Ảnh hưởng của bão số 3: Từ đêm 25/8 đến ngày 27/8, xuất hiện lũ trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa
Từ đêm 25/8 đến ngày 27/8, thượng lưu các sông suối Bắc Bộ, Thanh Hóa khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 2-5m, hạ lưu từ 1-3m. Cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa.
Bão số 3 gây mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, hiện nay 25/8 mưa dông đã xuất hiện rải rác phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, một số nơi có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa từ 3h đến 7h ngày 25/8 một số nơi trên 20mm như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 42.8mm, Vạn Hương (Hải Phòng) 24.1mm, Bản Sen (Quảng Ninh) 23.9mm…
Dự báo từ trưa, chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm, riêng Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 27/8, mưa lớn giảm trên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Cảnh báo mưa dông ở Tây Nguyên, Nam Bộ
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 25/8, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa to (mưa dông tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Khu vực Hà Nội: Từ chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 180mm.
Trung tâm này cảnh báo, mưa dông trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 26/8, từ ngày 27/8 mưa dông giảm dần.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 1.
Cảnh báo lũ tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa do ảnh hưởng của bão số 3
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa hiện đang biến đổi chậm.
Trung tâm này cảnh báo: Từ đêm 25/8 đến ngày 27/8, thượng lưu các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 2-5m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động báo động 1 – báo động 2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1. Mực nước đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1.
Cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả), Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.
Lũ là gì?
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống.
Khi nước sông lên cao (do mưa lớn hoặc/và triều cao), vượt qua khỏi bờ, chảy tràn vào các vùng trũng và gây ra ngập trên diện rộng trong một khoảng thời gian nào đó là ngập lụt.
Lũ được phân biệt thành các loại:
- Lũ nhỏ: là loại lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ vừa: là loại lũ có đỉnh lũ đạt mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ lớn: là loại lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ đặc biệt lớn: là loại lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc
- Lũ lịch sử: là loại lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.
Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.
Hậu quả của lũ lụt?
Theo Tổng cục khí tượng thủy văn, lũ lụt gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở những khu vực xuất hiện lũ lụt. Khi thảm họa này xảy ra, lượng nước lũ dâng cao bao phủ phần đất liền, mang theo cả bùn đất, chất thải công nghiệp lẫn sinh hoạt trong dòng nước lũ. Sau khi tràn vào đất liền, lượng nước lũ có khả năng dung nhập với nước sông, cũng có khả năng dung nhập vào nguồn nước sinh hoạt hoặc các nguồn nước khác.
Lũ lụt dẫn đến các loại bệnh cho con người. Do tình trạng ô nhiễm nguồn nước, người dân vùng lũ sẽ thiếu nguồn nước sinh hoạt, hoặc nước sinh hoạt đã bị nhiễm bẩn trong khi lũ dâng cao, tạo điều kiện cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan và phát tán nhanh chóng. Trong đó dịch tả và ghẻ lở là hai loại bệnh thường gặp nhất khi xảy ra hiện tượng lũ lụt.
Trong số các dạng lũ lụt, lũ quét là thảm họa điển hình gây ra con số thương vong cao nhất, cùng lúc cướp đi sinh mạng của nhiều người và cuốn trôi nhiều tài sản như hoa màu, nhà cửa, gia súc,..phá hoại cơ sở vật chất, giao thông đường bộ.
Nguyên nhân xuất hiện lũ
Lũ quét, lũ sông và lũ ven biển hình thành do mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn hoặc do sự kết hợp với các hình thái thời tiết theo mùa;
Các tác động của con người dẫn tới sự thay đổi bề mặt lưu vực làm giảm khả năng thoát nước của lưu vực và vùng bãi ngập lụt cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra lũ. Đê biển bị vỡ và nước biển dâng trong bão gây ra lũ ven biển.
Ngoài ra còn do:
Mưa lớn và mưa kéo dài (bao gồm cả ảnh hưởng của bão hoặc tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu).
Các công trình xây dựng ngăn cản dòng chảy tự nhiên (đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi...).
Đô thị hóa nhanh làm giảm sức hút nước của đất và hệ thống thoát nước không được qui hoạch tốt.
Vỡ đê hay vỡ đập.
Rừng bị chặt phá và bị huỷ hoại (đặc biệt là rừng đầu nguồn).
Đê biển bị vỡ và nước biển dâng trong bão gây ra lũ từ phía biển.
Biện pháp phòng tránh lũ lụt
Khi lũ lụt đã diễn ra, cần cố gắng giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất bằng cách di dời, di tản những hộ dẫn sống ven sông, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt. Cán bộ địa phương và người dân cấp nhật thường xuyên diễn biến mưa lũ qua phương tiện thông tin đại chúng.
Xây dựng hệ thống đê điều, kênh mương để kịp thời và ứng phó lâu dài với tình trạng lũ lụt. Cải thiện và nâng cao chất lượng đê, kè ven sông, đây là một trong những công tác chủ chốt và quan trọng nhất để phòng tránh thiên tai, lũ lụt.
Trồng rừng và cải tạo, bảo vệ rừng là một trong số công tác cấp thiết cần thực hiện tại thời điểm hiện tại, khi nạn phá rừng đang có xu hướng tăng cao và diễn biến phức tạp. Rừng mang lại nhiều tác dụng nhằm phòng tránh và giảm thiểu các hư hại do lũ lụt gây ra như: Giảm tốc độ nước đọng trên bề mặt đất, tăng cường dòng chảy ngầm cho lưu vực các con sông, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng xói mòn đất.