Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu

13:24 - 12/05/2023

Ngày 11/5, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố "bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế".

Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Adhanom Ghebreyesus cho biết sau khi số ca nhiễm giảm mạnh, ông đã chấp nhận đề nghị của Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới về việc "dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất" đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 5/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố kết thúc "tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế" đối với dịch COVID-19 sau hơn 3 năm công bố.

Trước đó, ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Mức cảnh báo cao nhất về dịch bệnh này tiếp tục được tái khẳng định vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023.

Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Getty Images

Như vậy, hiện nay cả hai dịch bệnh COVID-19 và đậu mùa khỉ đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới hạ mức cảnh báo.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, từ đầu năm 2022 đến ngày 8/5/2023, đã có hơn 87.000 người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở châu Phi

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật. Bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, thông thường là từ 6-13 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là bệnh có tính truyền nhiễm cao. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm để gây lây nhiễm giữa người với người. Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ đối với toàn cộng đồng là thấp.

Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu - Ảnh 3.

Ngày 11/5, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố "bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế". Ảnh: Verywellhealth

Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Vaccine phòng bệnh đậu mùa tương đối có hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời giúp cải thiện trong việc điều trị bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở các khu vực miền Trung và miền Tây châu Phi, nơi các loài động vật hoang dã bị bệnh và thỉnh thoảng lây nhiễm sang người dân ở các vùng nông thôn. Các vụ dịch xảy ra tương đối đã được kiểm soát. Đợt bùng phát mới bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu từ tháng 5/2022 và là lần đầu tiên bệnh lan ra ngoài khu vực châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hàng nghìn ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở khoảng chục quốc gia châu Phi mỗi năm. Hầu hết là ở Congo với khoảng 6.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ hàng năm và Nigeria, với khoảng 3.000 ca bệnh mỗi năm.

Các loại vaccine được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, nhưng các chiến dịch tiêm chủng đã ngừng hoạt động kể từ khi bệnh đậu mùa được loại trừ.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/benh-dau-mua-khi-khong-con-la-tinh-trang-khan-cap-ve-y-te-toan-cau-17923051212003146.htm