Bị bắt nạt!
Bắt nạt là một tình trạng tiêu cực trong xã hội. Tình trạng bắt nạt diễn ra ở nhiều nơi, nhiều giai tầng, nhiều lĩnh vực, nhiều lứa tuổi với nhiều biểu hiện khác nhau (đánh đập, đe dọa, khủng bố tinh thần…). Bắt nạt phải bị lên án, nhưng xử lý nghiêm thì gần như chưa nhiều...
Bắt nạt bằng bạo lực ở trường học
Khi xảy ra tình trạng bắt nạt, thường là kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, số đông bắt nạt số ít, "ma cũ bắt nạt ma mới", kẻ có quyền lực bắt nạt người thấp cổ bé họng... Nhưng đáng lo ngại nhất là tình trạng bắt nạt bằng bạo lực ở trường học! Điều này là nỗi lo lắng của bất cứ phụ huynh nào.
Tôi là một cậu bé nhà quê, do bom Mỹ mà 4 tuổi phải đi sơ tán nhiều nơi. Đến tận năm 1973 khi Hiệp định Pari ký kết, tôi mới về thành phố. Rồi chuyển trường, ôn thi đại học, vào đại học, đi làm, chuyển cơ quan… nơi nào cũng bị bắt nạt ít hoặc nhiều!
Lần đầu tiên tôi bị bắt nạt là khi mới lên 5 tuổi - học lớp 1. Ngày đó, gia đình tôi đi sơ tán về một xã vùng trung du, ở trọ tại một gia đình nông dân.
Một buổi chiều đi học gần về đến nhà, tôi bị 2 thằng bé khoảng 6 tuổi (6 tuổi mà vẫn cởi truồng đi chân đất), nhà ở cùng xóm, chặn ngay đầu ngõ đòi cống nạp diêm (để tự chế pháo nổ). Một thằng giữ tay tôi, một thằng dứ nắm đấm vào mặt tôi rồi giật lấy cái túi vải màu xanh mẹ tôi may tay dùng đựng sách vở để tìm diêm.
Không thấy diêm, nó vứt tung sách vở xuống đường đất lấm lem và đấm một phát vào bụng tôi. Đau đến không thở được, tôi gục xuống quằn quại. Chúng nhảy tưng tưng xung quanh cười khoái trá. Hai bộ "ấm chén" của chúng cũng rung tưng tưng trước mặt tôi.
Phải đến 10 phút sau mới hết cơn đau, tôi căm phẫn vùng dậy nhè thằng gần nhất đấm vào bộ "ấm chén" đang tung tẩy ngay trước mặt. Nó hét lên và nằm vật xuống. Thằng kia sợ bỏ chạy, nhưng lại va mặt vào cái cây bên đường nên bị chảy máu mồm. Tôi lồm cồm ngồi dậy nhặt sách vở cho vào túi rồi chạy nhanh về nhà vì sợ chúng đuổi theo đánh.
Khi cả nhà tôi đang ăn cơm thì thấy ồn ào ngoài cổng. Hai thằng bắt nạt tôi đi trước, phía sau là hai người mẹ của chúng. Hai người phụ nữ chống nạnh xoe xóe chỉ vào mặt mẹ tôi:
- Tại sao con bà vừa đến ngụ cư mà dám đánh con tôi chảy máu mồm? Có phải nhà bà là bọn Mỹ - ngụy nên tàn ác như thế phải không? Chúng tôi sẽ đi báo công an.
Tôi cãi:
- Chúng bắt nạt cháu, chúng đánh cháu. Chúng chạy va vào cây đấy chứ!
Một thằng xông ra tố tôi đấm vào bộ "ấm chén" của nó. Mẹ nó gào lên:
- Con bà tàn ác như Mỹ - ngụy!
Mẹ tôi nhẫn nhịn xin lỗi "van ông vái bà", nhưng họ vẫn đòi đi báo công an.
Rõ ràng hai thằng lớn tuổi hơn, to cao hơn mà lại nói là tôi bắt nạt chúng thì không hợp lý chút nào. Bà chủ nhà chúng tôi ở nhờ dường như hiểu điều đó nhưng chỉ xoa dịu chút ít, chắc sợ va chạm với hàng xóm.
Mẹ tôi vốn hiền lành, đành cắn răng đưa tiền mua đường sữa, bông băng cho hai người đàn bà kia, trong khi nhà tôi lúc đó gồm 5 miệng ăn (bà nội, mẹ, chị cả, tôi và đứa em trai) đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của mẹ.
Tôi uất ức gào lên: "Chúng bắt nạt con, chúng đánh con". Nhưng nét mặt mẹ chỉ buồn bã, rồi mẹ liêu xiêu đi vào trong.
Đêm đó vì uất ức mà tôi không ngủ được. Lẽ phải ở đâu?
Tôi căm hờn hai thằng bé kia và mẹ của chúng - những kẻ bắt nạt mẹ con tôi, trấn lột tiền của mẹ tôi. Tôi lặng lẽ lục trong hộp đồ cũ của bố tìm cái xích xe đạp cũ (đã bị lộn 2 lần nên không dùng được nữa) cho vào túi quần bên phải và để nguyên như thế đi ngủ.
Chiều hôm sau đi học về, từ xa tôi đã thấy hai thằng bắt nạt mình hôm trước hùng hổ đi lại ở đầu ngõ. Tôi run run cho tay phải vào túi quần nắm chặt dây xích xe đạp sẵn sàng đối đầu. Khi lại gần, tôi cố lấy hết can đảm rút sợi dây xích vung lên loạn xạ. Thấy thế hai thằng kia bỏ chạy mất. Bốn cái mông đen nhánh của chúng lấp lánh trong ánh nắng chiều đến tức cười.
May mà chúng cũng nhát nên từ đó, trong suốt năm học lớp 1, khi thấy tôi thì chúng tránh xa.
Sau đó khi gia đình chuyển nơi sơ tán, chuyển trường… ở đâu tôi cũng bị bắt nạt. Nhưng tôi rút kinh nghiệm là đến nơi nào cũng kết thân ngay với một nhóm bạn cùng lứa, hoặc lớn tuổi hơn bằng cách nhịn ăn sáng dành bánh mỳ và diêm làm lệ phí ra mắt (thời đó chỉ có cơ quan nhà nước mới có bánh mỳ). Vì vậy mà tôi ít bị bắt nạt hơn.
Vào năm tôi học lớp 5, em trai tôi học lớp 1 đã xảy ra vụ bắt nạt không thể nào quên được.
Buổi sáng, mẹ tôi thường cắt một chiếc bánh mỳ làm 4 phần (4 đứa con mỗi đứa 1 phần) để ăn sáng. Một thời gian, tôi thấy trưa về em tôi hay kêu đói, mặt nó có vài vết bầm. Hơn nữa, mẹ thường kêu mất diêm ở bếp. Tôi nghi là em tôi khi đi học bị bắt nạt nên sáng hôm sau lén đi theo.
Đúng như dự đoán. Em tôi phải đi qua một cánh đồng đang cày ải - con đường độc đạo có mấy bụi dứa dại hai bên. Khi em đến gần mấy bụi dứa dại thì bỗng 5 đứa trẻ chăn bò nhảy bổ ra. Em tôi lập cập lấy bánh mỳ và diêm đưa cho một thằng lớn nhất (chắc là kẻ cầm đầu).
Bao nhiều căm hờn tôi dồn vào đôi chân, vun vút chạy tới. Tôi giật chiếc túi vải của em trai (trong đó đựng sách vở và cái bảng gỗ dày), vung vào giữa mặt thằng cao lớn hơn tôi một cái đầu. Nó né được nhưng loạng choạng. Tôi vung túi lên lần nữa, thế là nó ngã nhào vào giữa bụi dứa dại.
Tôi nhảy bổ đạp vào bụng nó: "Mày còn dám bắt nạt em tao không?". Nó lắp bắp: "Không, không". Lúc này, mấy chú công nhân công trường khai thác đá gần đó chạy lại vỗ tay: "Đánh hay lắm!".
Lúc đó sức lực của tôi tự dưng biến đâu mất. Tôi nghĩ nếu bốn đứa kia xông vào đánh anh em tôi thì thôi rồi. May quá, cả bốn đứa kia mặt tái xám ngơ ngác nhìn "thủ lĩnh" nằm trong bụi dứa. Khi chúng xúm lại kéo "thủ lĩnh" ra thì mấy chú công nhân lại vỗ tay lần nữa.
Giời ạ! Nếu tôi bị đánh và nằm trong bụi dứa kia thì chắc họ cũng vỗ tay như vậy thôi! Họ không nghĩ đến thân phận kẻ bị bắt nạt như anh em tôi khổ sở như thế nào để bênh vực mà chỉ thấy thỏa niềm vui hoang dại của người lớn…
Nhiều hình thức bắt nạt tinh vi
Tôi còn nhiều lần bị bắt nạt khi chuyển trường, chuyển chỗ ở nữa. May nhờ hồng phúc tổ tiên nên cũng vượt qua. Nhưng có lẽ khi đi học đại học, ra đi làm việc thì những lần bị bắt nạt không đơn giản là bị đánh mà tinh vi hơn nhiều, đau xót hơn nhiều.
Hồi học đại học, lũ sinh viên chúng tôi đói dài đói dại, nhớ nhà quay quắt, lúc nào cũng chỉ muốn về nhà. Nhà trường quy định sinh viên xin về nhà một ngày thì báo cáo Ban cán sự lớp, nếu xin nghỉ đến 3 ngày phải được sự đồng ý của khoa và phải có bút phê đồng ý của lớp trưởng hoặc lớp phó.
Một người trong Ban cán sự lớp là cán bộ được một cơ quan biệt phái đi học, có lương, có tiêu chuẩn gạo - tóm lại so với lũ chúng tôi, ông ấy là người ở "đẳng cấp" giàu có.
5 giờ chiều, sinh viên ào như kiến cỏ vào nhà ăn để ăn một bát cơm độn những củ khoai tây non nhỏ bằng ngón chân, ăn vào cứ mắc nghẹn ở cổ. Cơm khoai tây non chan "nước mắm đại dương", "canh toàn quốc" diễn ra hết năm này đến năm khác. Đêm đến, cả lũ đói dài nằm nhìn trần nhà và hát ông ổng.
Còn ông cán bộ lớp "biệt phái" thì nấu cơm gạo mới, phi hành mỡ xèo xèo, chậm rãi ngồi ăn dưới sàn gạch. Mùi cơm gạo mới chín, mùi hành mỡ nấu cà chua bay lên trần nhà đọng lại rồi thun thút chạy thẳng vào 22 lỗ mũi đói khát của 11 sinh viên (mỗi phòng có 6 giường tầng, tổng là 12 người).
11 cái dạ dày trống rỗng hoạt động hết cỡ, bóp nghiến vào nhau đau rát làm toàn thân rã rời. Cả lũ hau háu nhìn nồi cơm của ông cán bộ lớp "biệt phái" và rồi nhìn nhau. Chắc cũng hiếm có việc vô tình hành hạ nhau nhạy cảm như trong hoàn cảnh này! Nhưng như thế thì không có gì đáng nói…
Việc xin nghỉ ba ngày về quê của tôi có vẻ khó khăn khi ông cán bộ lớp "biệt phái" không mấy mặn mà, nghe rồi cứ im lặng. Tôi năn nỉ thì ông ấy nói: "Nghe nói chị của em làm ngành y nhỉ! Nhờ chị em mua giúp anh 1.000 viên B1 nhé". Tất nhiên là tôi vâng ngay và ông ấy ký ngay vào đơn xin nghỉ học của tôi.
Lần khác tôi xin về, ông ấy lại nói: "Quê em nhiều lạc ngon. Mua hộ anh dăm cân lạc nhé". Thời đấy tôi ngốc đến mức nghĩ rằng ông ấy nhờ mình mua thật nên trước khi về quê, tôi cứ chờ ông ấy đưa tiền gửi mua B1, mua lạc, nhưng tuyệt nhiên không thấy.
Về nhà, mẹ tôi, chị tôi chạy đôn chạy đáo vay tiền mua B1, lạc nhân.
Thế rồi, tận đến khi ra trường vẫn không thấy ông ấy đả động đến chuyện trả tiền mua B1 và lạc. Tôi nghe mấy đứa bạn cùng cảnh xin về nhà 3 ngày kể lại thì cũng từng bị như vậy.
Nhiều năm sau, hàng năm lớp tôi tổ chức họp mặt nhưng không mời ông cán bộ "biệt phái". Một lần có người nhắc nên Ban liên lạc cũng mời. Khi đến, ông ấy gần như ngồi một mình vì không ai nói chuyện cùng, trừ một vài bạn nữ thấy hơi áy náy nên lại hỏi ông ấy dăm câu ba điều. Chỉ duy nhất lần đó, từ đấy đến nay không thấy ông ấy xuất hiện trong ngày hội lớp và cũng không thấy ai trong lớp tôi nhắc đến hoặc mời ông ấy nữa.
Năm đại học thứ 3, lớp tôi xuất hiện một sinh viên là cán bộ "biệt phái" khác và được khoa cử làm lớp phó. Ông ấy khác hẳn với ông "biệt phái" kia. Ông "biệt phái" trước ít nói, chỉ nói khi thấy cần có… lợi cho ông ấy. Còn ông "biệt phái" mới này nói và ra lệnh suốt ngày.
Sáng ông ấy dậy sớm, đánh răng rửa mặt, tập thể dục rồi ngồi đọc giáo trình dày cộp. Thấy chúng tôi ngủ dậy muộn vì chiều mới phải lên giảng đường, ông ấy khua dậy hết. Rồi ông ấy quy định buổi sáng mấy giờ ngủ dậy, mấy giờ ngủ trưa, không được làm ồn trong phòng, phải thay nhau quét phòng. Tối mấy giờ đi ngủ, không được chơi đàn, hát hò quá 9 giờ 30 phút tối, không được để bạn gái ở phòng quá 9 giờ tối…
Ai không chấp hành, ông ấy yêu cầu họp ngay cả phòng để kiểm điểm rất căng thẳng. Thế rồi ông ấy quát sinh viên như quát con. Ông ấy dọa sẽ phản ánh lên khoa, sẽ kỷ luật những ai vi phạm quy định ông ấy đưa ra…
Cả phòng tôi ngộp thở, bí bức, cảm giác bị đè nén, bị bắt nạt rất mệt mỏi. Bắt đầu có tiếng xì xào, lườm nguýt kín đáo, có cả những ánh mắt giận dữ đối với ông ấy.
Tôi là một trong vài sinh viên trong phòng bị ông ấy nhắc nhở và quát nhiều nhất. Tình hình bắt đầu có "lửa chiến tranh", thì ơn Giời, sau gần một tháng ở cùng chúng tôi, ông ấy được cơ quan gọi về để cử đi làm nhiệm vụ gì đó.
Ngày ông ấy rời đi là ngày hội của cả phòng chúng tôi. Ông ấy đến nhanh và đi nhanh nên nhiều người trong lớp tôi không nhớ tên và trong danh sách sinh viên lớp tôi Ban liên lạc không ghi. Dù chỉ gần một tháng xuất hiện, nhưng ông ấy là nỗi kinh hoàng của 11 nam sinh viên phòng chúng tôi - đó là nỗi kinh hoàng của cả một tập thể bị một cá nhân bắt nạt không thể không nhớ.
Tôi còn nhiều lần bị bắt nạt nữa!
Chưa xin được việc làm, tôi từng đi làm thợ mộc, thợ nề, quay ép dép nhựa tái chế, đạp xích lô thuê để có cơm ăn hàng ngày. Ở chỗ nào cũng bị bắt nạt.
Một lần có hai thằng đội mũ cối, mặc áo bay Nga, đi dép tông Lào yêu cầu tôi chở ra công viên Thống Nhất (thấy bảo để tìm gái). Tôi chỉ nặng 47kg, cong người như con tôm, hổn hển, mồ hôi ra như tắm, cố sức đạp xích lô đưa chúng đi vòng vòng công viên Thống Nhất.
Khi hỏi tiền, một thằng chỉ vào mặt tôi quát: "Tiền, tiền cái củ c… Muốn chết à? Biến!". Nếu một thằng mà ở chỗ khác tôi có thể "cân", nhưng đây là hai thằng mà có vẻ chúng giống như bọn đầu trộm đuôi cướp. Uất ức mấy cũng phải nhịn nhục. Tối hôm ấy tôi quyết định trả xích lô cho chủ, không đi đạp thuê nữa.
Nhớ những ngày đầu đi làm, lãnh đạo cơ quan cử tôi đi Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Một ông chuyên viên có tuổi trong cơ quan phản đối quyết liệt vì tôi mới là… nhân viên hợp đồng (chưa vào biên chế).
Tôi cày ngày cày đêm, năng suất cao nhưng vài ông phản đối mỗi khi bình bầu thi đua. Rồi vài chuyên viên "lớn" nhờ tôi làm việc của họ hết lần này đến lần khác, còn mình thì đi uống bia, chém gió… Họ cứ luôn dọa không để cho tôi vào biên chế.
Sau này, trong quá trình làm việc ở các cơ quan, công việc của tôi vô tình đụng chạm đến nhóm lợi ích nào đó, một vài người có vị trí xã hội yêu cầu tôi không không được làm việc đó nữa nhưng không được thì gặp người này, người kia có chức vụ cao nói xấu tôi, rồi công khai dọa cho tôi phải "trở về điểm xuất phát" là nghề thợ mộc (như đã nói là sau khi tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, tôi từng đi làm thợ mộc một thời gian tại Hà Nội, nhiều người biết chuyện đó). Nhưng họ chẳng làm gì được vì tôi không vi phạm gì. Vả lại, tôi may mắn cũng có những người anh, người chị, bạn bè bên cạnh giúp đỡ.
Tôi còn nhiều lần bị bắt nạt nữa! Ngay cả khi tôi đã trưởng thành và có một vị trí nho nhỏ cũng vẫn bị bắt nạt như thường.
Với nhiều người, mỗi lần bị bắt nạt đều để lại vết sẹo tinh thần đi theo cả cuộc đời. Thực tế nó là vấn đề đạo đức và pháp luật chứ không đơn giản là vấn đề sinh hoạt. Trong đời người, ai cũng không ít thì nhiều lần bị bắt nạt. Và nhiều khi, số đông cũng vẫn bị bắt nạt và ngay cả số đông cũng vẫn thờ ơ trước nỗi đau của người khác.
Bắt nạt là một tình trạng tiêu cực của xã hội, phải bị lên án, nhưng xử lý nghiêm thì gần như chưa nhiều. Cho nên nỗi đau bị bắt nạt vẫn cứ diễn ra trong xã hội…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bi-bat-nat-179230404100406967.htm