Cách phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Cả hai đều có các diễn tiến tổn thương da giống nhau từ dát đến sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.
Đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật. Bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, thông thường là từ 6-13 ngày.
Cả bệnh thủy đậu và đậu mùa khỉ đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus, đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết sang thương và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.
Cụ thể, virus gây bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi, hiện có 2 nhánh virus gồm nhánh Trung Phi và nhánh Tây Phi, trong đó nhánh Trung Phi thường gây bệnh nặng hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số loài cảm nhiễm với virus đậu mùa khỉ gồm sóc cây, chuột túi Gambian, động vật linh trưởng và một số loại khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được chính xác ổ chứa.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ đối với toàn cộng đồng là thấp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thủy đậu, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Bệnh thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Cả hai đều có các diễn tiến tổn thương da giống nhau từ dát đến sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.
Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Vaccine phòng bệnh đậu mùa tương đối có hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời giúp cải thiện trong điều trị bệnh.
Phát ban bệnh đậu mùa khỉ để lại sẹo
Ở bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương từ bệnh đậu mùa khỉ thường lớn hơn so với bệnh thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân bị đậu mùa khỉ bị sốt và nổi hạch toàn thân.
Ở bệnh nhân mắc thủy đậu, cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện vào thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể và thường ít để lại sẹo. So với bệnh đậu mùa khỉ thì tổn thương cho cơ thể do thủy đậu nhỏ hơn. Người bệnh có sốt, mệt mỏi.
Biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm hơn nhiều so với thủy đậu
Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người được Bộ Y tế ban hành ngày 29/7/2022, người mắc đậu mùa khỉ có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Trường hợp này thường gặp ở nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch... Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).
Trong khi đó, bệnh thủy đậu cũng có thế dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi các mụn phồng thủy đậu gây tổn thương lớn đến bề mặt da. Khi các nốt mụn đó vỡ hoặc bị trầy xước, bong tróc có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy, nhiễm khuẩn da, viêm nhiễm có mủ... gọi là bội nhiễm da thứ phát. Ngay cả sau khi khỏi bệnh, các mụn thủy đậu này cũng để lại sẹo sâu trên da, rất khó hồi phục.
Một biến chứng của thủy đậu có thể mắc phải là bệnh viêm tai, viêm tai ngoài, viêm tai giữa. Các mụn rộp của thủy đậu có thể mọc trong tai, gây viêm nhiễm; Các nốt thủy đậu khi bị vỡ hoặc trầy xước có thể bị nhiễm khuẩn, thậm chí nhiễm khuẩn huyết khi vi khuẩn xâm nhập từ mụn nước vào mạch máu.
Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng viêm thanh quản khi các nốt đậu mọc sâu trong họng hoặc niêm mạc miệng gây viêm nhiễm, sưng tấy. Vi khuẩn từ các mụn thủy đậu có thể xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây viêm họng, viêm thanh quản.
Bệnh viêm não, viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ nhỏ nếu mắc thủy đậu.
Chiều ngày 3/10/2022, Bộ Y tế đã thông tin chính thức ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam là nữ, 35 tuổi, khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai, hiện sức khỏe ổn định, không sốt, đang tiếp tục cách ly, điều trị. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, kết quả PCR dịch tiết một số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính. Bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân, tinh thần lạc quan. Các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mày, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tính đến 15 giờ 30 phút ngày 10/10/2022, trên thế giới đã ghi nhận 71.096 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 107 quốc gia, trong đó có 26 trường hợp tử vong. Mỹ là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc đậu mùa khỉ với 26.577 ca bệnh. Đứng thứ 2 là Brazil với 8.207 ca mắc. Thứ 3 là Tây Ban Nha với 7.209 ca. Tại khu vực Đông Nam Á đã có 35 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-phan-biet-benh-dau-mua-khi-va-benh-thuy-dau-179221007163436883.htm