Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương
"Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục sáng 19/8.
Tại điểm cầu các địa phương có đại diện các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: Thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Trung ương Đảng đổi mới giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cùng các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành.
Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ đạo quan trọng là "học thật, thi thật, nhân tài thật", phương châm "nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh sinh là trung tâm"; cùng sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; đặc biệt là sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự ủng hộ của toàn xã hội.
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025, tại hội nghị, Bộ trưởng mong muốn nhận được các kiến góp ý, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của các địa phương; trên cơ sở đó tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 và các nhiệm vụ, trọng trách của ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước giao phó.
Khó khăn trong trong tổ chức dạy học các môn học mới cơ bản được tháo gỡ
Tại hội nghị, báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục đào tạo.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển giáo dục đào tạo tại địa phương; kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.
Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Việc thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt là việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024-2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là đối với phụ huynh, các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.
Công tác kiểm định và các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.
Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, tích cực và trách nhiệm triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam; hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. Qua đó, số lượng đăng ký tuyển sinh đại học năm 2024 tăng rõ rệt với gần 25.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành về vi mạch bán dẫn; gần 125.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành liên quan.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng;
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (trong đó có việc thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt) phục vụ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng xã hội số trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học. Tổ chức thành công các giải thể thao học sinh, sinh viên tiêu biểu.
Việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:
Công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ, đặc biệt là các văn bản có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành như: Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...
Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Việc dồn dịch các điểm trường lẻ còn gặp nhiều hạn chế.
Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ chưa bền vững.
Chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế. Tỷ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ rất thấp.