Các nước trên thế giới tuyển sinh ngành Y như thế nào?

11:45 - 26/05/2023

Mỹ yêu cầu thí sinh phải có bằng cử nhân trước khi đăng ký theo học ngành Y, còn ở Anh, hầu hết các trường Y đều sử dụng kết quả bài kiểm tra đầu vào để đánh giá năng lực và thái độ nghề nghiệp của thí sinh.

4 trường đại học tư thục gồm Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Võ Trường Toản, Trường Đại học Tân Tạo dùng điểm môn Ngữ văn xét tuyển vào ngành Y đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ở một số nước trên thế giới, ngành học này tuyển sinh như thế nào?

Australia

Các trường Y ở Australia có hai hệ thống đào tạo đó là cấp đại học (undergraduate) và sau đại học (postgraduate).

Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có nguyện vọng vào các trường Y sẽ phải tham gia kỳ thi UMAT (Undergraduate Medicine and health sciences Admission Test - Kỳ thi tuyển sinh vào các ngành Khoa học sức khỏe và Y tế).

Thế giới tuyển sinh ngành Y như thế nào? - Ảnh 1.

Ở Australia, thí sinh có nguyện vọng vào các trường Y sẽ phải tham dự kỳ thi UMAT. Ảnh: iStock

Kỳ thi UMAT gồm 3 phần: Khả năng suy luận hợp lý và cách giải quyết vấn đề; Hiểu biết về con người; Suy luận trừu tượng.

Chương trình đào tạo sau đại học tuyển những thí sinh đã có bằng cử nhân, đa số là cử nhân Y học (Bachelor of Medical Sciences). Trường hợp tốt nghiệp ngành khác vẫn có thể nộp hồ sơ vào chương trình đào tạo này.

Thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi GAMSAT (Graduate Medical School Admissions Test - Bài kiểm tra tuyển sinh sau đại học Y khoa) gồm 3 phần: Lý luận trong khoa học xã hội và nhân văn; Giao tiếp bằng văn bản; Lý luận trong khoa học vật lí và sinh học. Sau đó, thí sinh tiếp tục trải qua một vòng phỏng vấn.

Anh

Theo The Medical Schools Council - cơ quan đại diện cho các trường Y ở Anh, hầu hết các trường Y ở quốc gia này đều sử dụng bài kiểm tra đầu vào để đánh giá năng lực, thái độ nghề nghiệp của các thí sinh.

Các bài kiểm tra được sử dụng gồm:

UCAT (University Clinical Aptitude Test - Bài kiểm tra năng lực lâm sàng bậc đại học) là một bài kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, thái độ, tác phong nghề nghiệp cần có của một bác sĩ.

Bài kiểm tra được thực hiện trên máy tính bao gồm các phần: Lý luận bằng lời nói; Đưa ra quyết định; Lý luận định lượng; Lý luận trừu tượng và đánh giá tình huống.

BMAT (Biomedical Admissions Test) là bài kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức khoa học, toán học, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp bằng văn bản và những kỹ năng cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học.

Bài kiểm tra được thực hiện trên giấy, gồm các phần: Kỹ năng chung về giải quyết vấn đề và tư duy phản biện; Năng lực vận dụng kiến thức khoa và toán học; Khả năng lựa chọn, phát triển và tổ chức các ý tưởng.

Tương tự như Australia, ở Anh, bài thi GAMSAT được sử dụng cho kỳ thi tuyển đầu vào sau đại học đối với ngành Y.

Ngoài ra, đa số các trường Y ở Anh đều yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển phải đạt điểm số cao ở các môn Hóa, Sinh hoặc Vật lí, Toán trong chứng chỉ IB, A Level.

Thế giới tuyển sinh ngành Y như thế nào? - Ảnh 2.

Hầu hết các trường Y ờ Anh đều sử dụng bài kiểm tra đầu vào để đánh giá năng lực, thái độ nghề nghiệp của các thí sinh. Ảnh: Ashley Jones

Mỹ

Ở Mỹ, thí sinh cần có bằng cử nhân trước khi đăng ký theo học ngành Y. Theo Association of American Medical Schools - Hiệp hội các trường Y của Mỹ, kết quả của kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) là điều kiện tiên quyết để nhập học vào gần như tất cả các trường Y của Mỹ.

Kỳ thi MCAT được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính và được tiêu chuẩn hóa. Hơn 85.000 thí sinh dự thi MCAT mỗi năm. Hiện, nhiều chương trình sau đại học ở Mỹ cũng chấp nhận điểm MCAT thay cho các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa khác.

Bài kiểm tra MCAT gồm 4 phần: Cơ sở sinh học và hóa sinh của hệ thống sống; Cơ sở hóa học và vật lí của các hệ thống sinh học; Cơ sở tâm lý, xã hội và sinh học của hành vi; Kỹ năng phân tích và lập luận phê bình.

Kết quả của bài thi MCAT được đánh giá là quan trọng, tuy nhiên nó chỉ là một phần trong hồ sơ đăng ký vào trường Y của các thí sinh. Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét nhiều khía cạnh khác như điểm học tập, bài luận, khả năng tiếp xúc với môi trường nghiên cứu y tế và chăm sóc sức khỏe, kinh nghiệm sống, sở thích cá nhân, tiềm năng đóng góp cho trường và cộng đồng... để lựa chọn ra những thí sinh phù hợp.

Singapore

Tại Singapore, ngành Y là ngành có điều kiện đầu vào gắt gao nhất trong các ngành đào tạo ở các trường công lập.

Trường Y Lee Kong Chian thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) - cơ sở đào tạo bậc cử nhân nổi tiếng ở Singapore, đào tạo chương trình đại học 5 năm cấp bằng cử nhân Y khoa và cử nhân Phẫu thuật.

Để xét tuyển vào trường, thí sinh phải nộp hồ sơ gồm: Kết quả học tập; Điểm kiểm tra năng lực lâm sàng đại học (UCAT - University Clinical Aptitude Test); Bài luận giới thiệu bản thân; Thư giới thiệu của giáo viên...

Bên cạnh đó, thí sinh phải có một trong các chứng chỉ như: IB, A Level, bằng tốt nghiệp trường trung học của Đại học Quốc gia Singapore... Trong đó, các môn Hóa, Sinh và Vật lí phải đạt điểm từ giỏi đến xuất sắc.

Các thí sinh cũng phải trải qua một số cuộc phỏng vấn trực tiếp được nhà trường thiết kế nhằm kiểm tra sự hiểu biết của thí sinh về nghề Y, đạo đức trong Y học, sự quan tâm đến khoa học và sự đồng cảm đối với bệnh nhân.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-tuyen-sinh-nganh-y-nhu-the-nao-179230525234025764.htm