Cảnh báo các hình thức lừa đảo trên không gian mạng
Trên không gian mạng, các vụ lừa đảo (scam) diễn ra ngày càng tinh vi, kẻ lừa đảo (scammer) thay đổi cách thức liên tục.
Các hình thức lừa đảo phổ biến nhất mà các "scammer" sử dụng để tấn công người dùng
Đánh cắp dữ liệu thông tin cá nhân
Đây là một hình thức phổ biến, được thực hiện bằng cách kẻ lừa đảo sẽ truy cập vào tài khoản cá nhân của người dùng. Nhờ công nghệ hack để đột nhập vào thiết bị di động, máy tính cá nhân hoặc hệ thống mạng internet người đó đang dùng để đánh cắp các thông tin cá nhân quan trọng.
Đánh cắp thông tin qua email bằng cách scammer sẽ gửi những email có nội dung khiến bạn phải tiết lộ thông tin cá nhân ra ví dụ như: "Ngân hàng cần xác thực thông tin, vui lòng bấm vào đường link để đăng nhập".
Đánh cắp thông tin thẻ tín dụng bằng các thủ đoạn như lắp đặt thiết bị sao chép trộm thông tin thẻ vào các trụ ATM của một ngân hàng. Sử dụng phần mềm gián điệp để lấy thông tin gõ từ bàn phím. Truy cập bất hợp pháp vào website, cơ sở dữ liệu để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng. Tạo ra một trang web bán hàng giả; thu thập, mua bán thông tin thẻ tín dụng trên một số diễn đàn của hacker.
Sau khi đánh cắp thông tin cá nhân sẽ thực hiện các hành vi lừa đảo, hành vi chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Lừa đảo trên các trang web thương mại điện tử
Các web thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng online ngày nay đang được rất nhiều người dùng ưa thích sử dụng bởi sự tiện lợi mà nó mang lại. Lợi dụng đặc điểm của việc mua bán qua mạng là người mua bao giờ cũng phải trả tiền trước. Bạn không thể nào kiểm tra được chất lượng sản phẩm có giống như trong hình, quảng cáo hay không. Điều này rất dễ khiến bạn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm.
Lừa đảo trên các nền tảng Facebook, Telegram, Zalo
Hack facebook hay các tài khoản có liên quan đến email đó và dùng tài khoản Facebook này nhắn tin với bạn bè rồi thực hiện các hành vi lừa đảo như xin mượn tiền từ danh sách bạn bè đó. Tạo các cuộc gọi giả bằng cách cắt ghép hoặc dùng công nghệ deepfake để khi thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.
Sử dụng các ứng dụng quảng cáo cho vay, tín dụng đen trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo. Nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.
Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.
Hình thức lừa đảo bằng cách kêu gọi hướng dẫn người tham gia vào các nhiệm vụ đơn giản. Nạp tiền để thực hiện nhiệm vụ để nhận hoa hồng nhưng sau khi nạp tiền nhiều lần thì người kêu gọi sẽ biến mất. Nội dung thường là đăng tuyển dụng làm nhiệm vụ trên Telegram, zalo với mức lương lớn mà yêu cầu công việc lại đơn giản dễ thực hiện. Yêu cầu nạp tiền giao dịch, tiền cọc lên đến hàng triệu đồng. Không có thông tin công ty tuyển dụng, mã số thuế, bạn không tìm kiếm dc bất kỳ thông tin nào về công ty qua Google.
Lừa đảo qua tin nhắn điện thoại, cuộc gọi mạo danh
Những cuộc gọi điện mạo danh các cơ quan, tổ chức để uy hiếp, đe dọa người dùng về một vấn đề nghiêm trọng như đòi nợ, vi phạm giao thông, vi phạm hình sự.
Những cuộc gọi điện giả mạo nhà mạng để hướng dẫn kích hoạt esim hoặc mở khóa sim, thực chất qua đó lừa để chiếm mã OTP và chiếm được sim nạn nhân.
Những tin nhắn giả mạo các thương hiệu lớn, các ngân hàng lớn để gửi đi các tin nhắn có nội dung phát hiện khách hàng sử dụng dịch vụ tại nước ngoài hoặc dịch vụ toàn cầu và yêu cầu click vào đường link để hủy.
Các tin nhắn nội dung trúng thưởng các giải thưởng lớn, các hiện vật có giá trị cao hay đơn giản hơn là một món quà sau đó là thực hiện theo một số bước mà scammer đưa ra là chúng ta sẽ mất tiền trong tài khoản điện thoại.
Cách phòng tránh lừa đảo
Với tất cả chiêu trò mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng, người dân cần ngay lập tức hãy liên hệ với cơ quan chức năng cung cấp thông tin về các đối tượng lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời.
Cách bảo vệ tốt nhất là chúng ta phải ý thức và biết điều gì sẽ xảy ra. Bạn phải luôn cẩn trọng suy nghĩ kỹ càng, không nên vội vã nghe theo lời người lạ để tránh bị lừa.
Không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho cá nhân, tổ chức nào đó mà không biết rõ về họ phải xác minh lại các cá nhân, tổ chức đó.
Mua hàng online cần phải tham khảo thêm các phần đánh giá của người mua trước về các web bán hàng, hàng hóa có chất lượng. Tìm hiểu thêm về các web, ứng dụng có phản hồi từ các cộng đồng đã sử dụng sản phẩm. Các trang web như Scamadviser, TrustPilot, MyWOT và một số trang khác cho phép người dùng để lại đánh giá mà các công ty không thể xóa hoặc chỉnh sửa. Mua bán qua mạng phải chọn lựa 1 bên trung gian uy tín trên các cộng đồng để làm trung gian.
Không tham gia các nhóm lạ, nhóm việc nhẹ lương cao, thực hiện nhiệm vụ nhận hoa hồng khủng trên Zalo, Telegram…
Không click vào những đường link lạ, những đường link được gửi qua sms, zalo, facebook, telegram, các web bắt đăng nhập tài khoản cá nhân.
Sử dụng một số phần mềm bảo mật tài khoản, phần mềm lọc các cuộc gọi từ nước ngoài hoặc đầu số lạ, tin nhắn spam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-bao-cac-hinh-thuc-lua-dao-tren-khong-gian-mang-179230328162743967.htm