Australia xem xét mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề ở các nước Nam và Đông Nam Á

15:57 - 24/09/2022

Bộ trưởng Kỹ năng nghề Australia Brendan O'Connor mới đây cho biết Chính phủ nước này đang xem xét kế hoạch mở rộng các hoạt động đào tạo và giáo dục nghề nghiệp sang khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên trước cho hai nước Indonesia và Ấn Độ.

Đào tạo nghề để có thể đáp ứng các yêu cầu làm việc tại Australia

Kế hoạch đào tạo này được đưa ra nhằm mục tiêu cấp cho người lao động nước ngoài bằng và chứng chỉ đào tạo nghề của Australia sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo nghề được tổ chức trong nước để có thể đáp ứng các yêu cầu làm việc tại Australia. 

Bộ trưởng O'Connor cho biết các chương trình đạo tạo và giáo dục nghề này sẽ áp dụng mô hình của khu vực đại học, vốn đã góp phần tạo dựng các mối quan hệ sâu sắc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch đang được xem xét, người lao động nước ngoài sẽ được cấp bằng của Australia trong các ngành nghề bán lẻ, khách sạn, công nghệ, quản trị, y tế và chăm sóc sức khỏe trong khi học tập ngay tại quê nhà. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ trưởng O'Connor nhấn mạnh các cơ sở đào tạo của Australia sẽ trực tiếp điều hành các khóa đào tạo ở nước ngoài tương tự như cách làm ở trong nước.

Cũng theo ông O'Connor, những người lao động nước ngoài đạt trình độ tay nghề trong các ngành nghề quan trọng sẽ được xét duyệt nhập cảnh nhanh chóng vào Australia và được cấp thị thực làm việc tạm thời hoặc định cư lâu dài, phù hợp với chính sách thúc đẩy việc làm và kỹ năng mới được Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese thông qua.

Bộ trưởng O'Connor cho biết thêm để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng ở trong nước và mở rộng khu vực đào tạo nghề, trước mắt Australia sẽ tập trung khai thác quy mô to lớn của nền kinh tế Ấn Độ và sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Indonesia.

Hồi tháng trước, tại New Delhi, Bộ trưởng Giáo dục Australia Jason Clare và Bộ trưởng O'Connor đã thảo luận với Bộ trưởng Giáo dục Ấn Độ Dharmendra Pradhan về sự hợp tác chung giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng nghề, trong đó có việc xây dựng các khuôn khổ Chứng nhận và Tiêu chuẩn Kỹ năng của Australia có thể được triển khai tại Ấn Độ.

Hiện khu vực chăm sóc người cao tuổi ở Australia đang tích cực vận động Chính phủ nước này tổ chức các chương trình nâng cao trình độ cho người lao động nước ngoài ở các nước sở tại. Một báo cáo gần đây cho thấy ngành này đang thiếu hụt tới 60.000 lao động và khuyến nghị Canberra mở ra con đường nhập cư riêng cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực này, cũng như tăng lương cho người lao động nhằm thu hút lực lượng lao động bền vững.

Australia giúp đẩy mạnh việc gắn kết các doanh nghiệp logistics với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Australia thông qua chương trình Aus4Skills (Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực) đã đẩy mạnh việc gắn kết các doanh nghiệp logistics với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; giúp bảo đảm kỹ năng của sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong ngành logistics. 

Trong 4 năm, kể từ năm 2017, có hơn 5.300 sinh viên một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng lợi từ chương trình Aus4Skill thông qua việc nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Vào tháng 4 vừa qua, hai nước đã chính thức công bố giai đoạn tiếp theo của hoạt động hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam - chương trình Aus4Skills.

Dự án trị giá lên tới 13,8 triệu US Australia (tương đương 246 tỉ đồng), bắt đầu vào năm 2021 và sẽ mở rộng thành công mô hình gắn kết nói trên trong hơn 4 năm (2021-2025).

Dự án được thiết kế nhằm giúp Việt Nam nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - một yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao. Hoạt động hỗ trợ này tập trung vào logistics, một ngành được Việt Nam ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, ngành này được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 8 - 10% tổng thu nhập quốc dân. Đây cũng là ngành mà Australia có rất nhiều kinh nghiệm.

Nguồn: PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/australia-xem-xet-mo-rong-ho-tro-dao-tao-nghe-o-cac-nuoc-nam-va-dong-nam-a-179220924093846203.htm