Cảnh báo hình thức vay tiền từ "tín dụng đen" qua ứng dụng trên điện thoại di động
Nếu không cẩn thận, chỉ sau một vài tháng vay tiền từ "tín dụng đen" qua ứng dụng trên điện thoại di động, người vay có thể phải trả khoản tiền gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu.
Tội phạm hoạt động theo hình thức "tín dụng đen" cho vay qua ứng dụng trên điện thoại
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng đã đưa ra cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm đối với hình thức "tín dụng đen".
Thực tế, thời gian qua, địa bàn cả nước xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động theo hình thức "tín dụng đen" với phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại di động. Mặc dù số tiền cho vay không lớn nhưng mức lãi suất rất cao, chỉ thực hiện qua ứng dụng điện thoại di động, giao dịch vay trả đều không có giấy tờ và địa chỉ công ty cho vay không có thật.
Các đối tượng, tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc tạo các ứng dụng vay tiền, đồng thời sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy video quảng cáo... nhằm kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia với những nội dung như: Thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, lãi suất "hấp dẫn", miễn phí lãi suất lần đầu vay, vay không cần chứng minh thu nhập, vay không cần thế chấp, lương càng cao lãi suất càng thấp...
Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu sử dụng "tín dụng đen", các đối tượng chủ động liên hệ qua trang mạng xã hội như: Zalo, Telegram, Messenger, Viber... và tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, bọn chúng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ... Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa.
Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động. Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ. Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10-15%/năm (tương đương hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể).
Tuy nhiên, nếu đến hạn, người vay trả chậm sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3 - 8% tiền vay; một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2 - 5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu trong thời gian ngắn (một vài tháng).
Khi đến hạn mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả đầy đủ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ như: Sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân (những số điện thoại thường xuyên liên lạc hoặc có tên trong danh bạ) gây sức ép để đòi tiền; sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý để vu khống, tố cáo, gây sức ép đòi nợ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân…
Người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm "tín dụng đen"
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm như sau:
Người dân không đăng ký vay tiền qua các app hay website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền.
Khi có nhu cầu vay vốn nên tìm đến các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín như ngân hàng, quỹ tín dụng… để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật.
Đối với những người dân không vay mà bị gọi điện, nhắn tin làm phiền có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn bằng các ứng dụng có sẵn trên điện thoại, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân của bản thân hay người thân và bạn bè. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, người bị làm phiền ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn và trình báo cơ quan chức năng, tránh tâm lý e ngại, thậm chí thoả hiệp cho qua, từ đó tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây liên quan đến việc cho vay qua app, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền… trình báo cho cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Mọi thông tin liên hệ Trung tá Khúc Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phổ Hải Phòng, số điện thoại: 0985627799.
"Tín dụng đen" là gì?
Đối với nhiều người, "tín dụng đen" đơn giản chỉ là cho vay nặng lãi, tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, hoạt động "tín dụng đen" không chỉ đơn giản như vậy.
"Tín dụng đen" có thể hiểu là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện và hình thức của hoạt động "tín dụng đen".
Thủ tục cho vay "tín dụng đen"
Thủ tục vay và cho vay của "tín dụng đen" rất đơn giản, có thể có tài sản thế chấp, có thể không cần tài sản thế chấp. Việc vay và cho vay dựa trên sự tin tưởng nhau hoặc ràng buộc bằng các "quy tắc ngầm" của các đối tượng giang hồ ngoài xã hội.
Thực tế xét xử cho thấy, đối tượng đi vay tiền thường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ, bằng cấp của cá nhân… để cầm cố, thế chấp vay tiền. Cá biệt có trường hợp còn câu kết với các đối tượng ngoài xã hội hoặc trên mạng Internet dùng công nghệ in màu để làm giả thẻ Đảng, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ bổ nhiệm chức vụ; làm giả các hợp đồng hoặc trộm cắp tài sản của người khác… để cầm cố, thế chấp nhằm vay tiền tín dụng đen.
Lãi suất cho vay "tín dụng đen"
Lãi suất cho vay "tín dụng đen" vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" thì: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền 200 triệu đến 01 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 về lãi suất thì: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức là 1,66%/tháng), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất nêu trên (tức là 10%/năm; tương đương 0,83%/tháng) tại thời điểm trả nợ.
Theo Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, thực tế hiện nay, các chủ nợ nhỏ thường cho vay lãi 2.000 đồng/triệu/ ngày, tức là lãi suất 60.000 đồng/triệu/tháng (lãi 6%/ tháng); nếu lãi 3.000 đồng/triệu/ngày (lãi suất 9%/tháng); nếu lãi 4.000 đồng/triệu/ngày (lãi suất 12%/tháng). Đặc biệt, hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) trên một số website, ứng dụng di động (app) có thể lên đến hàng trăm phần trăm trên một năm.
Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật thì người nào cho vay với lãi suất: 05 lần x 1,66% tháng = 8,3%/ tháng trở lên và có thu lợi bất chính là có thể bị xử lý hình sự về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình thức cho vay "tín dụng đen"
Hoạt động cho vay "tín dụng đen" hiện nay đã được các chủ nợ biến tướng bằng việc: Các hợp đồng, giao dịch vay tiền thường được soạn thảo và ký nhận với nội dung giả tạo để che dấu mức lãi suất bất hợp pháp và tạo điều kiện cho chủ nợ dễ dàng khống chế con nợ để thu được nợ đồng thời cũng là ràng buộc pháp lý để khi con nợ không trả được thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự với con nợ.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động (app) hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20%/năm, tức là dưới mức bị liệt là cho vay nặng lãi. Đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp.
Đã có trường hợp, tin vào lời quảng cáo vay tiền 0% lãi suất, 0% phí tư vấn, giải ngân nhanh dưới 30 phút… nên người vay đã truy cập và điền đầy đủ các thông tin vào một website vay trực tuyến để vay 02 triệu đồng trong vòng 20 ngày. Hồ sơ vay nhanh chóng được duyệt qua ít phút. Sau khi người vay cung cấp ảnh chụp thẻ căn cước công dân và truy cập đường link dẫn đến trang facebook cá nhân thì tài khoản báo có 1.400.000 đồng; số tiền 600.000 đồng còn lại được bên cho vay giải thích là phí quản lý vay, phí hồ sơ, tiền lãi và nhiều khoản chi phí khác.
Như vậy, với mỗi ngày vay tiền qua wibesite này, người vay đã mất phí 30.000 đồng/ngày; so với mức thực vay được là 1.400.000 đồng thì người vay đang phải chịu lãi suất lên đến 64%/tháng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-bao-hinh-thuc-vay-tien-tu-tin-dung-den-qua-ung-dung-tren-dien-thoai-di-dong-179220721180107003.htm