Bất cập việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm ở ngành Giáo dục
Hiện nay, ngành Giáo dục đang có rất nhiều phong trào thi đua khác nhau, trong đó có việc thi viết Sáng kiến kinh nghiệm hàng năm ở các đơn vị trường học. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì phong trào này đang nảy sinh nhiều bất cập trong việc phát động, tổ chức, thực hiện và chấm các đề tài.
Sáng kiến kinh nghiệm đang được đặt ở vị trí cao nhất để xét thi đua
Những cán bộ, giáo viên, nhân viên nếu có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện (đối với cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) và cấp trường (cấp Trung học phổ thông) là chắc chắn đủ điều kiện để xét danh hiệu thi đua từ "Chiến sĩ cơ sở" trở lên.
Các phong trào khác như chất lượng giảng dạy trong năm cao; có tỉ lệ thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cao; có học sinh giỏi các cấp đạt giải; đạt giải giáo viên dạy giỏi các cấp; đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi…nhưng nếu không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì chỉ được xét danh hiệu "Lao động tiên tiến" mà thôi.
Tại điểm b, khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn những cá nhân được đề nghị xét danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" trở lên phải đạt: "Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận". Và, "sáng kiến" trong hướng dẫn của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP được hiểu là "sáng kiến kinh nghiệm" ở ngành Giáo dục.
Vì thế, nếu cán bộ, giáo viên, nhân viên có sáng kiến kinh nghiệm không chỉ được thưởng vì đạt giải mà còn được xét các danh hiệu thi đua cao quý khác. Năm đầu tiên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải được đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Nếu năm thứ 2 được nữa, sẽ được đề nghị xét bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) và càng nhiều sáng kiến kinh nghiệm càng được xét các danh hiệu cao hơn…
Phát sinh tiêu cực
Khi được xét danh hiệu cao cùng đồng nghĩa với quyền lợi đi kèm. Ngoài tiền thưởng danh hiệu, những cá nhân này còn được đề nghị và xét nâng lương trước thời hạn. Khi có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là gắn liền với quyền lợi thiết thực của nhà giáo và giáo viên muốn có danh hiệu thi đua cao từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, muốn được tăng lương trước thời hạn thì bắt buộc phải viết Sáng kiến kinh nghiệm. Bởi vì, tất cả các thành tích khác không được quy đổi và cũng không đủ điều kiện để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Điều này phát sinh hiện tượng tiêu cực là mua bán sáng kiến để đạt các danh hiệu thi đua. Một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện nay họ rất chịu "đầu tư" bằng cách mua một đề tài trên mạng xã hội để nộp cho nhà trường hòng tìm thành tích cho cá nhân mình. Việc mua bán sáng kiến kinh nghiệm bây giờ còn dễ hơn mua rau, mua cá ngoài chợ bởi hiện nay có hàng trăm trang Facebook của giáo viên các môn học, các cấp học lập ra chỉ nhằm mục đích bán sáng kiến kinh nghiệm, bán giải pháp thi giáo viên dạy giỏi và bán giáo án cho những giáo viên có nhu cầu.
Người nào không mua thì có thể xin các giáo viên khác là bạn bè, người thân ở một địa phương khác, về thay tên, đổi họ là ra sáng kiến kinh nghiệm của mình. Vì thế thật - giả trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đang lẫn lộn.
Những đề tài viết bằng tâm huyết, trách nhiệm của người giáo viên chưa chắc đã đạt giải nhưng những đề tài trôi nổi mua bằng tiền lại thường đạt giải. Đặc biệt, những người là quản lý nhà trường, phòng, sở giáo dục; những thành viên cốt cán trong Hội đồng bộ môn và một ít tổ trưởng chuyên môn thì rất hiếm khi bị rớt.
Ai là người chấm sáng kiến kinh nghiệm?
Theo cơ cấu chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay, ở cấp trường là Ban giám hiệu và một số tổ trưởng chuyên môn có giáo viên trong tổ viết sáng kiến kinh nghiệm. Cấp phòng giáo dục là tất cả các chuyên viên và các trưởng phó, phó phòng. Cấp sở cũng đều là chuyên viên và những người đứng đầu các phòng, ban đứng ra chấm sáng kiến kinh nghiệm.
Không dám nói là tất cả nhưng đâu đó việc chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đang có những bất cập nhất định và chưa thực sự xem trọng chất lượng của những đề tài của người thực hiện.
Thứ nhất: phần lớn những giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay chấm trái chuyên môn của mình. Bởi lẽ, mỗi ban giám hiệu chỉ có 2-3 thành viên nên cũng chỉ có thể nắm sâu được chuyên ngành đã được đào tạo nhưng họ đang chấm sáng kiến kinh nghiệm của tất cả các môn học và nhiều lĩnh vực khác của nhân viên nhà trường.
Cấp phòng, cấp sở hiện nay cũng rơi vào tình trạng như vậy. Bởi, theo biên chế thì cấp phòng, sở giáo dục hiện nay chỉ có một số chuyên viên, lãnh đạo phụ trách 1 cấp học nên không thể nào có đủ các chuyên viên cùng môn học với giáo viên dưới cơ sở. Vì thế, phương châm chung là họ sẽ mời một giáo viên cốt cán của môn học đó chấm chung với một lãnh đạo phòng, hoặc sở nhưng người quyết định ai đạt giải thì thường là người có chức vụ cao hơn.
Vì thế, một số lãnh đạo có chuyên môn là Văn, Sử nhưng có thể vẫn chấm sáng kiến kinh nghiệm môn Toán, Lý, Hóa… là chuyện rất bình thường. Họ chấm nhiều khi không phải là vì khoa học, vì trách nhiệm mình đang phụ trách các tổ chuyên môn, các trường học mà mỗi sáng kiến kinh nghiệm đều có một khoản tiền thù lao. Vậy nên, có những lãnh đạo phòng giáo dục chấm đến 5-7 chục sáng kiến kinh nghiệm, thậm chí là hơn trong một năm học.
Thứ hai: chính vì có nhiều lãnh đạo nhà trường, phòng, sở không cùng chuyên môn với người viết sáng kiến kinh nghiệm nên về cơ bản nhìn tên người viết, nhìn đơn vị công tác mà chấm giải. Rất hiếm lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng, sở viết sáng kiến kinh nghiệm mà bị rớt. Không chỉ họ không bị rớt mà ngay cả những người thân cũng đều có giải. Thông thường, những giải "ngoại giao" này được xếp giả B, giải C là an toàn nhất, không có ai kiện cáo mà những giải này đủ điều kiện để xét các danh hiệu thi đua.
Một sáng kiến được gửi đi thi đang tốn một số tiền nhất định. Đó là tiền chi cho người chấm cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh (bình quân mỗi đề tài khoảng trên dưới 200 cho 2 giám khảo cho mỗi cấp). Nếu người viết đạt giải thì đơn vị chấm giải sẽ chi tiền khen thưởng. Cuối năm, giáo viên đó được xét thi đua ở các danh hiệu cao, từ Chiến sĩ thi đua cơ sở (1.490 000 đồng) các danh hiệu cao hơn cũng tương ứng với số tiền cao hơn.
Điều này có nghĩa, mỗi năm ngân sách đang chi một khoản tiền rất lớn cho việc chấm, phát thưởng trực tiếp và gián tiếp - khi xét danh hiệu thi đua nhưng phần lớn những sáng kiến kinh nghiệm không được công bố công khai tới các đơn vị xem nội dung những đề tài này như thế nào. Sau khi công bố giải, có lẽ những đề tài này được xếp vào ngăn tủ và sau đó bán phế liệu vì nó không phải là tài liệu được lưu giữ lâu dài.
Phần nhiều các ý tưởng được tác giả trình bày chỉ là ý tưởng trên giấy, ít được áp dụng vào thực tiễn và cũng chẳng có ai kiểm chứng điều này. Mỗi năm học, toàn ngành phải có đến vài trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm vì đa phần trường nào cũng có từ một nửa giáo viên trở lên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm.
Sau mỗi năm học đi qua có rất nhiều những bàn tán, thị phi từ đội ngũ nhà giáo ở các đơn vị cơ sở. Những thật giả lẫn lộn, những tai tiếng bủa vây khiến cho nhiều giáo viên ở nhiều trường học không còn đặt trọn niềm tin vào những người được ngồi trong hội động chấm sáng kiến kinh nghiệm.
Nhưng cuối cùng, những ý tưởng, những đề tài sáng kiến kinh nghiệm đi đâu, về đâu không ai hay biết!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bat-cap-viec-thuc-hien-sang-kien-kinh-nghiem-o-nganh-giao-duc-179221010115750392.htm