68% trẻ em Việt Nam từ 1-14 tuổi từng bị thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực
Sáng ngày 26/11, tại Trường phổ thông liên cấp Olympia đã diễn ra sự kiện The Orange Cup - Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Sự kiện The Orange Cup - Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em được tổ chức bởi Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam - UN Women phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao, Đại sứ quán Úc, dưới sự hỗ trợ thực hiện của Trường phổ thông liên cấp Olympia.
The Orange Cup được tổ chức nhằm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng về tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới trong xã hội hiện nay cũng như kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại sự kiện, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, phân biệt đối xử trên cơ sở giới về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất và là tội danh ít bị truy tố nhất.
"Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nghiên cứu quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2019 đã cho thấy những phát hiện đáng báo động. Cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người từng bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế do bạn tình gây ra trong đời, chiếm gần 63%. 90% trong số họ đã không tìm kiếm được sự trợ giúp", bà Rana Flowers thông tin.
Bà Rana Flowers cho rằng, thực trạng bạo lực với trẻ em cũng rất đáng lo ngại. Theo cuộc điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS), 68% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 1-14 đã từng bị các thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực.
Tuy nhiên, hành vi bạo lực đối với trẻ em vẫn chưa được báo cáo đầy đủ trong số liệu thống kê chính thức về các vụ việc. Cứ 5 trẻ em thì có một trẻ bị phạt về thể chất ở trường và cứ 3 trẻ em từ 1-14 tuổi thì có 2 trẻ bị phạt về thể chất hoặc tâm lý ở nhà. Những tình huống bạo lực này đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
"Phân biệt đối xử trên cơ sở giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận và cần phải chấm dứt ngay", bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Vũ Thị Thu Huyền - đại diện Ban Phụ nữ và thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, theo Hiến chương Olympic, một trong những vai trò của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) là: "Khuyến khích và ủng hộ sự tiến bộ của nữ giới trong thể thao ở tất cả các trình độ, trong tất cả các tổ chức nhằm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới".
Tinh thần ấy của IOC đã được lan tỏa tới các tổ chức thể thao quốc tế. Hầu hết các tổ chức đều có bộ phận chức năng chịu trách nhiệm về phụ nữ như Ban bóng đá nữ thuộc FIFA, Ban bóng đá nữ thuộc AFC...
"Trong lịch sử phát triển của thể thao Việt Nam, có quá nhiều cái nhất, cái đầu tiên là công lao của chị em phụ nữ. Thực tế đó khiến các nhà hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam đã phải đưa ra kim chỉ nam cho sự phát triển "lấy nữ làm chủ công".
Cùng với các vận động viên xuất sắc là những huấn luyện viên, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý thể dục thể thao với những cống hiến, đóng góp tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng đã góp phần tạo nên thành công của nền thể thao nước nhà", bà Vũ Thị Thu Huyền chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thu Huyền khẳng định, Ban Phụ nữ và thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách liên quan đến phụ nữ tham gia thể thao; lan tỏa những thông điệp tích cực về bình đẳng giới trong thể thao tại Việt Nam.
Sau những chia sẻ đến từ Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; Đại diện Ban Phụ nữ và thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam... sự kiện The Orange Cup được tiếp nối bởi trò chơi mang tên Đoàn kết.
Trò chơi được tổ chức dưới dạng tiếp sức để đưa bóng vào khung thành. Mỗi đội ghi được một bàn thắng sẽ nhận được một miếng ghép trên bức tranh thông điệp.
Các em học sinh cùng nhau tham gia trò chơi Đoàn kết. Ảnh: NA
Năm thông điệp mà ban tổ chức đưa ra đó là: Hãy nuôi dạy con trai và con gái bình đẳng; Không đổ lỗi cho người bị bạo lực; Im lặng là dung túng cho bạo lực; Tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; Bạo lực là không thể chấp nhận được.
Bốn đội tham gia trò chơi Đoàn kết gồm: Đội tôn trọng; Đội bảo vệ; Đội bình đẳng; Đội chia sẻ. Thành viên của các đội chơi là các em học sinh đến từ Trường phổ thông Liên cấp Olympia cùng các khách mời tham dự sự kiện.