Bộ Nội vụ đề xuất tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua
Bộ Nội vụ đề xuất tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua đối với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ và ngành Nội vụ. Đề xuất trên tại dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Nội vụ.
Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc"
Cụ thể, theo dự thảo Thông tư, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" để tặng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 2 lần liên tục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh;
b) Có sáng kiến hoặc đề tài khoa học hoặc đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ, cụ thể:
Sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc và được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
Đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh xác nhận.
Thời điểm đề nghị xét tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" là năm đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp Bộ" lần thứ 2.
Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp Bộ"
Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp Bộ" được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn trong số các cá nhân có 3 năm liên tục được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở".
b) Có sáng kiến hoặc đề tài khoa học hoặc đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ, cụ thể:
Sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong phạm vi bộ, ban, ngành, tỉnh, được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
Đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong phạm vi bộ, ban, ngành, tỉnh và được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh xác nhận.
Thời điểm xét tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp Bộ" là năm đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" lần thứ ba.
Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở"
Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" được xét tặng hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đạt các tiêu chuẩn danh hiệu "Lao động tiên tiến".
b) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến cấp cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu.
Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" không quá 15% trong tổng số cá nhân đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến".
Danh hiệu "Lao động tiên tiến"
Danh hiệu "Lao động tiên tiến" được xét tặng hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nội quy và Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ.
d) Có đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh.
Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 12 tháng, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để được bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến".
Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 1 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến".
Thời gian nghỉ thai sản theo quy định được tính để bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến".
Đối với cá nhân chuyển công tác về Bộ Nội vụ trong năm: Cơ quan đề xuất bình xét khen thưởng cho cá nhân có trách nhiệm xin ý kiến nhận xét của cơ quan cũ trong trường hợp cá nhân có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 6 tháng trở lên.
Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến Bộ Nội vụ trong một thời gian nhất định: Việc bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến" do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái thực hiện và tổ chức, đơn vị có cá nhân được điều động, biệt phái đến có trách nhiệm cho ý kiến, nhận xét về quá trình công tác của cá nhân trong thời gian điều động, biệt phái đến Bộ Nội vụ.
Không bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến" đối với một trong các trường hợp sau:
a) Mới tuyển dụng dưới 10 tháng.
b) Bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
Danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ"
Danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ" để tặng hằng năm cho tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể dẫn đầu Cụm thi đua các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc, hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm;
b) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
Tỷ lệ bình xét danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ" không quá 20% tổng số tập thể đạt tiêu chuẩn tặng Cờ thi đua của Bộ Nội vụ.
Việc công nhận là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua để tặng "Cờ thi đua Chính phủ" phải được thông qua bình xét, đánh giá, so sánh theo các khối, cụm thi đua do Bộ Nội vụ tổ chức.
Danh hiệu Cờ thi đua của Bộ Nội vụ
Danh hiệu "Cờ thi đua của Bộ Nội vụ" để tặng hàng năm cho tập thể tiêu biểu, dẫn đầu trong Cụm thi đua các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc của Bộ Nội vụ.
b) Nội bộ đoàn kết, tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
Danh hiệu Cờ thi đua của Bộ Nội vụ để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề do Bộ Nội vụ phát động có thời gian thực hiện từ 3 năm trở lên.
Danh hiệu Cờ thi đua của Bộ Nội vụ để tặng cho tập thể Sở Nội vụ tiêu biểu, dẫn đầu Cụm thi đua Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phong trào thi đua ngành Nội vụ hàng năm do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát động.
Danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc"
Danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" được xét tặng hàng năm cho tập thể các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;
b) Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
c) Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến";
c) Có cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở";
d) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nội quy, Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ.
Danh hiệu "Tập thể Lao động tiên tiến"
Danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến" được xét tặng hàng năm cho tập thể các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên;
b) Tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
c) Có ít nhất 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
d) Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nội quy, Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ.
Ngày 15/6/2022, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành với 424/437 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 85,14% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 Điều.
Theo Bộ Nội vụ, Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về "tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng"; đồng bộ hóa các quy định pháp luật; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-noi-vu-de-xuat-tieu-chuan-cac-danh-hieu-thi-dua-179230513101557992.htm