Bí kíp học tập của nữ thủ khoa có điểm cao nhất lịch sử Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Dương Ngân Hà là thủ khoa đạt điểm trung bình toàn khóa cao nhất trong lịch sử Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đằng sau kết quả ấy là một tinh thần học tập tích cực, có chiến lược.
Dương Ngân Hà (sinh năm 2001, Long Biên, Hà Nội) vừa tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với kết quả học tập trung bình toàn khóa là 3,96/4,00, Ngân Hà là thủ khoa có điểm số cao nhất trong lịch sử của Trường Đại học Công nghệ tính đến thời điểm hiện nay.
Vừa qua, cô gái này là một trong 96 gương mặt được xướng tên tại chương trình Tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2023.
Tân Thủ khoa Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang theo học chương trình thạc sĩ InterMaths tại Italia với học bổng Erasmus Mundus trị giá 49.000 euro (gần 1,3 tỉ đồng).
Hỏi ngay khi chưa hiểu
Chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình, Ngân Hà cho biết, trong mỗi buổi học, bản thân có thói quen ghi chú lại những phần chưa hiểu và đến cuối giờ sẽ hỏi lại giảng viên.
“Dường như buổi nào tôi cũng hỏi, nhất là môn Giải tích. Tới mức mỗi khi nhìn thấy tôi, thầy dạy môn đó sẽ nói ngay: Hôm nay em hỏi muốn gì?
Có một lần dù đã đến giờ đóng cửa phòng học rồi nhưng tôi và thầy giáo vẫn say sưa thảo luận về nội dung bài học. Hai thầy trò đành ra hành lang để tiếp tục trao đổi. Sự nhiệt tình của các giảng viên khiến tôi tự nhủ phải cố gắng hơn”, Ngân Hà kể.
Nhà cách trường đại học 20km, nữ sinh luôn đi học đúng giờ và thường ngồi bàn đầu để tập trung nghe giảng và dễ dàng tương tác với giảng viên.
Thái độ học tập nghiêm túc cùng sự thông minh vốn có, trong những năm tháng đại học, Ngân Hà đã gặt hái được nhiều thành tích trong học tập. Bảng điểm tốt nghiệp của Ngân Hà có đến 43/47 môn đạt điểm A+.
Từ năm thứ nhất, nữ sinh đã tham gia Phòng thí nghiệm tối ưu các hệ thống lớn ORLab do Tiến sĩ Hà Minh Hoàng là trưởng nhóm.
Ngân Hà là tác giả chính của một bài báo được đăng trên tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1 (nhóm tạp chí cực kỳ khó đăng bài) và một báo cáo tại hội nghị quốc tế. Năm 2021, nữ sinh này được Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng giải thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ”.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự cố gắng, Ngân Hà cũng từng phải đấu tranh nội tâm vì cái khó của ngành học mà mình theo đuổi.
“Khoảng 2 năm đầu tiên tham gia ORLab, tôi không làm được đề tài nào đến cuối cùng cả. Tôi cũng đã thử 6,7 đề tài và đều bị bỏ ngang vì nhiều lý do. Tôi từng hoài nghi về năng lực của mình, cũng phân vân việc rời phòng thí nghiệm.
Thật may tôi đã không bỏ cuộc, tham gia với đề tài của Tiến sĩ Mai Anh Tiến và Tiến sĩ Tạ Thúy Anh, cũng là đề tài của bài báo này. Tôi nhớ như in ngày bài viết được đăng tải là trước khi tôi tốt nghiệp 9 ngày. Niềm vui đến cùng lúc khiến tôi như vỡ òa”, Ngân Hà bộc bạch
Thủ khoa Dương Ngân Hà có năng khiếu múa bụng
Bên cạnh việc học tập, Ngân Hà còn tham gia các hoạt động của câu lạc bộ trong trường, đi quay phóng sự về giảng đường, tham gia các cuộc thi, tọa đàm làm nến, làm hoa.
Đặc biệt, Hà còn có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn múa bụng. Nữ sinh này cho biết: “Tôi bắt đầu theo đuổi chuyên sâu học Toán vào những năm cấp 3 nhưng múa bụng thì đã học từ cấp 2. Múa bụng giúp tôi thể hiện được sự uyển chuyển, quyến rũ và nữ tính của mình”.
Ngân Hà chia sẻ thêm, hồi học cấp 2, bộ môn múa bụng chưa thực sự phổ biến, thậm chí còn bị nhận nhiều ý kiến trái chiều. Song, điều may mắn là nữ sinh này được gia đình ủng hộ để theo đuổi bộ môn đặc biệt này.
Mùa hè vừa qua, ngoài danh hiệu thủ khoa, Ngân Hà còn được cầm trên tay chiếc cúp vô địch mà nhóm múa của Hà đã đạt được trong một cuộc thi quốc tế.
Lên kế hoạch học tập ngay từ năm nhất
Để có đủ thời gian học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, Ngân Hà luôn lên kế hoạch cho mình. Khi đăng kí tín chỉ, Hà thường hỏi anh chị khóa trên, tham khảo trước giáo trình các môn để lựa chọn thời điểm học phù hợp.
“Tôi đặt mục tiêu hoàn thành các môn từ kì 1 năm 4 để đến kì 2 năm 4, tôi sẽ chỉ cần tập trung vào khóa luận. Tôi phải sắp xếp rõ ràng ngay từ đầu là kì nào, năm nào mình sẽ học những môn gì, xen kẽ môn “nặng”, môn “nhẹ” để đảm bảo khối lượng kiến thức có thể tiếp thu”, Hà nói.
Dù vậy, nhưng đã có những lúc Ngân Hà rơi vào trạng thái căng thẳng tột đột: “Có ngày tôi ngồi khóc vì không hiểu bài. Học 9 tiếng một hôm khiến tôi bị kiệt sức. Những lúc ấy, tôi thường tìm tới người anh của mình. Anh ấy rất tích cực, giúp tôi suy nghĩ đơn giản hơn về các vấn đề”.
Điều đặc biệt ở Ngân Hà là không bao giờ ngại thử và không sợ mình bị sai. Do đó, gần như lĩnh vực nào cô gái này cũng tham gia để khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để có cơ hội sửa sai.
Trong tương lai, Ngân Hà quyết tâm học lên Tiến sĩ với mong muốn trở thành giảng viên, vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa thực hiện nghiên cứu ở lĩnh vực mà mình đam mê.