Bầu cử giữa nhiệm kỳ phát tín hiệu về chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong 2 năm tới

12:26 - 09/11/2022

Theo TTXVN, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của đảng Dân chủ trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.

Sáng ngày 8/11 (giờ địa phương Mỹ - tối cùng ngày giờ Việt Nam), cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu lưỡng viện Quốc hội khóa 118 cùng hàng loạt vị trí thống đốc và chính quyền các bang. Tâm điểm chú ý là cuộc bầu cử quốc hội liên bang, vốn được coi là mang tính quyết định đến cán cân quyền lực trong chính trường Mỹ.

Chú thích ảnh

Ba kịch bản cho cuộc bầu cử Mỹ

Trong các cuộc thăm dò mới nhất, tỉ lệ ủng hộ đối với ông chủ Nhà Trắng chỉ ở mức 40%, nhỉnh hơn một chút so với mức thấp nhất 36% hồi tháng 5-6 vừa qua. Tỉ lệ cử tri không ủng hộ hoặc cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng lên tới gần 60%, cho thấy số người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Biden đang giảm đi.

Tại Thượng viện, tỉ lệ ủng hộ 2 đảng dao động theo từng mốc thời gian và đến thời điểm sát bầu cử thì gần như cân bằng. Lợi thế lớn nhất của phe Dân chủ là các ứng cử viên của đảng này đều là những nhân vật gạo cội, có nhiều kinh nghiệm và uy tín, quan điểm chính sách gần gũi hơn với đa số người dân Mỹ, đặc biệt là về các vấn đề phúc lợi xã hội và quyền nạo phá thai, ít ứng cử viên bị ảnh hưởng bởi bê bối như một số chính khách Cộng hòa.

Mặc dù kết quả chính thức chỉ được công bố sau ngày bầu cử, nhưng được dự báo sẽ không nằm ngoài 3 kịch bản, bao gồm: đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát quốc hội lưỡng viện; đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện; đảng Dân chủ thất bại ở cả 2 viện Quốc hội Mỹ. 

Theo đánh giá của giới chuyên gia thì kịch bản thứ hai nhiều khả năng sẽ diễn ra nhất: đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện. Khả năng tiếp theo sẽ là kịch bản thứ ba và gần như không có cơ hội cho kịch bản thứ nhất xảy ra.

Theo giới quan sát, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này được xem là phức tạp và khó dự báo. Trong giai đoạn đầu tranh cử, các cuộc thăm dò đều cho các kết quả bất lợi cho đảng Dân chủ khi “làn sóng đỏ lấn át màu xanh”, đảng Cộng hòa có khả năng giành chiến thắng và chiếm đa số tại cả thượng và hạ viện.

Tại kỳ bầu cử lần này, các cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm, trong đó 15 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm giữ, 20 ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế tổng chưởng lý và 27 ghế tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương.

Lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có nghị sĩ Gen Z  

Ứng viên đảng Dân chủ Maxwell Alejandro Frost đã đánh bại đối thủ Calvin Wimbish của đảng Cộng hòa trong cuộc đua tại bang Florida để giành được một ghế trong Hạ viện Mỹ khóa tới.  

Maxwell Alejandro Frost cũng là nhà lập pháp thế hệ Gen Z đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Theo PBS News, Frost (25 tuổi) là một nhà hoạt động cải cách luật súng đạn và phản đối đối với các hạn chế về quyền phá thai.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ phát tín hiệu về chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong 2 năm tới - Ảnh 3.

Maxwell Frost phát biểu trong một sự kiện tại Tinker Field, ở Orlando, vào tháng 3/2021.

Ảnh: Orlando Sentinel.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times vào tháng 8, Frost cho rằng anh mang đến một góc nhìn khác về chính trị vì trong thời đại mà anh đã lớn lên, chứng kiến những vụ xả súng hàng loạt, thiên tai ngày càng thường xuyên hơn và biến động xã hội ngày một rộng lớn.

“Tôi thuộc một thế hệ đã trải qua nhiều cuộc diễn tập ngăn ngừa xả súng hàng loạt hơn là các cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy. Đây là điều mà thế hệ của tôi đã phải đối mặt: nỗi sợ hãi khi đến trường, sợ hãi khi đến nhà thờ, sợ hãi khi ở ngay trong cộng đồng của chính mình”.

Chiến thắng của Frost đảm bảo Quốc hội Mỹ khóa tới sẽ bao gồm ít nhất một nhà lập pháp thuộc thế hệ Gen Z – những người sinh ra vào khoảng thời gian thế giới bùng nổ Internet từ năm 1997 - 2012.

Trong lịch sử nước Mỹ, rất hiếm người 25 tuổi được bầu vào Quốc hội. Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2020, đại diện Madison Cawthorn thuộc đảng Cộng hòa của bang Bắc Carolina là nhà lập pháp 25 tuổi đầu tiên sau hơn 45 năm.

Theo Hiến pháp Mỹ, để trở thành thành viên của Quốc hội, các ứng cử viên phải từ 25 tuổi trở lên.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bau-cu-giua-nhiem-ky-phat-tin-hieu-ve-chinh-sach-doi-noi-doi-ngoai-cua-my-trong-2-nam-toi-179221109115651878.htm