Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh

14:25 - 21/07/2023

Những ngày gần đây, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103, (Hà Nội) tăng cao đột biến, đặc biệt là trẻ em. Trong số đó, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng nặng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.

img

Những ngày gần đây, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103, (Hà Nội) tăng cao đột biến, đặc biệt là trẻ em. Trong số đó, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng nặng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn. Theo Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông, Hà Nội): Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp. Đây là tình trạng viêm hay phù nề cấp tính của kết mạc, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa do vi khuẩn hoặc virus hay do phản ứng dị ứng với một số tác nhân như hóa chất và môi trường. Trong đó, viêm kết mạc cấp do virus có tính chất lây lan mạnh trong cộng đồng và trở thành dịch.

Virus gây bệnh chủ yếu là Adeno, là một virus lây lan qua đường hô hấp giống như virus Corona gây bệnh COVID-19, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch từ mắt của người bệnh. Thông thường, đau mắt đỏ là một bệnh lý dễ điều trị nhưng một số trường hợp có thể tiến triển và gây hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 2.

Bệnh đau mắt đỏ có thời gian từ khi bị nhiễm đến khi phát bệnh thường từ 3 - 5 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia, đôi khi cả 2 mắt tùy theo chủng virus. Bệnh đau mắt đỏ có các triệu chứng:

Đỏ mắt, ngứa rát cộm mắt (cảm giác như có dị vật, cát trong mắt).

Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt.

Chảy nước mắt, ghèn gỉ mắt bám dính chặt hai mi mắt nhất là lúc mới ngủ dậy. Khó mở mắt do ghèn dử mắt bám chặt vào lông mi, chảy nước mắt tăng theo mức độ cộm, ngứa mắt.

Khó nhìn nhưng thị lực không giảm.

Vùng mi mắt hơi sưng nề.

Ngoài ra còn có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau, họng đỏ, amidan sưng to.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 3.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ, trong đó sự lây lan của các loại virus là chủ yếu (chiếm 65-90%).

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch bởi khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm, chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh (mắt kính, khăn mặt, chậu rửa mặt).

Bệnh lây do thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng và vô tình mang virus từ bên ngoài vào cơ thể.

Công sở, lớp học, nơi công cộng là những môi trường khiến bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh và nhiều. Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau và đeo kính râm chỉ giúp người bệnh dễ chịu chứ không giúp tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính, có thể tự khỏi nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt, làm việc. Nếu điều trị không đúng cách, bệnh đau mắt đỏ có thể gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thị lực.


Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 4.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cường, biến chứng thường gặp của viêm kết mạc cấp do virus gồm có giả mạc, trợt biểu mô giác mạc, viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm.

Giả mạc: là tình trạng xuất hiện một lớp trắng ngà ở mặt trong của mi mắt (kết mạc sụn mi), có thể kèm theo chảy dịch màu hồng (nước rửa thịt). Đây là biểu hiện của tình trạng viêm quá mức dẫn đến xuất tiết fibrin. Lớp giả mạc này sẽ bám lên mặt trong sụn mi, hạn chế thuốc ngấm vào kết mạc mi dẫn đến sưng nề mi nhiều, tím mi. Trong trường hợp, sau một vài ngày bị đau mắt đỏ, nếu thấy mi tím, nề nhiều, khó mở mắt kèm theo chảy dịch hồng cần đến khám để phát hiện giả mạc. Khi đó bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật bóc giả mạc và bổ sung thuốc chống viêm phù hợp.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 5.

Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông, Hà Nội).

Trợt biểu mô giác mạc: đây cũng là một biến chứng thường gặp khi có giả mạc. Bệnh nhân có biểu hiện đau, chảy nước mắt nhiều, khó mở mắt, nhìn mờ. Khi đó, bác sĩ cũng tiến hành lấy giả mạc, thêm thuốc chống viêm và thuốc liền biểu mô.

Viêm giác mạc đốm: thường diễn ra ở giai đoạn muộn của bệnh, kéo dài kể cả sau khi mắt hết đỏ hoàn toàn. Biểu hiện là bệnh nhân thấy nhìn lóa, đặc biệt là khi ra sáng, trên giác mạc (lòng đen) thấy có các chấm trắng nhỏ rải rác. Thời gian để các chấm nhỏ đó biến mất có thể kéo dài đến 6 tháng.

Viêm giác mạc chấm nông: thường xuất hiện khi viêm kết mạc gần hết và kéo dài, nguyên nhân là do tình trạng khô mắt sau viêm kết mạc cấp. Biểu hiện bằng cảm giác cộm vướng, nặng mắt, chảy nước mắt. Nước mắt nhân tạo sẽ được sử dụng để liền biểu mô, giác mạc sẽ được tái tạo lại hoàn toàn.

Ví dụ trường hợp viêm kết mạc cấp điều trị không đúng cách có thể kể đến một bệnh nhân nữ 65 tuổi, ở Bắc Giang. Khi đến khám, được chẩn đoán viêm kết mạc cấp 2 mắt, tuy nhiên thay bằng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân này tìm đến biện pháp xông mắt bằng lá trầu không. Kết quả sau đó bệnh nhân thấy đau rát tăng, khó mở mắt và phải đến khám cấp cứu ngay trong đêm. Bệnh nhân được chẩn đoán là 2 mắt bỏng kết giác mạc độ 2 và phải điều trị thêm bỏng mắt.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 6.

Thời gian tiến triển của bệnh thường kéo dài 1-2 tuần. Bệnh đau mắt đỏ do virus là một bệnh có thể tự khỏi nhờ vào kháng thể do cơ thể tự sinh ra, tuy nhiên cần có biện pháp điều trị giảm nhẹ:

Đeo kính râm để giảm triệu chứng chói mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, nhiễm khuẩn.

Chú ý nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng và giúp bệnh mau phục hồi.

Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm và nước mắt nhân tạo, chống viêm để hạn chế những triệu chứng khó chịu của bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 7.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 8.

Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và nhỏ nước muối sinh lý là 3 biện pháp hiệu quả phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác trước 2-3 ngày khi phát bệnh và sau khi khỏi bệnh 1 tuần. Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bị đau mắt đỏ:

Luôn vệ sinh sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, tránh cầm nắm vào các vị trí dùng chung như tay nắm cửa, tay cầm cầu thang, nút bấm thang máy….

Đeo khẩu trang để tránh lây lan qua đường hô hấp (giọt bắn).

Tra nước muối sinh lý để rửa mắt, nhất là đối với gia đình có người thân bị bệnh.

Phải tiến hành cách ly người bệnh: Dùng riêng khăn, chậu rửa, mùi soa, kính mắt, thìa, bát, vỏ gối, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người…

Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải rửa tay bằng xà phòng.

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa dịch, những điều cần biết và cách phòng bệnh - Ảnh 9.

 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/benh-dau-mat-do-dang-vao-mua-dich-nhung-dieu-can-biet-va-cach-phong-benh-179230721141551154.htm