Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết liệt giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm và các khoản thu "tự nguyện" tràn lan
Bên cạnh đề xuất miễn học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo nghiêm khắc để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm và các khoản thu "tự nguyện" tràn lan hiện nay. Như vậy sẽ giúp cho nền giáo dục lành mạnh hơn.
Tôi (người viết bài này) là một giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục. Chúng tôi cho rằng việc miễn học phí ở cấp trung học cơ sở sẽ giúp ích cho nhiều gia đình và người học. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm và các khoản thu "tự nguyện" tràn lan hiện nay.
Học phí chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các khoản tiền trường
Trên thực tế, tiền học phí cấp trung học cơ sở hiện nay so với các khoản tiền khác mà phụ huynh phải đóng hằng năm chỉ là phần nhỏ. Thậm chí, học phí cả năm của học sinh thuộc khu vực nông thôn hiện nay không bằng tiền học thêm 1 tháng của 1 môn học.
Chúng tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023 là một đề xuất nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Nhưng nhìn rộng ra có nhiều khoản "đóng góp" khác lại gây bức xúc cho phụ huynh cần phải giải quyết.
Cho dù những năm qua không miễn học phí thì những học sinh có sổ hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện con em gia đình chính sách, dân tộc ít người… đều được miễn hoặc giảm 50% học phí hằng năm.
Điều này cũng đồng nghĩa chính sách lâu nay vẫn đang miễn, giảm học phí cho một bộ phận học sinh cấp trung học cơ sở trên cả nước. Những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không phải lo lắng chuyện học phí, những gia đình có điều kiện thì việc mỗi tháng đóng vài chục ngàn đồng học phí cho con không phải là vấn đề lớn đối với họ.
Nhìn vào khoản tiền học phí cấp trung học cơ sở công lập ở nhiều địa phương trên cả nước hiện nay, chúng tôi nhận thấy học sinh khu vực nông thôn ở cấp học này đang nộp học phí ở mức dao động 20-30 ngàn đồng/1 tháng. Học sinh thuộc các khu vực thị thành thu học phí dao động ở mức 50-60 ngàn đồng/1 tháng. Chỉ có một số rất ít trường thuộc các khu vực thành phố lớn có mức thu cao hơn.
Vì thế, về cơ bản thì học sinh cấp trung học cơ sở (diện không được miễn giảm) đang đóng học phí dao động ở mức 270-540 ngàn đồng/1 năm học. Mức tiền này thực ra không quá nhiều trong suốt 9 tháng học tập tại nhà trường.
Nếu đem tổng số tiền học phí mỗi năm của học sinh cấp trung học cơ sở hiện nay mà so sánh với các khoản tiền trường khác thì nó chẳng thấm tháp vào đâu. Vì thế, điều mà phụ huynh đang mong muốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài cụ thể để siết chặt và giảm bớt các khoản tiền trường, tiền học thêm mà phụ huynh học sinh phải gò lưng gánh gồng mỗi năm học.
Gánh nặng tiền trường, tiền học thêm
Trong các khoản tiền mà phụ huynh phải chi cho con em mình hằng năm hiện nay ở cấp trung học cơ sở có nhiều khoản cao gấp nhiều lần tiền học phí. Có lẽ khoản tiền mà phụ huynh ngán nhất đó là tiền học thêm hàng tháng của con em mình.
Nếu theo hướng dẫn của Bộ thì việc dạy thêm, học thêm hiện nay chỉ cấm dạy thêm các môn học văn hóa ở cấp tiểu học. Riêng cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì việc dạy thêm, học thêm không ai cấm, miễn là khi dạy thêm thì nhà trường và giáo viên làm cái đơn được cơ quan chức năng đồng ý là chẳng phải lo lắng gì.
Chính vì thế, nhiều trường trung học cơ sở hiện nay tổ chức dạy thêm trong nhà trường đối với một số môn chủ lực như: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn… trên tinh thần "tự nguyện" của phụ huynh. Thế nhưng, đơn thì nhà trường làm sẵn, phụ huynh chỉ việc điền tên, ký vào là mọi chuyện trở nên hợp pháp. Sau đó, trường làm cái đơn trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương là kín kẽ, chẳng ai bắt bẻ được điều gì.
Nhưng có một số trường không tổ chức dạy thêm tại trường mà giáo viên bộ môn tự mở lớp dạy thêm tại nhà. Mỗi tháng học thêm của học sinh/1 môn học hiện nay ở cấp trung học cơ sở có mức học phí dao động từ 300 - 400 ngàn đồng. Một học sinh chỉ cần học thêm 3 môn là mỗi tháng phụ huynh phải chi trên dưới 1 triệu đồng - gấp 2-3 lần mức học phí cả năm.
Ma trận học thêm hiện nay được một số trường và không ít thầy cô giáo giăng sẵn mà học sinh thường phải học mới "tiến bộ" được. Học sinh này tham gia học thêm, em khác cũng phải theo nên đa phần học sinh cấp trung học cơ sở đang phải học thêm ở trường hoặc ở nhà thầy cô giáo bộ môn. Càng học sinh ở khu vực đô thị, vùng có điều kiện càng học thêm nhiều, càng học sinh cuối cấp càng phải học thêm tối ngày.
Chi phí giáo dục cũng kiểu "bia kèm lạc"
Nhưng, học sinh cấp trung học cơ sở đâu chỉ có học thêm. Các em còn có vô số các khoản tiền trường, tiền quỹ khác nhau phải đóng. Rồi thư ngỏ của nhà trường mỗi năm học ít nhất phụ huynh cũng nhận được 1-2 lần.
Bên cạnh đó, chỉ riêng tiền sách giáo khoa mà gần như phụ huynh nào cũng phải mua cũng đang là một nỗi lo lớn cho nhiều phụ huynh nghèo. Chỉ riêng 2 bộ sách giáo khoa môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp học này cũng gần tương đương với số tiền học phí cả năm học ở khu vực nông thôn.
Tiền xây dựng trường, tiền học thêm, tiền đóng góp này kia, về hình thức là trên "tinh thần tự nguyện", tự nguyện mà trong lòng phụ huynh luôn băn khoăn và không hề thấy thoải mái.
Chính vì thế, đề xuất miễn toàn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023 của Bộ là đáng trân quý, nhưng có lẽ điều phụ huynh mong muốn nhiều hơn là Bộ và các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có những chỉ đạo, quản lý tốt các lớp dạy thêm, học thêm hiện nay ở các nhà trường và nhà thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cần chú ý tới ban đại diện cha mẹ học sinh (đa số là những người nhà có điều kiện) để phụ huynh không phải đóng những khoản tiền "tự nguyện" sẽ giảm bớt áp lực tiền trường cho phụ huynh nghèo.