Các trường chạy rốt ráo kế hoạch kết thúc năm học
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo "hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023" và "học sinh trong cả nước bắt đầu nghỉ hè sau ngày 31/5/2023" cần thống nhất để không gây khó cho việc dạy bù, sắp xếp kế hoạch năm học.
Vào đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thời gian năm học mới để hướng dẫn các địa phương trong cả nước thực hiện. Theo đó, Quyết định 2159/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ: Thời gian kết thúc học kỳ I trước ngày 15/01/2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2023.
Học sinh trong cả nước bắt đầu nghỉ hè sau ngày 31/5
Vì quy định cứng về thời gian hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023 nên nhiều trường học phải dạy dồn để bù kiến thức.
Năm 2023, kì nghỉ lễ 30/4-1/5, học sinh tiểu học được nghỉ học thứ 2,3,4 tuần nghỉ lễ. Học sinh trung học cũng nghỉ học 2 ngày là thứ 2,3. Tính thêm một ngày nghỉ của Tết dương lịch trong năm học, tổng cộng số ngày nghỉ học của học sinh tiểu học là 4 ngày, bậc trung học là 3 ngày.
Mỗi ngày, học sinh tiểu học có 7 tiết, 4 ngày nghỉ sẽ có 28 tiết chưa được học, còn học sinh bậc trung học sẽ thiếu khoảng 15 tiết học.
Thông lệ, học sinh nghỉ học mất tiết học, giáo viên phải dạy bù cho đủ kiến thức mới được kết thúc chương trình. Trong năm, các em mất từ 3 đến 4 ngày nghỉ, chỉ cần dạy thêm 3 đến 4 ngày là đủ số tiết đã mất do nghỉ bù trước đó.
Tuy nhiên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định "hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023" nên mỗi địa phương, mỗi trường học phải áp dụng một cách dạy bù khác nhau để kết thúc chương trình đúng vào thời gian quy định.
Điều này khiến cả giáo viên và học sinh đều vất vả do không sắp xếp được. Thậm chí cá biệt có trường học bố trí dạy bù không khéo dẫn đến những bức xúc, kiện cáo trong đội ngũ nhà trường.
Muôn kiểu sắp xếp việc dạy bù để kết thúc năm học
Ở bậc trung học, do mất 3 ngày nghỉ lễ, mỗi ngày học sinh học 5 tiết nên tổng số tiết cần dạy bù là 15 tiết. Thông thường, ngày thứ 7 hàng tuần, học sinh chỉ học 2 tiết rồi về. Thế nên, khi dạy bù nhà trường sẽ cho học sinh học thêm 3 tiết nữa nên việc học bù đơn giản.
Bậc tiểu học, học kỳ I thiếu một ngày học nên việc dạy bù thêm một ngày ở học kỳ I vẫn dễ dàng. Học kỳ II mất 3 ngày nghỉ (mỗi ngày 7 tiết) nên tổng số tiết phải dạy bù hơn 20 tiết. Do học sinh không học thứ 7, lại học 10 buổi/tuần nên sắp xếp dạy bù để kết thúc chương trình theo quy định (trước ngày 25/5/2023) lại không dễ dàng gì.
Các nhà trường yêu cầu dạy dồn tiết chính vào tiết ôn tập. Nhưng bố trí cách dạy như vậy học sinh sẽ bị quá tải trong việc học vì học sinh chỉ còn tiết học chính mà không có tiết luyện tập thêm.
Có trường lại bố trí cho học sinh đi học vào sáng thứ 7. Kiểu này, tiết dạy bù được giãn ra không còn tình trạng học dồn, học ép. Tuy nhiên, buộc học sinh đi học vào thứ 7 lại cũng không đúng quy định.
Có trường thực hiện việc dạy dồn tiết chính vào các tiết học tăng cường, đồng thời thực hiện việc trừ tiết dạy của giáo viên. Mỗi tuần giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết x 35 tuần = 805 tiết. Theo lý giải của một số trường, do nghỉ lễ nên mỗi giáo viên thiếu hơn 20 tiết và sẽ bị cấn trừ vào số tiết đã dạy tăng cường trước đó.
Thế là, dù giáo viên đã dạy bù, dù chương trình đã hoàn thành theo quy định vẫn bị trừ đi số tiết của những ngày nghỉ bù. Điều phi lý tồn tại nên đã xảy ra không ít kiến nghị trong tập thể giáo viên.
Dạy bù - học bù để tuân thủ mốc thời gian kết thúc năm học
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo "hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023" và "học sinh trong cả nước bắt đầu nghỉ hè sau ngày 31/5/2023" cần thống nhất để không gây khó cho việc dạy bù, sắp xếp kế hoạch năm học.
Quy định khi đã thông suốt thì các trường học sẽ dễ dàng sắp xếp việc dạy bù và kết thúc năm học đúng thời hạn một cách nhẹ nhàng.
Giải pháp là nếu ngày 25/5 năm nay là ngày thứ 5 trong tuần, nhà trường sẽ bố trí cho giáo viên dạy bù vào ngày thứ 5 (25/5), thứ 6 (26/5) và thứ 2 (29/5). Giáo viên và nhà trường vẫn sẽ còn 2 ngày để tổng kết năm học.
Bố trí dạy và học như thế này, học sinh không bị học dồn ép, giáo viên cũng không lo chạy chương trình và sẽ không bị trừ tiết do nghỉ bù. Vì thế, kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quy định ngày bắt đầu chương trình và kết thúc năm học là đủ nhằm giúp cho việc dạy bù thực hiện một cách nhẹ nhàng và linh hoạt.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-truong-chay-rot-rao-ke-hoach-ket-thuc-nam-hoc-179230507144855492.htm