Bộ Công an chuẩn bị kế hoạch cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi

19:45 - 12/03/2023

Bộ Công an cho biết đã chỉnh lý lại nhân dạng là thông tin về sinh trắc học và đặc điểm cá biệt khác, có tính ổn định của một người để phân biệt người này với người khác.

Cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi có khả thi? - Ảnh 1.

Công an làm thủ tục cấp CCCD cho học sinh dưới 14 tuổi. Ảnh: Chinhphu.vn.

Cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi bảo đảm tính khả thi

Theo Bộ Công an, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân như:

Đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, quy định này cũng phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Síp, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Monaco, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan…

Nhiều tiện ích, tiết kiệm nguồn lực xã hội

Theo Bộ Công an, việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và tiện ích của thẻ Căn cước công dân định danh điện tử.

Cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng đem lại các tiện ích việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho công dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Theo Bộ Công an, thẻ Cấp căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. UBND cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tính bảo mật, bảo an cao và tích hợp thêm thông tin

Giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa ít thông tin của công dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho công dân.

Trong khi đó, thẻ Cấp căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.

Việc cấp thẻ Cấp căn cước công dân lần đầu cho người dưới 14 tuổi là miễn phí, khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ Cấp căn cước công dân thì mới phải nộp phí theo quy định, không phải tốn thêm chi phí cho nhà nước.

Khi công dân sử dụng thẻ Cấp căn cước công dân có gắn chíp đã được tích hợp thêm các thông tin trên giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp thì sẽ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến việc sao y, chứng thực, bảo quản các loại giấy tờ này, tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định Luật căn cước công dân (sửa đổi). Luật căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Đáng chú ý, trong hồ sơ dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin về sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, cơ sở dữ liệu căn cước tới đây có thể sẽ bao gồm 22 trường thông tin cá nhân của công dân gồm:

Họ tên khai sinh, số định danh cá nhân, ngày/tháng/năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, số chứng minh nhân dân 9 số, ngày cấp và thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân/căn cước công dân, họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại.

Ngoài ra còn có đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), tên gọi khác, nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân), trình độ học vấn, trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).

Với nội dung này của dự thảo, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc quy định theo hướng linh hoạt, không bắt buộc đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói.

Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.


Nguồn: Chinhphu.vn

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-cong-an-chuan-bi-ke-hoach-cap-can-cuoc-cong-dan-cho-nguoi-duoi-14-tuoi-17923031213114867.htm