Báo chí cần phát triển trở thành ngành kinh tế truyền thông số
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra tại Hà Nội ngày 11/6 đã bàn về chiến lược chuyển đổi số của báo chí Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội thảo do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức với 2 phiên, bàn về 2 chủ đề: "Chiến lược chuyển đổi số báo chí - Tầm nhìn năm 2030" và "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những điểm nhìn từ thực tiễn".
Hội thảo là diễn đàn quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà quản lý báo chí, các nhà báo thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí cũng như "Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam" mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo cho hay đây là sự kiện khoa học thường niên trong khuôn khổ "Diễn đàn báo chí tháng 6" nhằm tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.
Lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", hội thảo mong muốn phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan báo chí.
Với xu hướng chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò là sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, thậm chí báo chí cần phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số - PGS,TS Đặng Thị Thu Hương khẳng định.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số, buộc phải lựa chọn đầu tư nền tảng riêng hay sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Vấn đề đầu tư không nhất thiết từ ngân sách Nhà nước mà có thể kéo tất cả các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái cung cấp nội dung số. Việc sử dụng hạ tầng của bên thứ ba phải kiểm soát được các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên nội dung số của các cơ quan báo chí – Ông Nguyễn Thanh Lâm nêu ý kiến.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận địnhh câu chuyện chuyển đổi số mới được nhắc đến trong lĩnh vực báo chí, nhiều tòa soạn và phóng viên không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số. Với báo Nhân dân, việc chuyển đổi số đã bắt đầu thể hiện một số điểm như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Quan điểm "digital first" đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để.
Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức "đa nền tảng", trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội. Tới đây, báo Nhân dân sẽ thực hiện quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism). Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…
Một số tham luận khác của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo gửi tới hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Báo chí số - Nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước; Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình tòa soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới; Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý; Chuyển đổi số báo chí - Chuyển đổi từ nhận thức; Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số báo chí; Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…
Các tham luận đồng thuận về mục tiêu chuyển đổi số trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí. Báo chí bắt buộc phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và tăng doanh thu.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí, trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.
Việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan báo chí.
TTH (lược ghi)
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-chi-can-phat-trien-tro-thanh-nganh-kinh-te-truyen-thong-so-179220612084230135.htm