Biến đổi khí hậu khiến tần suất các đợt nắng nóng tại Anh tăng gấp 10 lần

PV
19:07 - 29/07/2022

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu khiến tần suất các đợt nắng nóng thiêu đốt tại Anh tăng ít nhất 10 lần.

Tác động của biến đổi khí hậu

Ngày 19/7/2022, nhiệt độ tại sân bay Heathrow, Anh đã vượt ngưỡng 40 độ C, trong khi mức nhiệt cao kỷ lục cũng được ghi nhận tại 46 trạm khí tượng khác trên cả nước.

Biến đổi khí hậu khiến tần suất các đợt nắng nóng tại Anh tăng gấp 10 lần - Ảnh 1.

Người dân Anh đi tránh nóng ở biển. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học cho biết, nếu không do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - hiện tượng khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - thì hiện tượng nắng nóng cực đoan như vậy rất khó xảy ra tại Anh.

Chuyên gia khí hậu Friederike Otto cho biết nhiệt độ thế giới đang tăng nhanh chóng và khi mức nhiệt trung bình tăng 1,3 - 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các hiện tượng thời tiết cực đoan tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) đánh giá biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn.

Để tìm hiểu biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến các hiện tượng nắng nóng tại Anh, các nhà khoa học WWA đã tiến hành phân tích nhanh, sử dụng dữ liệu thời tiết và mô phỏng máy tính để so sánh khí hậu giữa các thời kỳ. Họ rút ra kết luận rằng, vào thời kỳ tiền công nghiệp, trước khi tình trạng ấm lên toàn cầu xảy ra, khả năng nắng nóng cực đoan xảy ra tại Vương quốc Anh thấp hơn rất nhiều, và mức nhiệt độ tối đa chỉ khoảng 36 độ C. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý các ước tính này có thể chưa chuẩn xác, khi nhiệt độ thực tế ghi nhận tại Tây Âu đã cao hơn mức nhiệt trong mô phỏng trước đó.

Hồi tháng 5, WWA đã công bố báo cáo cho rằng biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất các đợt nắng nóng ở khu vực Nam Á trong tháng 3 và tháng 4 năm nay tăng cao gấp 30 lần. WWA cũng cho rằng khả năng xảy ra nắng nóng cực đoan tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương rất hiếm hoi nếu không có tác động của biến đổi khí hậu.

Chuyên gia khí hậu Fraser Lott tại Trung tâm Hadley, Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) cho biết cách đây 2 năm, các nhà khoa học từng nhận định chỉ có 1% khả năng nhiệt độ tại Anh chạm ngưỡng 40 độ C. Không có biến đổi khí hậu, tỷ lệ này chỉ khoảng 0,1%. Tuy nhiên, khả năng hiếm hoi này đã thành hiện thực khá nhanh sau khi kết luận trên được đưa ra.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn, các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và mang tính hủy diệt.
https://congdankhuyenhoc.vn/nang-nong-k...
Đợt nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu

Không riêng nước Anh, đợt nắng nóng vừa qua bao trùm toàn bộ châu Âu, làm bùng phát các đám cháy rừng dữ dội tại Tây Ban Nha và Pháp, khiến hàng ngàn người phải sơ tán.

Trong ngày 19/7/2022, cơ quan khí tượng Pháp thông báo nhiệt độ kỷ lục đo được tại 64 khu vực trên toàn quốc. Nắng nóng khủng khiếp nhất tại các vùng ven Đại Tây Dương với nhiệt độ vượt 40 độ C. Các nhân viên cứu hỏa tại Pháp phải vật lộn với nhiều đám cháy rừng lớn ở phía tây nam, đến nay đã khiến hàng chục ngàn người phải di tản và thiêu rụi khoảng 19.000 hecta rừng.

Biến đổi khí hậu khiến tần suất các đợt nắng nóng tại Anh tăng gấp 10 lần - Ảnh 4.

Nắng nóng khủng khiếp gây ra cháy rừng ở Pháp. Ảnh: Reuters

Ở Tây Ban Nha, cháy rừng quét qua khu vực miền trung của Castile và Léon, cũng như khu vực phía bắc của Galicia Sunday. Hỏa hoạn cũng buộc công ty đường sắt nhà nước phải tạm ngừng dịch vụ giữa Madrid và Galicia. Viện Y tế Carlos III, Tây Ban Nha ước tính tổng cộng hơn 510 trường hợp tử vong liên quan đến sóng nhiệt trong nước, dựa trên tính toán thống kê về số ca tử vong vượt mức.

Hàng trăm người cũng đã chết ở Bồ Đào Nha, nơi nhiệt độ oi bức cũng làm trầm trọng thêm một đợt hạn hán nghiêm trọng.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, châu Âu đã trải qua 5 mùa hè nóng nhất kể từ năm 1500. Các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài ở châu Âu đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm, đặc biệt sau những trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ oi bức được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các mức kỷ lục ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy trong tháng 7/2022. Tình trạng nắng nóng được dự báo kéo dài càng gây khó khăn cho việc kiểm soát cháy rừng đang lan rộng tại nhiều nước cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bien-doi-khi-hau-khien-tan-suat-cac-dot-nang-nong-tai-anh-tang-gap-10-lan-179220729153633478.htm