tiền trước nhưng không nhận được hàng... Tất cả đều như một tấm "mạng nhện" mà bạn cần tỉnh táo và sáng suốt nhận ra để có thể tự bảo vệ mình và bạn bè, người thân không trở thành "mồi ngon" cho những đối tượng lừa đảo.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-giac-nhung-chieu-lua-dao-de-gap-khi-buoc-vao-doi-sinh-vien-179240724213744616.htm