Các địa phương linh động triển khai phương án tuyển sinh vào lớp 10
Việc tổ chức một kỳ thi tuyển hay xét tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay vẫn còn gây tranh cãi. Vậy các địa phương nên chủ động tuyển sinh cấp Trung học phổ thông như thế nào?
Hiện nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào cuối lớp 12. Chính vì thế, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 chưa trải qua một kỳ thi nào căng thẳng, cứ đủ điểm là lên lớp bình thường. Hết lớp 9, học sinh phải trải qua một kỳ thi chuyển cấp. Kỳ thi này được xem là nấc thang đầu đời, thử thách đầu tiên của các em - nhất là đối với học sinh ở khu vực đô thị - nơi có tỉ lệ "chọi" rất cao.
Việc tổ chức một kỳ thi tuyển hay xét tuyển sinh 10 hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Hình thức nào cũng có những ưu điểm, hạn chế nhất định. Hình thức thi tuyển được xem là khả thi hơn vì nó mang tính định lượng, dễ đánh giá mà lại công bằng khách quan. Hình thức xét tuyển được xem là nhẹ nhàng, đỡ tốn kém, áp lực nhưng đang tạo sự băn khoăn cho dư luận vì điểm học bạ hiện nay chưa thể hiện được sự công tâm, khách quan giữa các nhà trường.
Số lượng dự thi, điểm chuẩn giữa các trường trong một địa phương đang có sự chênh lệch khá lớn
Tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay - kể cả Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội vẫn có những khu vực khó khăn nên dẫn đến điểm chuẩn đầu vào thấp và có sự chênh lệch khá lớn so với những trường nội đô.
Kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2022-2023 vừa qua ở Hà Nội cũng có nhiều trường Trung học phổ thông ở khu vực ngoại thành có số lượng tuyển sinh đầu vào cao hơn số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Đó là: trường Trung học phổ thông Tự Lập có số thí sinh đăng ký chỉ 268 nhưng chỉ tiêu tới 450; trường Trung học phổ thông Ba Vì có số lượng thí sinh đăng ký 642, chỉ tiêu là 675; trường Trung học phổ thông Minh Quang có số thí sinh đăng ký 253, chỉ tiêu là 405; trường Trung học phổ thông Đại Cường có số đăng ký 285, chỉ tiêu là 315; trường Trung học phổ thông Minh Hà có số đăng ký chỉ 373 trong khi chỉ tiêu là 450…
Một số trường Trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ lấy điểm chuẩn cho 3 môn (điểm hệ số 1) ở mức 3,5 hoặc trên 3,5 điểm một chút/ môn là đậu tuyển sinh 10 như: trường Trung học phổ thông An Nghĩa lấy điểm chuẩn 10,5 điêm; trường Trung học phổ thông Cần Thạnh 10,5 điểm; trường Trung học phổ thông Trung Lập 10,5 điểm; trường Trung học phổ thông Bình Chánh 11,0 điểm…
Như vậy, chúng ta thấy bên cạnh những trường ở khu vực nội thành có điểm chuẩn cao, đặc biệt là khối trường chuyên nhưng cũng có nhiều trường ở khu vực ngoại thành lại có điểm chuẩn đầu vào khá thấp, thậm chí số lượng tuyển sinh cao hơn nhiều số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển 10.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã vậy, những tỉnh, thành khác - những nơi có cả khu vực nông thôn, khu vực khó khăn thì mức độ chênh lệch về số lượng tuyển sinh, số lượng đăng ký dự thi và điểm chuẩn còn cao hơn nhiều.
Chính vì thế, nếu áp dụng thi tuyển cho cả tỉnh thì mức độ điểm chuẩn sẽ chênh lệch giữa các trường sẽ rất lớn. Có những trường lấy điểm chuẩn đầu vào đến 7-8 điểm/môn nhưng cũng có những trường chỉ lấy điểm đầu vào 1-2 điểm/môn, thậm chí còn thấp hơn - chỉ không bị điểm liệt là đủ điều kiện vào lớp 10. Bởi vì tất cả các thí sinh dự thi trong tỉnh, thành đều sử dụng 1 đề thi chung với khối lượng kiến thức như nhau.
Tất nhiên, học sinh khu vực đô thị sẽ có nhiều thuận lợi hơn các vùng còn lại vì đó là những khu vực có điều kiện, phụ huynh chú trọng đến việc học của con em mình và đầu tư lớn hơn rất nhiều từ khi còn chưa vào lớp 1.
Nên áp dụng cả 2 hình thức: vừa thi tuyển, vừa xét tuyển
Thực ra, nếu mặt bằng kiến thức, tỉ lệ chọi giữa các trường trên địa bàn như nhau thì việc tổ chức bằng hình thức thi tuyển để tuyển đầu vào là công bằng và khả quan hơn cả. Thí sinh được đảm bảo quyền lợi, những thị phi sau mỗi kỳ thi cũng được hạn chế.
Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra vì khu vực thị thành hiện nay có tỉ lệ nhỏ hơn khu vực nông thôn, miền núi. Trong khi, khu vực đô thị luôn trong tình trạng quá tải thì khu vực nông thôn, miền núi có nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu được Sở giao cho.
Chính vì số lượng thí sinh đăng ký sự thi ít nên việc tuyển sinh của các trường Trung học phổ thông ở những vùng khó khăn phải hạ điểm chuẩn cho đủ chỉ tiêu đào tạo. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ những trường khó khăn mà duy trì thi tuyển cũng không hẳn là một phương án hay bởi nó gây ra nhiều lãng phí.
Việc thi tuyển cũng đồng nghĩa Sở phải lập Hội đồng coi thi trong mấy ngày và tất nhiên Sở phải điều động giáo viên ở các nhà trường trong tỉnh làm công tác coi thi. Sau đó, tiếp tục phải chấm thi nhiều ngày. Việc phải thành lập thêm những Hội đồng coi thi, chấm thi tất nhiên sẽ tăng thêm nhân công và tăng thêm kinh phí cho địa phương. Ngoài ra, các trường có giáo viên tham gia Hội đồng thi, chấm thi còn phải chi trả công tác phí ở các trường học có giáo viên được điều động coi thi chấm thi.
Bên cạnh đó, thi tuyển cũng đồng nghĩa học sinh phải học thêm nhiều, áp lực nhiều nhưng cuối cùng các trường Trung học phổ thông cũng chỉ loại được một số thí sinh yếu kém mà thôi.
Chính vì thế, có lẽ các địa phương nên áp dụng cả 2 hình thức: thi tuyển và xét tuyển sẽ phù hợp với điều kiện của từng trường. Trường có điều kiện, những trường thuộc khu vực đô thị và tỉ lệ chọi cao thì áp dụng hình thức thi tuyển để tránh tiêu cực và những thị phi không cần thiết.
Đối với những trường có tỉ lệ chọi thấp, những trường ở khu vực khó khăn thì có thể áp dụng hình thức xét tuyển để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu nhân lực cho địa phương. Việc xét tuyển ở những trường khó khăn, tỉ lệ chọi thấp sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu cần thiết. Đáp ứng được nguồn tuyển, đáp ứng được việc nâng cao trình độ cho địa phương và hạn chế được những kinh phí chi trả cho kỳ thi tuyển sinh 10.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-dia-phuong-linh-dong-trien-khai-phuong-an-tuyen-sinh-vao-lop-10-179230228103702867.htm