Cần điều chỉnh chỉ số đo trong dự thảo bộ tiêu chí xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp
Theo Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh - Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng, một vài chỉ số đo trong dự thảo bộ tiêu chí đang tính bằng tỉ lệ phần trăm hoặc rất khó lượng hóa, cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Tại Hội thảo Bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp ngày 27/12/2022, Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh - Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng đã đóng góp một số ý kiến đáng chú ý về tiêu chí đánh giá mô hình xã hội học tập cấp xã, huyện, tỉnh giai đoạn 2022-2030.
Nên thống nhất tên gọi đối với việc xây dựng các mô hình học tập
Theo Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh, nên thống nhất tên gọi đối với việc xây dựng các mô hình học tập nhằm tránh dùng lẫn lộn khái niệm hoặc dùng thiếu thống nhất.
Chẳng hạn tại Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT gọi là mô hình "cộng đồng học tập cấp xã", Thông tư 22/2020/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo gọi là "xếp loại đơn vị học tập đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh", Công văn "triển khai thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập".
Và trong Dự thảo có nhiều cách gọi khác nhau như "Xã học tập", danh hiệu "Huyện học tập", "Đơn vị học tập cấp huyện", "Đơn vị học tập cấp tỉnh"...
Do đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng đề nghị giữ nguyên tên gọi và đối tượng áp dụng trong các mô hình học tập.
Còn đối với mô hình "Đơn vị học tập" nên áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị... có chung nhiệm vụ, như trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang...
Đối với mô hình "Cộng đồng học tập" nên áp dụng đối với địa bàn hành chính từ cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường/thị trấn đến thôn/làng/bản, tổ dân phố/khu dân cư... Cách xác định trên vừa phù hợp với cách gọi của quốc tế, vừa tránh được sự chồng chéo về tên gọi như đã nêu ở trên.
Về cấu trúc của bộ tiêu chí, Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh phát biểu, cấu trúc bộ tiêu chí chia làm 3 Khung thành phần là "Điều kiện - Kết quả và Tác động". Theo đó, 15 chỉ số đo áp dụng cho cả 3 mô hình học tập là phù hợp, dễ làm.
Tuy nhiên, nếu soi chiếu với các bộ tiêu chí đã và đang áp dụng tại các mô hình học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, như mô hình "Cộng đồng học tập cấp xã"; mô hình "Đơn vị học tập" áp dụng cho các cơ quan cấp tỉnh, huyện, các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, huyện; mô hình "Huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập" thì có nhiều sự khác biệt cả về nội dung và số lượng các chỉ số đo.
Cụ thể, mô hình "Cộng đồng học tập cấp xã" theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT có tới 25 nhóm tiêu chí và 50 chỉ số đo; mô hình "đơn vị học tập" theo Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT có 18 chỉ số đo; mô hình "Tỉnh/thành phố học tập" theo Công văn 5195 có 20 chỉ số đo.
Sự không thống nhất này khiến cho quá trình áp dụng và đánh giá gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến một số chỉ số đo thiếu tính thực tiễn (70% xã phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện được phủ sóng wifi miễn phí) - tiêu chí này chúng tôi rất khó thực hiện.
Về việc này, Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam sau Hội thảo nên sớm có sự thống nhất trong việc xây dựng cấu trúc khung cho các Bộ tiêu chí vì bản chất đều là đánh giá các mô hình học tập. Theo đó các văn bản không còn phù hợp cũng sớm được thay thế hoặc bãi bỏ.
Bên cạnh đó, Đối với tiêu chí 3 "Tác dụng học tập của nhân dân" nên thay từ "tác dụng" bằng "tác động" sẽ phù hợp hơn.
Một số chỉ số đo trong dự thảo bộ tiêu chí rất khó lượng hóa
Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng cũng bày tỏ sự đồng tình trọng việc xây dựng tiêu chí riêng cho mô hình cộng đồng học tập 3 cấp xã, huyện, tỉnh; đồng tình 3 nhóm tiêu chí "Điều kiện - Kết quả - Tác động".
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh, một vài chỉ số đo trong dự thảo bộ tiêu chí đang tính bằng tỉ lệ phần trăm hoặc rất khó lượng hóa, cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Việc sử dụng một số thuật ngữ cũng cần được xem xét và điều chỉnh. Ví dụ "danh hiệu xã học tập", "danh hiệu huyện học tập", đây là cách nói của những người làm khuyến học; từ "danh hiệu" thường gắn với các quy định của nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong khi các mô hình học tập hiện chưa được quy định trong Luật và các quy định về thi đua, khen thưởng của nhà nước.
Thuật ngữ "đô thị văn minh" hiện cũng chưa được văn bản hoá trong các quy định về thi đua khen thưởng, nên sử dụng tại chỉ số đo số 15 cũng chưa phù hợp.
Về triển khai thực hiện bộ tiêu chí, Thạc sĩ Hoàng Duy Đỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam cần có văn bản liên tịch hướng dẫn cụ thể về thời gian đánh giá hàng năm, giai đoạn, mức độ đánh giá, thẩm quyền công nhận đối với từng bộ tiêu chí áp dụng ở các mô hình học tập làm căn cứ để các Sở Giáo dục và Đào tạo và hội khuyến học các địa phương phối hợp thực hiện.