10 nét nổi bật về công tác khuyến học, khuyến tài năm 2022
Phương châm hành động của cả hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam trong năm 2022 là đề cao sự nhiệt huyết tận tụy, gương mẫu trách nhiệm, khả năng vượt qua khó khăn, có tư duy đổi mới, năng động sáng tạo, thích ứng kịp thời, cầu thị học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ, uống nước nhớ nguồn, đồng tâm tiến bước.
Năm 2022 là năm đầu các cấp Hội Khuyến học cả nước bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Khuyến học Việt Nam khóa 6 trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Đây cũng là năm đổi mới căn bản tư duy làm khuyến học, khuyến tài, xác định các trọng tâm trọng điểm rất sớm và triển khai đồng bộ, theo chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.
Công tác khuyến học, khuyến tài đổi mới, hướng trọng tâm về cơ sở với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước. Thực hiện khuyến học, khuyến tài từ trong nhận thức, xác định rõ ràng tầm quan trọng của chấn hưng và phát triển giáo dục trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm nòng cốt.
Phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, thâm nhập tới các cộng đồng dân cư, địa bàn, tổ chức, nhất là địa bàn xã, phường..., được cán bộ và nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Công dân học tập, xã hội học tập trở thành mô hình giáo dục tất yếu phải xây dựng như việc xây dựng con đường tri thức đưa dân tộc Việt Nam phát triển vươn ra trường quốc tế và hướng tới tương lai.
Có thể khẳng định, năm 2022 công tác khuyến học, khuyến tài đã có nhiều kết quả đáng tự hào, tập trung ở 10 nét nổi bật:
1.Tổ chức thực hiện kịp thời Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2021 – 2026 nghiêm túc, hiệu quả, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động của Hội
Sau Đại hội Khuyến học Việt Nam vào tháng 12/2021, ngay từ đầu năm 2022, hệ thống khuyến học cả nước đã bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện 10 nhiệm vụ Đại hội toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Đẩy mạnh việc phát triển tổ chức hội và hội viên theo hướng tiếp tục tăng về số lượng và nâng cao năng lực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị trên cơ sở hoàn thiện và nâng cao chất lượng các mô hình học tập. Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2025.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về các văn kiện của Đảng và Nhà nước có nội dung xây dựng xã hội học tập, trên cơ sở đó tham mưu với cấp ủy và chính quyền các cấp có các chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc triển khai Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập cấp huyện và tỉnh, xúc tiến việc xây dựng mô hình huyện học tập, tỉnh học tập.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc triển khai các phong trào xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã theo các bộ tiêu chí đánh giá giai đoạn 2016 - 2020 có bổ sung các chỉ số đánh giá mới và cuộc vận động xây dựng mô hình công dân học tập.
Phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, mang lại hiệu quả cao của các suất học bổng cho học sinh, sinh viên, của các phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó, hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiếp tục mở rộng việc ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành và đoàn thể, tạo ra một liên minh các lực lượng gắn kết, chia sẻ và thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đẩy mạnh việc học tập gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tư tưởng lấy tự học làm cốt, học không bao giờ cùng thông qua những hội nghị, hội thảo về xây dựng các mô hình học tập, về phương thức học tập mọi lúc mọi nơi trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Phát triển các hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển xã hội học tập, kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập, thành phố học tập.
Tham gia đầy đủ và tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thực hiện trách nhiệm xã hội của một hội quần chúng có tính chất đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
2.Tham mưu, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kết luận 120/KL-BTGTW, tập trung triển khai Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư; ký chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương
Hội Khuyến học Việt Nam đã tham mưu, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất ban hành Kết luận 120/KL-BTGTW, tập trung triển khai đồng bộ và có chiều sâu Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Năm 2022, thực hiện Kết luận 49-KL/TW, Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành các hành động cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, nhận thức của các cấp ủy đảng, của đảng viên về công tác khuyến học.
Trung ương Hội đã Ký kết Chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương, nhằm tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tổ chức Đảng trực thuộc 2 Đảng ủy Khối; nâng cao trách nhiệm của đảng viên, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy gương mẫu thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư. Các tổ chức Đảng thuộc 2 Đảng ủy khối đã và đang tiến hành thành lập tổ chức khuyến học, xây dựng "Đơn vị học tập" trong các cơ quan, đơn vị và giao trách nhiệm cho đảng viên, cấp ủy phấn đấu xây dựng mỗi đảng viên là một "Công dân học tập".
Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương xây dựng các chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập, lồng ghép trong chương trình sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; coi đây là giải pháp đổi mới công tác đảng trong sinh hoạt chi bộ của toàn Đảng bộ Khối; Vận động cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối tích cực tự nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự học, về học tập suốt đời; Phát hiện, biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập, năng động, sáng tạo, có sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả trong công việc khuyến học, khuyến tài và xây dựng Đảng, vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.
3.Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ Ban hành và triển khai Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg; Ban hành và tổ chức tập huấn Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình học tập bằng phương pháp số hóa
Từ thực tế hoạt động của các cấp hội khuyến học cả nước và yêu cầu mới của nhiệm vụ bồi dưỡng nguồn nhân lực quốc gia, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Quyết định 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 – 2030"; Quyết định 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030".
Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 có mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong các thành phần kinh tế, tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai sâu rộng, có hiệu quả các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Quyết định số 677/QĐ-TTg nhằm mục tiêu thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả... trên cơ sở hình thành mô hình "Công dân học tập"; Khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.
Từ 2 quyết định này, Hội Khuyến học Việt Nam đã ban hành 2 bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá công nhận danh hiệu "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030 bằng phương pháp số hóa theo chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, Hội đã phối hợp với Trường Đại học Mở xây dựng và triển khai bộ công cụ phần mềm đánh giá, cho điểm công nhận "Công dân học tập", tập huấn tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam cho 63 hội khuyến học tỉnh, thành theo tinh thần số hóa.
4. Tăng cường và đổi mới thông tin tuyên truyền; Ra mắt Tạp chí Công dân và Khuyến học - Cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam
Năm 2022, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương sáng, cách làm hay ngay từ cơ sở về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã ký chương trình phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời ra mắt Tạp chí Công dân và Khuyến học nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 25/2/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho Tạp chí Công dân và Khuyến học – cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam, diễn đàn của 22 triệu hội viên khuyến học trên cả nước.
Ngày 1/3/2022, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã ký quyết định thành lập Tạp chí. Ngày 16/6/2022, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã làm lễ ra mắt và chính thức hòa mạng internet quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam.
Tạp chí Công dân và Khuyến học sau hơn nửa năm hoạt động đã hòa vào dòng chảy báo chí Việt Nam với vị thế chuyên nghiệp, nhân văn và đa dạng, bước đầu góp phần tuyên truyền có hiệu quả về sự nghiệp khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn mới.
5. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo về công tác khuyến học tại Hội nghị Báo cáo viên toàn quốc với hơn 1.700 điểm cầu và trên 50 ngàn người tham dự
Ngày 6/4/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022 bằng hình thức trực tuyến với hơn 1.700 điểm cầu với trên 50 ngàn người tham dự trên cả nước.
Hội nghị đã nghe GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thông tin chuyên đề "Những kết quả chủ yếu trong công tác khuyến học thời gian qua và vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Hội Khuyến học các cấp thời gian tới".
Đây là lần đầu tiên, tinh thần khuyến học, khuyến tài cũng như các vấn đề quan trọng của sự nghiệp khuyến học thông qua hình thức trực tuyến cùng lúc lan tỏa đến hơn 50 ngàn báo cáo viên cả nước với 1.700 điểm cầu.
6. Tổ chức Hội thảo quốc gia "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua các mô hình học tập" và Hội nghị đề xuất Thủ tướng phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập"
Ngày 24/5/2022, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc gia "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình công dân học tập".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 tỉnh thành trên cả nước bàn về chủ đề: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập". Thông qua hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia phân tích làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội thông qua 2 mô hình: "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập". Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa trong việc xác định và tập trung vào 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Ngày 10/5/2022, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác thi đua trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận 5 vấn đề chính, gồm: Sự cần thiết của việc phát động phong trào thi đua mang tính quốc gia về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thảo luận về tên của phong trào; thảo luận về nội dung phong trào và thời gian phát động phù hợp. Hội nghị đã thống nhất cao đề xuất Thủ tướng phát động Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập".
7. Thống nhất trao học bổng "Học không bao giờ cùng" trong phạm vi cả nước; Tổng kết trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ XVI và phát động giải thưởng lần thứ XVII
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thống nhất, từ năm 2023, lễ trao học bổng "Học không bao giờ cùng" sẽ tổ chức trong phạm vi cả nước. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa, tăng cường phong trào thi đua học tập, góp phần hỗ trợ và động viên kịp thời các nhân tố học tập thường xuyên và học tập suốt đời, học không bao giờ cùng theo lời dạy của Bác Hồ.
Bên cạnh học bổng 'Học không bao giờ cùng", năm 2022 hệ thống Hội Khuyến học cả nước tiếp tục tăng cường có hiệu quả công tác phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị trao nhiều loại học bổng cho học sinh sinh viên.
Với chủ đề "Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo" giải thưởng nhằm: Phát hiện, tôn vinh, cổ vũ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tài năng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ có sản phẩm khoa học, các cá nhân tự học, tự nghiên cứu, có sáng kiến, sáng tạo đóng góp vào sự phát triển của địa phương và đất nước; Khuyến khích, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vì một Việt Nam phát triển bền vững; Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
8. Tổ chức chương trình "Hành trình đỏ" tri ân các anh hùng liệt sĩ và trao học bổng cho con em gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ
Tháng 8/2022, Đoàn công tác Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện "hành trình đỏ" về các tỉnh miền Trung. Đoàn đã đến viếng khu Di tích lịch sử hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, di tích tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc… Đoàn dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, đoàn công tác đã trao học bổng cho con em gia đình chính sách nhằm khuyến học, khuyến tài, tri ân các gia đình có công với cách mạng.
9. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, đoàn kết, hợp tác hữu nghị với các nước trong quá trình hội nhập
Trong năm 2022, Hội Khuyến học Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế như Unesco, các tổ chức giáo dục các nước Đông Nam Á, các nước Châu Á, Châu Âu; Tham gia tích cực các hoạt động do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, làm việc với tổ chức Shinnyo-en Nhật Bản phát triển quỹ khuyến học…
Hội đã trao học bổng cho sinh viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia nhân kỷ niệm ngày truyền thống, hữu nghị hợp tác với 2 nước.
Ngày 25/8/2022, Hội Khuyến học Việt Nam cùng Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam tổ chức trao học bổng cho 100 sinh viên Campuchia xuất sắc đang học tập tại Việt Nam.
Ngày 30/11/2022, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam tổ chức trao tặng học bổng cho 200 học sinh, sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam.
Đây là hoạt động đối ngoại của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia. Thông qua các mô hình học tập và sự hợp tác quốc tế, Hội Khuyến học Việt Nam mong muốn tất cả những người học tập trên đất nước Việt Nam trở thành công dân học tập. Đó là yếu tố cốt lõi nhất để mỗi quốc gia phấn đấu trở thành đất nước giàu có, hội nhập, có trí tuệ học tập, phát triển và văn minh.
10. Quỹ Khuyến học các cấp trên cả nước đạt số dư trên 4.000 tỉ đồng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, hỗ trợ học tập cho người lớn
Năm 2022, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tiếp nhận gần 5 tỉ đồng từ các tổ chức cá nhân ủng hộ và chi trên 7 tỉ đồng để trao học bổng, đỡ đầu 20 học sinh mồ cha mẹ vì COVID-19, các học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, người lớn tự học có hoàn cảnh khó khăn…
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã trực tiếp trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập xuất sắc tại Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hầu hết các hội khuyến học địa phương duy trì và sáng tạo trong công tác gây quỹ khuyến học, khuyến tài, bình quân đạt gần 50 ngàn đồng mỗi người dân. Quỹ thu hút nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân phục vụ sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, khuyến khích động viên các tầng lớp nhân dân học tập, học mọi lúc mọi nơi, cũng có nhiều kết quả.
Quỹ Khuyến học Việt Nam và quỹ khuyến học của các cấp Hội các tỉnh thành, quận, huyện, cơ quan, đơn vị, dòng họ… hoạt động rất thiết thực, huy động sự đóng góp tích cực với số lượng tài chính của rất nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị cả trong nước và kiều bào nước ngoài. Các quỹ khuyến học các cấp đã huy động hàng trăm tỉ đồng và đã trao quà, học bổng cho rất nhiều cá nhân học sinh sinh viên, người lớn tự học.
Nhiều địa phương có các loại quỹ mang tên danh nhân văn hóa, nhà cách mạng lão thành… ra đời và hoạt động sôi nổi nhằm giáo dục truyền thống, xây đắp lý tưởng, bồi dưỡng nhân tài. Tính đến cuối tháng 12/2022, Quỹ Khuyến học các cấp trên cả nước đạt số dư trên 4000 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ, động viên học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, học sinh gặp khó khăn vươn lên trong học tập, người lớn tự học thành tài.
Đây là nguồn lực xã hội với nòng cốt là hội khuyến học các cấp, đã góp phần vào sự nghiệp khuyến học khuyến tài trên cả nước.
Có thể nói năm 2022 trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 với rất nhiều khó khăn, nhưng Hội Khuyến học Việt Nam đã đổi mới căn bản tư duy làm khuyến học, khuyến tài, xác định các trọng tâm trọng điểm rất sớm và triển khai đồng bộ, theo chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương theo hướng hướng trọng tâm về cơ sở với nhiều cách làm mới, thiết thực, hiệu quả…
Hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam tin tưởng rằng những thành tích đạt được trong năm 2022 sẽ được tiếp nối, phát huy và nâng cao hơn nữa trong năm 2023.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/10-net-noi-bat-ve-cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai-nam-2022-179221226142313695.htm