70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu đầu tiên vượt trùng dương ra Bắc

19:44 - 26/08/2024

Ngày 1/9 tới đây, Thành phố Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Thanh Hoá và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình trực tiếp về sự kiện 70 năm Hiệp định Genève và đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc…

70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu đầu tiên vượt trùng dương ra Bắc - Ảnh 1.

Cách đây 70 năm, được sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/10/1954, tại Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là điểm đầu tiên trên đất Bắc đón tiếp đồng bào miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Thanh Hoá - miền đất đầu tiên đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết

Hiệp định Genève (Thụy Sĩ) được ký kết ngày 20/7 năm 1954 nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia. Kể từ thời điểm này chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. 

Đây là kết quả ngoại giao của Việt Nam, kiên trì với chủ trương, đường lối hòa bình của Việt Nam nói riêng, Lào và Campuchia nói riêng. Với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp cực kỳ căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam cuối cùng hiệp định được ký kết. 

Ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở 3 nước và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Uyển chuyển nhưng quyết liệt trong đấu tranh ngoại giao để các nước phải thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Tuy nhiên chúng ta cũng nhận ra ý đồ của một vài nước lớn nên Hiệp định được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền qua vĩ tuyến 17. 

Các bên nhấn mạnh rằng dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời, 2 miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày, người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm Ba Lan, Ấn Độ và Canađa sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định…

Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận rõ âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, sớm muộn gì Chính quyền Ngô Đình Diệm cũng không thực hiện nghiêm túc Hiệp định, càng không tiến hành tổng tuyển cử tự do và dân chủ…

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chắc chắn không phải ngày một ngày hai mà có thể "5 năm 10 năm hoặc lậu hơn nữa" để thống nhất hai miền Nam Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một trong những nhiệm vụ chiến lược là đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh, sinh viên ra Bắc. 

70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu đầu tiên vượt trùng dương ra Bắc - Ảnh 2.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hoá. Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: VNE

Một trong những tuyến đường nhanh, thuận lợi là đi tàu biển ra Bắc điểm tập kết đón đồng bào được giao cho Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Thanh Hoá.

Vinh dự nhận nhiệm vụ to lớn này mà trên giao cho Thanh Hoá, ngay từ sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, Thanh Hoá đã khẩn trương bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ. Trong thời kỳ này đất nước ta nói chung, tỉnh Thanh Hoá nói riêng còn gặp không ít khó khăn, nhưng trên hết là thực hiện nhiệm vụ chiến lược, lại trực tiếp là nơi đầu tiên đón đồng bào miền Nam tập kết với tinh thần "Nam Bắc một nhà" tỉnh Thanh Hoá mà trực tiếp là xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn không quản ngày đêm dựng lán trại, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và các gia đình bà con nhân dân trong vùng thực hiện nhiệm vụ.

Cũng trong thời gian này, cơ sở y tế ở cơ sở dường như chưa có gì, vì thế lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá một mặt tăng cường cán bộ y tế về Sầm Sơn có thể đảm nhận được công việc sơ cứu ban đầu, mặt khác chuẩn bị điều kiện sơ sở, vật chất, y, bác sĩ (có thể) tại Nhà thương thị xã Thanh Hoá, cơ sở duy nhất tương đối ổn trong điều trị bệnh tật cho người dân của tỉnh Thanh Hoá, cách Sầm Sơn 16 km với tinh thần sẵn sàng không được để bất cứ thương bệnh binh, người dân, học sinh, sinh viên và các gia đình đồng bào miền Nam tập kết gặp hiểm nguy đến tính mạng.

Ngày 15/10/1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá, trực tiếp là xã Quảng Tiến đón chuyến tầu đầu tiên và đến ngày 1/5/1955 chuyến tàu cuối cùng cập Lạch Hới, Quảng Tiến (Sầm Sơn) đã có 56 ngàn 580 đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh, sinh viên, thương bệnh binh cùng các gia đình đã tập kết tại Sầm Sơn an toàn trong niềm vui, phấn khởi với tinh thần trách nhiệm cao của đồng bào Thanh Hoá

Từ đây, đồng bào miền Nam tập kết được bố trí về các tỉnh, thành miền Bắc sinh sống, học tập, công tác, chiến đấu cùng với quân dân cả nước sau 20 năm trường kỳ kháng chiến mới được về chung một nhà…

70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu đầu tiên vượt trùng dương ra Bắc - Ảnh 3.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về thăm địa điểm tập kết của đồng bào miền Nam. Ảnh: NVCC

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và niềm tự hào về miền quê Thanh Hoá

Nhân sự kiện 70 năm Sầm Sơn, Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết, có một trường hợp khá đặc biệt trên chuyến tàu rời cửa sông Ông Đốc, Cà Mau cuối năm 1954. Trên chuyến tàu này có một người phụ nữ là bà Lê Thị Lý (1932) quê ở Rạch Giá, cán bộ xứ đoàn Nam Bộ, cùng đứa con đầu mới 3 tuổi và đang mang thai con thứ hai. Bà Lý cùng con trai đầu và nhiều người dân Nam bộ bắt đầu những ngày vượt trùng khơi ra Bắc.

Đến Sầm Sơn, Thanh Hóa, một thời gian ngắn sau khi được bà con địa phương đón tiếp, bố trí nơi ăn ở, bà Lê Thị Lý chuyển dạ. Ngay lập tức nhân dân, cán bộ địa phương phân công người chăm sóc em bé 3 tuổi, rồi cử lực lượng khẩn trương đưa bà Lý lên cáng chạy bộ suốt 16 km đến nhà thương ở thị xã Thanh Hóa (nay là Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá). Tại đây, đứa con thứ hai của bà Lê Thị Lý chào đời trong niềm vui, phấn khởi của mọi người.

Khi biết được đây là sản phụ miền Nam vừa tập kết ra Sầm Sơn, từ lãnh đạo đến y, bác sĩ, hộ lý và những người làm việc tại cơ sở y tế này luôn dành sự chăm sóc chu đáo, tận tình như người thân trong nhà. Đứa bé ra đời trên đất Thanh Hóa sau một thời gian rồi cùng mẹ và người anh 3 tuổi được chuyển ra Hà Nội. Những năm tháng đón đồng bào miền Nam tập kết, những gia đình có người mang thai đều được đồng bào Thanh Hoá nói chung, Sầm Sơn nói riêng đưa đến nhà thương thị xã Thanh Hoá sinh nở. 

Đứa bé được sinh ra vào tháng 3/1955 của bà má miền Nam Lê Thị Lý chính là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. 

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn nuôi dưỡng niềm tự hào với sự ra đời khá đặc biệt, gắn với sự kiện lịch sử của đất nước, trong vòng tay của quân và dân Thanh Hoá. Anh luôn dành niềm mong nhớ, yêu thương với miền đất Thanh Hoá.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/70-nam-hiep-dinh-geneve-va-chuyen-tau-dau-tien-vuot-trung-duong-ra-bac-179240826194449707.htm