Bộ Thông tin và Truyền thông: Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên TikTok, tăng cường đấu tranh với lừa đảo trực tuyến
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 7/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về việc triển khai thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra của Bộ (tháng 9/2023) đối với nền tảng TikTok, cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp cuối năm.
TikTok thực hiện cam kết theo kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông như thế nào?
Theo VGP, tại họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, việc triển khai và cam kết thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với nền tảng TikTok được triển khai từ tháng 10/2023. Theo kết luận kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu TikTok thực hiện 9 nội dung.
Đến thời điểm hiện nay, Bộ đã nhận được phản hồi ban đầu của TikTok bên Singapore. Nền tảng này đã thực hiện 4 nội dung trong kết luận thanh tra từ tháng 10/2023, bao gồm: tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em; các vấn đề liên quan bản quyền (trong đó, một số nội dung TikTok đã triển khai, một số nội dung đang tiếp tục triển khai như bổ sung đầu mối giải quyết vấn đề bản quyền, rút ngắn thời gian giải quyết...); các vấn đề phối hợp thực hiện truyền thông chính sách với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể với Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông triển khai các chiến dịch truyền thông để nâng cao ứng xử người dùng trên mạng thông qua các chiến dịch mà Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng bá và lan tỏa nội dung, kêu gọi người dùng trên mạng chống lại tin giả.
Có 3 nội dung TikTok đang triển khai và đang trao đổi, thảo luận với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai hiệu quả, đó là ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ tìm kiếm rà quét hiệu quả hơn cho Bộ Thông tin và Truyền thông, cải thiện hệ thống hiện diện nội dung, nhất là hình thức livestream.
Thời gian qua, nền tảng TikTok đã xử lý các thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 94-95%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho biết, có 2 vấn đề TikTok chưa chấp thuận triển khai. Đó là ủy quyền cho pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện quản lý và xử lý các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý của Việt Nam. Tiktok đưa ra lý do, quy định pháp luật chưa có nên chưa có cơ sở thực hiện.
Nội dung thứ 2, nền tảng này chưa chấp thuận thực hiện là có thỏa thuận với cơ quan báo chí về triển khai các bản quyền các nội dung báo chí đưa lên TikTok.
Với 2 nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đàm phán để yêu cầu TikTok phải thực hiện nghiêm.
Liên quan đến hiện tượng mua bán livestream lừa đảo trên TikTok để lôi kéo người dân, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định, thực trạng mua bán livestream, dịch vụ cờ bạc… là những hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các hành vi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu TikTok nói riêng và các doanh nghiệp, các nền tảng đều phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ này. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ sẽ chuyển cơ quan Công an điều tra.
Với tình trạng bán hàng giả, không rõ nguồn gốc dịp cuối năm tăng cao và bán công khai trên nền tảng TikTok, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, việc quản lý hàng giả, hàng nhái thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò quản lý chuyên ngành thương mại điện tử trên môi trường mạng.
Thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới khi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong trường hợp, Bộ Công Thương phát hiện các nền tảng vi phạm mà yêu cầu xử lý bằng các biện pháp hành chính. Các biện pháp khác không đủ răn đe thì có thể yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn các dịch vụ này trên môi trường mạng.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp cuối năm
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cảnh báo, vào dịp cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhất là các cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng. Người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Cục Viễn thông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi điện thoại. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo tới người dùng.
"Tuy nhiên, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống lừa đảo. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng, tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận", ông Nhã nhấn mạnh.
Đối với các doanh nghiệp viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu tiếp tục rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường giám sát các thuê bao mới, các thuê bao có nhiều SIM, có biểu hiện nhắn tin cùng một lúc tới nhiều số, lượt tin nhắn tăng cao hàng ngày.
Cục Viễn thông cũng tiếp tục đề nghị người dân, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo thì gửi thông tin tới tổng đài 156156, để Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng chặn lọc các số điện thoại này.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, 11 tháng qua có gần 16.000 phản ánh lừa đảo được gửi đến các hệ thống cảnh báo. Trong đó, có hơn 91% giả mạo lừa đảo liên quan đến tài chính.
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Facebook ngăn chặn và gỡ bỏ 107 hội nhóm. Đây là các hội nhóm có nhiều nội dung độc hại với trẻ em như khuyến khích tự tử, hình ảnh đồi trụy, phản cảm về trẻ em, hình ảnh trẻ em vi phạm luật giao thông; kêu gọi lừa đảo, cướp ngân hàng, hướng dẫn trốn nợ...
Cục An toàn thông tin đang triển khai một số giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng về an toàn thông tin, đẩy mạnh tiếp tục phát hành bộ Cẩm nang nhận diện về lừa đảo trực tuyến giúp nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng phòng tránh cho người dân, xây dựng và đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo kịp thời, phát triển kênh thông tin của Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) và trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, cung cấp các công cụ để người dùng có thể tự kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin.