Bao giờ giáo viên được nâng chuẩn trình độ đào tạo miễn phí?

06:10 - 11/07/2023

Giáo viên đang tự bỏ tiền đi học nâng chuẩn để tránh mất việc, mất nghề, và có thể rơi vào tình thế tinh giản biên chế nếu thừa giáo viên cục bộ tại địa phương.

Luật Giáo dục 2019 đã quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên các cấp. Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên, giáo viên tiểu học và trung học phải có bằng đại học.

Nghị định 71/2020/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm: Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Nghị định cũng đã quy định lộ trình nâng chuẩn từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025. Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Năm 2023, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai việc học nâng chuẩn

Ngay sau khi có Nghị định 71/2020/NĐ-CP, ngày 28/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020-2025).

Theo đó, các địa phương sẽ tiến hành rà soát giáo viên phải thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo ở từng cơ sở giáo dục, đặt ra chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu cho từng năm và cả giai đoạn 2020-2025. Công khai danh sách giáo viên tham gia đào tạo từng năm.

Tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm theo đúng quy định tại điều 8 Nghị định 71 và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

Tuy thế, tại thời điểm này, nhiều địa phương cũng đã hoàn thành việc rà soát trình độ giáo viên các cấp học mà chưa có thông báo giáo viên sẽ được tham gia đào tạo nâng chuẩn.

Theo một số đồng nghiệp kể lại, hiện đã có địa phương thông báo cho giáo viên đi học nâng chuẩn nhưng lại phải bình xét rất khó khăn nên nhiều trường cũng chỉ có 1 đến 2 giáo viên được tham gia lớp học.

Chỉ tiêu ít, giáo viên khó có cơ hội được đi học nâng trình độ chuẩn

Nói chung từ khi có lộ trình học nâng chuẩn trình độ, nhiều giáo viên cũng luôn ngóng tin. Tuy thế, để có được tên trong danh sách đi học nâng chuẩn cũng không dễ dàng gì.

Một giáo viên tại Tây Nguyên cho biết: "Cả tỉnh đợt này chỉ được 70 chỉ tiêu đi học nên xét khó khăn lắm. Trường xét duyệt, bầu chọn mãi cũng chỉ được 1 người lọt vào danh sách thôi" - giáo viên này cho hay.

Một giáo viên khác ở tỉnh miền Trung cho biết, nói là xét duyệt chứ chủ yếu là lãnh đạo nhà trường hoặc một số giáo viên có mối quan hệ rộng là được đi học trước thôi.

Lo sợ bị tinh giản biên chế nhiều giáo viên đang tự đi học

Vì chỉ tiêu đi học có hạn, chờ đợi cũng chẳng biết đến bao giờ nên nhiều giáo viên đã phải đăng ký đi học tự túc, tuy mất tiền nhưng lại có bằng nhanh.

Hiện nhiều trường đại học, nhiều trung tâm dạy nghề ở nhiều địa phương đang khẩn trương mở các lớp đào tạo đại học. Thông báo được gửi về các trường, nhà trường gửi tận tay giáo viên và dán trên các bản tin của trường. Hình thức học đại học khá linh hoạt.

Có trường tổ chức dạy online, trường lại tổ chức học vào các ngày cuối tuần, trường tổ chức dạy học vào thời gian hè. Giáo viên có quyền lựa chọn hình thức học phù hợp cho bản thân. Thời gian học cũng được rút ngắn như trình độ từ cao đẳng lên đại học sẽ học 2 năm, từ trung cấp lên đại học sẽ học 3 năm.

Hình thức học, thời gian học rất thuận lợi, chỉ có điều học phí lại không hề rẻ. Nếu cộng tất cả các khoản tiền học phí, lệ phí cho 2 năm học nâng chuẩn thì ít nhất, giáo viên cũng phải móc hầu bao khoảng 30 triệu trở lên.

Dù thế, nhiều thầy cô giáo nói vẫn phải nghiến răng bấm bụng để vay mượn có tiền nộp học. Vì nếu không học mà địa phương mình dư thừa giáo viên thì chắc chắn những giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ nằm trong danh sách tinh giản biên chế đầu tiên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giám sát thực hiện lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên đúng như quy định

Đây không phải là lần đầu tiên giáo viên phải tham gia nâng chuẩn trình độ. Cách đây hơn 30 năm, ngành giáo dục cũng đã nhiều lần tổ chức cho giáo viên được nâng chuẩn đại trà miễn phí.

Bởi thời gian đó, do thiếu giáo viên nên nhiều địa phương tuyển các thầy cô đứng lớp ở nhiều trình độ. Nào là 7+2, 9+3, rồi 12+1, 12+2, thậm chí 12+6 tháng… Sau này, các địa phương mở nhiều lớp chuẩn hóa một cách đại trà.

Giáo viên được đi học vào 3 tháng hè hằng năm. Và, chỉ trong vòng vài năm tất cả những thầy cô giáo chưa đạt chuẩn đã được cấp bằng đạt chuẩn theo yêu cầu lúc đó.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, số giáo viên thuộc diện nâng chuẩn tính đến (12/2019) ở các bậc học là khá cao: Mầm non là 84.903 người, Tiểu học là 116.846 người, Trung học cơ sở là: 51.868 người.

Với số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn khá nhiều như thế, nếu các địa phương không thực hiện theo đúng lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra mà khống chế chỉ tiêu một cách nhỏ giọt thì đến năm 2030 nhiều giáo viên vẫn chưa thể đạt chuẩn theo trình độ quy định.

Dư luận cho rằng, khi đã có quy định về lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự kiểm tra, giám sát những địa phương chưa triển khai tốt việc nâng chuẩn trình độ để giáo viên có thêm cơ hội học tập mà không phải bỏ một khoản tiền lớn tự nâng chuẩn cho mình như hiện nay.

Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của giáo viên địa phương vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn gấp nhiều lần.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-gio-giao-vien-duoc-nang-chuan-trinh-do-dao-tao-mien-phi-179230710231641507.htm