Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, đề nghị các ngành cùng phối hợp giải quyết
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, trong trường học.
Giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng bạo lực học đường
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, trong Báo cáo số 508 ngày 03/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?
Theo VOV, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, bạo lực học đường là vấn đề đã được nêu trong phiên chất vấn trước, cũng như trong một vài phiên trao đổi kinh tế - xã hội đã được các đại biểu rất quan tâm. Bộ trưởng nêu con số thống kê cập nhật đến ngày 5/11 cho thấy, tính từ ngày 1/9/2021 cho đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó 854 học sinh là nữ.
"Có thể nói, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Với con số này thì bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục lại xảy ra một vụ bạo lực học đường. Các vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và xảy ra cả trong lẫn ngoài trường học. Vấn đề học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn cũng là điều khiến cho ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương xử lý vấn đề này", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bạo lực học đường
Lý giải nguyên nhân của bạo lực học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, trong trường học. Theo đó, có thể nói, trách nhiệm trong việc phát hiện và và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực giao cho các giáo viên, đồng thời giáo viên sẽ kiêm nghiệm tư vấn tâm lý hay giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, các Hiệu trưởng, các giáo viên khi phát hiện những tình huống bạo lực học đường thì vẫn còn phần lúng túng về kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó, sau thời gian dịch bệnh kéo dài khiến học sinh phải học online lâu, do vậy, cũng dẫn đến vấn đề về mặt tâm lý; hay các vấn đề tâm lý, sinh lý lứa tuổi đang trưởng thành cũng là các yếu tố nguy cơ.
"Có thể nói đến một vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đó là theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, hàng năm có tới 220.000 vụ ly hôn, trong đó, có từ 70-80% lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình. Với tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy, thì học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường là rất lớn. Do vậy, việc ngăn chặn giải quyết vấn đề gia đình là một việc rất quan trọng", Bộ trưởng nêu giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh đến việc ảnh hưởng từ mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt, là những bộ phim nước ngoài được giới trẻ quan tâm thường có mô-típ về bạo lực tập thể chiếu tràn lan trên mạng đang rất phổ biến.
Với những vấn đề vừa nêu, Bộ trưởng đề nghị các ngành liên quan cùng phối hợp với ngành giáo dục để giải quyết vấn đề này.
Tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, về câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên, trong cuộc gặp gỡ có hơn 6300 câu hỏi, ý kiến đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt.
Dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đây cũng là vinh dự, các thầy cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua. Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi thách thức lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, giáo viên trẻ mới vào nghề gặp khó khăn về mức lương, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Các giáo viên cũng mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà lực lượng giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.
Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, bậc Trung học cơ sở là bậc giáo dục cơ bản nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Trong chương trình bậc trung học phổ thông sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang trung học phổ thông. Kết thúc trung học phổ thông, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Xem xét khảo sát thấu đáo mục kinh phí riêng cho hoạt động Đoàn, Đội
Trả lời câu hỏi về kinh phí cho hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ hoạt động Đoàn, Đội có vai trò quan trọng, đặc biệt khi coi trọng giáo dục phát triển con người, đạo đức, nhân cách, chăm lo lối sống cho học sinh. Tại trường tiểu học luôn có tổng phụ trách là giáo viên kiêm nhiệm. Trường trung học thì có thể do học sinh hoặc giáo viên, nếu học sinh đảm nhận thì có giáo viên cố vấn. Tầm quan trọng là điều không cần phải bàn cãi.
Về kinh phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ hiện nay trong cơ sở giáo dục có 81% để chi lương và 19% là chi thường xuyên gồm điện nước và các hoạt động khác, trong đó kinh phí cho hoạt động Đoàn, Đội nằm trong tổng số 19% này. Kinh phí do các trường đề xuất và cấp tiểu học do Phòng Tài chính của cấp huyện phê duyệt và cấp trung học thì Sở Tài chính phê duyệt. Quyền chủ động của các nhà trường tự cân đối sao cho thuận tiện nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được phản ánh nào của các Hiệu trưởng có khó khăn trong việc chi tiêu 19% khoản kinh phí này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động Đoàn, Đội nhưng có cần thiết có mục kinh phí riêng cho hoạt động Đoàn, Đội hay không là điều cần xem xét khảo sát thấu đáo, nghiên cứu lắng nghe người trong cuộc là các Hiệu trưởng trong toàn quốc. Nếu quá rạch ròi trong tổng số 19% này thì có thể làm khó thêm cho các trường. Do đó, với nguyên tắc ủng hộ để hoạt động này hoạt động hiệu quả trong nhà trường.