58 năm chiến thắng Hàm Rồng: Tinh thần "Quyết Thắng" tạc vào lịch sử!
Một trong những sự kiện lịch sử mà lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam, quân dân Hàm Rồng – Nam Ngạn tỉnh Thanh Hóa làm nên kỳ tích như một huyện thoại đã diễn ra cách đây tròn 58 năm.
Câu chuyện dạy và học môn lịch sử bắt buộc hay không bắt buộc đã từng dậy sóng dư luận. Nhưng, những sự kiện lịch sử, di tích lịch sử luôn tồn tại, hiển hiện, nhắc nhớ mọi người về những gì mà các thế hệ cha anh đã đổ xương máu đánh đổi lấy hòa bình luôn là bài học còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.
Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, bằng lối đánh thông minh, sáng tạo, cả dưới đất và trên trời, với tinh thần "ngẩng cao đầu mà bắn", "bám thắt lưng địch mà đánh", lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của quân và dân ta ở khu vực Hàm Rồng- Nam Ngạn đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ. Đó là một chiến công hiển hách.
Cũng trong 2 ngày mưa bom, bão đạn ấy, trên bầu trời Hàm Rồng, 2 biên đội MiG 17 (én bạc) lần đầu không chiến đã lập công xuất sắc bắn cháy 4 máy bay Mỹ.
Càng khốc liệt bao nhiêu, tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của quân dân ta càng được nhân lên gấp bội, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức mạnh đó được biểu thị bằng 2 chữ "QUYẾT THẮNG" tạc vào sườn núi Cánh Tiên. Cả ngàn ngày căng mình chiếu đấu với kẻ thù, mỗi khi các cuộc đánh phá của máy bay địch ngừng nghỉ, quân và dân ngay tại trận địa phòng không tranh thủ nhặt từng viên đá xếp thành 2 chữ "QUYẾT THẮNG" với kích cỡ rất lớn mà đứng xa cả chục cây số vẫn nhìn thấy rõ.
Hai chữ "QUYẾT THẮNG" trên núi Cánh Tiên ngay cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử mà quân và dân nơi đây dựng lên như hứa với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời tuyên bố với kẻ thù rằng: Dân tộc Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, không chịu khuất phục trước bất kỳ đội quân xâm lược nào, luôn quyết đánh và quyết thắng!
Thời gian trôi đi, chiến tranh lùi xa, đất nước trải qua thời kỳ bao cấp, kinh tế nghèo nàn, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn đến độ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải chạy ăn từng bữa cho dân mà đỉnh cao của sự nhọc nhằn, gian nan, vất vả ấy là những năm 80 của thế kỷ 20. Thêm vào đó, thiên tai, bão lũ thường xuyên tàn phá để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với đời sống xã hội. Các công trình phục vụ sản xuất, công trình văn hóa, di tích lịch sử phục vụ đời sống tinh thần bị hư hỏng nặng, thậm chí thành phế tích.
Buồn thay, hình ảnh hai chữ "QUYẾT THẮNG" trên sườn núi Cánh Tiên bị mưa nắng hủy hoại gần như không còn gì. Từ xa không ai còn nhìn thấy "tinh thần quyết thắng sừng sững" được tạc vào sườn núi đâu nữa. Núi Cánh Tiên "cô đơn" chỉ còn cỏ cây phủ kín…
Chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965 - 3-4/4/1990), tỉnh Thanh Hóa quyết định phục dựng lại một số công trình ở khu vực Hàm Rồng, trong đó có 2 chữ "QUYẾT THẮNG" và giao cho Tỉnh đoàn Thanh Hóa thực hiện với kinh phí 23 triệu đồng. Một cơ quan chuyên làm công tác vận động quần chúng nay được giao nhiệm vụ chỉ đạo, phục dựng (đúng hơn là xây mới lại) nguyên mẫu 2 chữ "QUYẾT THẮNG" trên núi Cánh Tiên là công việc không hề đơn giản.
Những ngày đầu cuối quý 3 đầu quý 4 năm 1989, Ban thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa họp nhiều lần bàn kế hoạch thực hiện và cuối cùng giao nhiệm vụ cho tôi lúc đó là Thường vụ -Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn làm "Tổng chỉ huy công trình". Nói là tổng chỉ huy cho "oách" thực ra là chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ về việc đôn đốc, cập nhật tiến độ xây dựng để báo cáo.
Ban Thường vụ tỉnh đoàn chọn và quyết định giao cho Đội xây dựng 26/3 thuộc Công ty xây dựng 1 (nay là Tổng Công ty Cổ phần xây dựng Thanh Hóa) do ông Hoàng Văn Tuấn - Bí thư đoàn công ty, Đội trưởng Đội xây dựng 26/3 thực hiện. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng lại 2 chữ "QUYẾT THẮNG" đúng kiểu chữ (Thư viện tỉnh Thanh Hóa cung cấp ảnh), đúng kích cỡ ngày trước quân dân Hàm Rồng đã dày công dựng lên trên vách núi. Bất luận trong trường hợp nào công trình cũng phải hoàn thành trước ngày kỷ niệm 3-4/4/1990.
Nhận nhiệm vụ, tôi với anh Bùi Hữu Dược (nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ) thời điểm đó là cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn Thanh Hóa cùng đội trưởng Hoàng Văn Tuấn trèo lên núi Cánh Tiên (dốc khoảng 45 độ) tìm dấu tích.
Chúng tôi vô cùng bất ngờ và khâm phục đồng bào, dân quân tự vệ, bộ đội bảo vệ cầu Hàm Rồng làm nên 2 chữ "QUYẾT THẮNG". Bởi khi đặt thước đo trên dấu tích còn lại thì mỗi nét chữ có chiều rộng 2 mét, chiều dài 10 mét và độ dày 1 mét, tổng chiều dài toàn bộ 2 chữ "QUYẾT THẮNG" hơn 100 mét. Lúc đó chúng tôi sơ bộ tính toán phải dùng trên dưới 500 mét khối đá để xây dựng lại.
Vượt lên tất cả khó khăn gian khổ, tập trung 40 lao động và có sự chi viện hết sức nhiệt tình của cán bộ, nhân viên trạm phát sóng thuộc Đài Phát thanh- Truyền hình Thanh Hóa (cụ thể là bộ phận thường trực trên đỉnh núi Cánh Tiên), công trình xây dựng lại "ý chí quyết thắng" đã về đích trước ngày kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Kể từ năm đó nhiều người về với xứ Thanh lại có thể đắm mình vào không gian di tích danh thắng Hàm Rồng nổi tiếng, gắn với chiến công hiển hách, gắn với tinh thần yêu nước, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam.
Thời gian lại qua đi, không chờ đợi ai. Khoảng 10 năm trở lại đây, 2 chữ "QUYẾT THẮNG" được khoác trên mình hệ thống chiếu sáng vào ban đêm. Tuy nhiên, cùng với thời gian và công nghệ lạc hậu nên hình ảnh hiện tại của 2 chữ "QUYẾT THẮNG" cũng không còn hấp dẫn du khách và người dân xứ Thanh mỗi khi đến vùng thắng tích Hàm Rồng. Từ đó cũng thấy hình ảnh chưa tương xứng với "tinh thần quyết thắng", sự hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân. Và rồi, nhiều người vì cuộc sống bộn bề đã quên dần những chiến công của cha anh trong lịch sử. Đó là sự thật đang diễn ra…
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta được tạc vào lịch sử. Nhưng để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau, để tiếp tục ghi dấu ấn vào lịch sử - trước hết là trong tình cảm và tư duy của lớp trẻ, công tác tu bổ di tích phải được quan tâm thường xuyên.
Trong một lần gặp gỡ báo chí gần đây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân, cho biết: "Lãnh đạo thành phố rất tường tận về vấn đề này và sẽ có phương án chỉnh trang. Không chỉ chỉnh trang 2 chữ "QUYẾT THẮNG" mà cả cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Long và các điểm di tích khác trong khu vực danh thắng Hàm Rồng với công nghệ hiện đại, hình thức đẹp. Có như thế hình ảnh Hàm Rồng mới xứng đáng là điểm du lịch hấp dẫn, giáo dục truyền thống mà du khách thập phương không thể bỏ qua mỗi lần về với xứ Thanh…"
Tôi hy vọng là vậy!
Tuy nhiên, cũng cần quan tâm một vấn đề không kém phần quan trọng là: Dù việc phục dựng, tu bổ di tích để giáo dục truyền thống, phát triển du lịch là cần thiết, nhưng phải hết sức tiết kiệm, chi tiêu có hiệu quả trong điều kiện có thể. Bởi lẽ, cha anh chúng ta đã hy sinh để có ngày hôm nay, sẽ không cho phép chúng ta hoang phí khi đất nước đang còn nghèo.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/58-nam-chien-thang-ham-rong-tinh-than-quyet-thang-tac-vao-lich-su-179230403152205913.htm