Xung đột Nga - Ukraine: Liệu có thể có đàm phán hoà bình?

12:26 - 27/11/2022

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước vào tháng thứ 10, hai bên tham gia dường như đang ở trạng thái không thắng, chẳng thua. Cả hai bên đều đã đưa ra những tín hiệu cho thấy sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh với một số điều kiện nhất định.

Xung đột Nga - Ukraine: Liệu có thể có đàm phán hoà bình? - Ảnh 1.

Trong những tháng qua, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu hai bên tham chiến đi vào đàm phán
để kết thúc xung đột. Ảnh minh họa, nguồn: showmetech.com.br

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, "Nga luôn sẵn sàng lắng nghe đồng nghiệp phương Tây xem có yêu cầu tổ chức một cuộc đối thoại không".

Trong khi đó Tổng thống Ukraine Zelenskyi cho biết Ukraine sẵn sàng tiến hành "đàm phán hoà bình thực sự" với Nga. Ông còn nói: "Cần dừng ngay hành động xâm lược của Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ (của Ukraine) và buộc Nga phải "đàm phán hoà bình thực sự". Ông nói rõ những điều kiện cần thiết để tiến hành đàm phán là: "Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, đề bù mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra, trừng phạt mọi tội phạm chiến tranh và đảm bảo chiến tranh sẽ không lặp lại nữa". Và "đây là những điều kiện hoàn toàn có thể hiểu được".

Với nhiều người, những phát biểu này tạo ra bầu không khí lạc quan về một cuộc đàm phán có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy.

Trong những tháng qua, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu hai bên tham chiến đi vào đàm phán để kết thúc xung đột. Tuy vậy, nhiều người trong số này không chú ý đến đàm phán đã bắt đầu như thế nào và diễn biến của cuộc xung đột trên chiến trường. Hơn nữa, những lời kêu gọi này còn không để ý đến tầm quan trọng địa chính trị của Ukraine trong chiến lược của Mỹ và phương Tây.

Nếu cuộc xung đột diễn biến như kỳ vọng ban đầu của Nga, Kyiv bị chiếm giữ trong vài ngày thì việc Ukraine phải tiến hành đàm phán với Nga là điều có thể hiểu được. Cũng như vậy, nếu diễn biến tình hình tiếp tục thuận lợi cho Nga thì Ukraine đàm phán với Nga cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tình hình đã không hẳn như vậy. Ukraine không những không thua trận mà còn tiến hành cuộc phản công ở Kherson và Kharkiv ở miền nam và đông của Ukraine vào đầu tháng Chín. Cho đến nay, Ukraine đã giành lại được hơn 6.000 ki-lô-mét vuông bị Nga chiếm đóng. Ở Kherson, quân Nga đã rút khỏi phía tây sông Dnipro. Trong tương lai, Nga chắc chắn sẽ tìm cách giành lại vùng đất này, do vậy kết cục của cuộc xung đột vẫn còn chưa rõ.

Do diến biến của tình hình vẫn còn chưa dứt khoát theo hướng nào nên đàm phán thực sự là điều không thể. Điều này đúng trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Chiến tranh kéo dài hơn bốn năm và mặt trận phía tây không dịch chuyển nhiều và do vậy đã không có đàm phán thực sự vì các bên tham chiến đều cho rằng mình sẽ thắng. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các nước đồng minh và các nước trục Phát-xít cũng không tiến hành đàm phán cho đến khi các nước trục Phát-xít thấy mình đã thua cuộc. Tương tự như vậy, Mỹ chỉ đồng ý tiến hành đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1968 khi thấy rằng mình không thể thắng được cuộc chiến và buộc phải rút quân.

Tuy nhiên, tình thế thắng hay không thể thắng trong xung đột Nga - Ukraine là chưa rõ ràng. Mục tiêu ban đầu của Nga là lật đổ chính phủ Ukraine và thay thế bằng chế độ thân Moscow đã không đạt được. Sau khi sáp nhập bốn tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine vào lãnh thổ Nga, mục tiêu hiện nay của Nga là giữ bốn tỉnh và Crimea. Mục tiêu này cũng đang bị lung lay vì cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, Nga cũng đang tìm cách giành lại đất đã mất. Nga đã tiến hành "động viên một phần" 300.000 lính nhằm mục tiêu này. Trước mắt Nga sẽ tiếp tục dùng pháo và tên lửa tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, dồn Ukraine vào thế chân tường và chấp nhận đàm phán.

Nếu chiếm lại được Kherson, Nga sẽ kiểm soát được Odessa và Biển Đen của Ukraine. Ngược lại nếu giành lại được Kherson, Ukraine sẽ dễ dàng mở đường tấn công Crimea, điều mà Ukraine mong muốn lâu nay. Diễn biến chiến sự còn rất phức tạp và trong thời gian trước mắt hai bên chắc chắn sẽ chưa thể có đàm phán hoà bình, khi cán cân lực lượng chưa nghiêng hẳn sang bên nào.

Cho đến thời điểm này, Mỹ và phương Tây vẫn dùng Ukraine để làm suy yếu Nga, thông qua hỗ trợ vũ khí, thông tin tình báo và tổ chức huấn luyện. Tuy nhiên, liệu giúp đỡ này có tiếp tục sau khi Ukraine đã giành lại được một phần lãnh thổ của mình đã bị sáp nhập vào Nga thì chưa rõ. Nhiều người cho rằng bước tiến tiếp theo của Ukraine là tấn công Crimea và bước tiếp theo của Nga rất có thể là tấn công hạt nhân chiến thuật trong trường hợp bị dồn vào phía chân tường. Trước phản ứng như vậy, Mỹ và phương Tây phải tính lại việc ủng hộ Ukraine của mình, vì các nước này từ trước đến nay không muốn xung đột mở rộng hơn và khốc liệt hơn.

Về ngắn hạn, ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây cho Ukraine sẽ vẫn tiếp tục, nhưng về dài hạn, tình hình phức tạp hơn nhiều. Ở Mỹ, đã có một bộ phận lớn dư luận cho rằng Mỹ đã chi tiêu quá nhiều ở Ukraine. Hạ viện do đảng Cộng hoà kiểm soát sau bầu cử giữa kỳ cũng sẽ buộc Biden phải tính toán lại. Và lẽ dĩ nhiên, Biden còn phải lắng nghe những đảng viên cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đang lớn tiếng đòi phải có giải pháp thông qua đàm phán.

Dù sao chăng nữa, đàm phán cũng chưa thể được tiến hành trong ngày một ngày hai, vì cả hai bên chưa đạt được mục tiêu hay một phần mục tiêu của mình và chưa có chiến thắng quyết định. Có những ý kiến cho rằng phải qua mùa đông thì hai bên mới có thể có những thay đổi để tiến đến đàm phán hoà bình. Trong khi đó, không có đàm  phán, chiến tranh sẽ vẫn tiếp tục.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xung-dot-nga-ukraine-lieu-co-the-co-dam-phan-hoa-binh-17922112712264232.htm