Cần giải pháp mạnh mẽ trấn áp tội phạm ma túy, lừa đảo, tín dụng đen
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo, tín dụng đen đang khá phổ biến, các đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan cần sớm có giải pháp khắc phục vấn đề này.
Sáng 13/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm; lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%. Về tình hình an toàn giao thông, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng... Trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị địa phương. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp,...
Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao như: các vụ trọng án giết người, bắt cóc trẻ em, ma túy... Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên. Số vụ, số đối tượng mua bán người được cơ quan chức năng chủ động phát hiện chưa cao, chủ yếu do nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân bị mua bán trở về khai báo, tố giác. Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ gây bức xúc dư luận.
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội đã đạt và vượt như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội rất nghiêm trọng đạt 92,5%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,65%; Công an xã chính quy đã triển khai thực hiện thẩm quyền về xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần giảm tải cho Cơ quan điều tra cấp huyện.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Một số loại tội phạm xâm phạm sở hữu như: trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 96; Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn vi phạm; vẫn còn một số trường hợp phải đình chỉ điều tra do không chứng minh được tội phạm và để xảy ra một số trường hợp dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ trong việc chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, phân loại, xử lý các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ điều tra và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ đã giải quyết chưa nhiều; một số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chưa ra quyết định xử lý làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Cần giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt trấn áp tình trạng lừa đảo, tín dụng đen
Tham gia thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ về về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023. Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Phân tích nguyên nhân khiến tình hình tội phạm gia tăng trong thời gian gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: trạng thái của xã hội bình thường trở lại sau dịch COVID-19 và tình hình khó khăn của người dân, đặc biệt là người dân nghèo, người lao động, công nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua cách đây không lâu, chúng ta cũng có đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tại cửa khẩu, biên giới, đường hàng không, hải cảng, nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn gia tăng một cách đáng báo động, đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan xác định rõ trách nhiệm, xem xét kỹ việc phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, hiện nay tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đang khá phổ biến. Mặc dù cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, loại hình cho vay này có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được. Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả được thì các đối tượng sử dụng danh bạ điện thoại của người vay để gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự, khống chế và tạo áp lực cho người vay hoặc lại tiếp tục cho vay các khoản vay mới để nâng mức nợ đối với các đối tượng vay. Rất nhiều trường hợp trong thời gian vừa qua đã phát hiện, khởi tố, có những trường hợp lãi suất rất cao, lên tới 1000%.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phản ánh, thời gian vừa qua, tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng triệt để công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật. Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.
Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng và không rơi vào những cạm bẫy của những đối tượng lợi dụng.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết, cùng với sự mở rộng của hệ thống phủ sóng internet và mạng xã hội, việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến, ở nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện thủ đoạn của các tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Các đối tượng này khai thác điểm yếu về dân trí và sự thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, cả tin, nhẹ dạ của người đồng bào dân tộc thiểu số khi kết nối tham gia vào mạng xã hội, để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan pháp luật, cán bộ nhà nước, giả danh khách hàng mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo nâng cấp sim, hack tài khoản, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên qua mạng. Các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ để làm giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại tham gia mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị các cơ quan hữu quan cần sớm có giải pháp khắc phục vấn đề này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/can-giai-phap-manh-me-tran-ap-toi-pham-ma-tuy-lua-dao-tin-dung-den-179230913155108898.htm