Xu thế phát triển các trung tâm học tập cộng đồng và tiêu chí đánh giá giai đoạn 2021-2030
Trung tâm học tập cộng đồng là "trường học nhân dân", một loại hình trường dành cho người lớn, đa mục tiêu, nhiều chương trình đào tạo, nhiều phương pháp chuyển tải tri thức và kỹ năng cho người học. Vì nó gắn với đời sống của người dân nên việc chăm lo cho nó phải được nhà nước có chính sách ưu tiên.
Trong các thiết chế giáo dục, kể cả giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy, trung tâm học tập cộng đồng là một loại hình giáo dục dành cho người lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất. Chỉ sau một thập niên, từ một số rất ít những trung tâm được xây dựng thí điểm đã trở thành một hệ thống đào tạo gắn với cộng đồng, đạt tỷ lệ trên 80% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Vài năm tiếp theo, loại hình thiết chế giáo dục này đã gần như phủ kín mọi địa bàn hành chính cấp xã. Tốc độ phát triển các trung tâm học tập cộng đồng nhanh hơn việc hoạch định các chính sách ứng xử với nó, vì thế, nhiều trung tâm được nhân dân dựng nên đã gặp khó khăn rất nhiều về tài chính, về nhân lực, nhưng hầu như, xét về tổng thể, hệ thống trung tâm vẫn hoạt động và sinh sống gắn vào đời sống dân cư trong cộng đồng và phát huy tác dụng tốt.
Trong giai đoạn 2021-2030, việc đổi mới các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng là cấp thiết bởi hoạt động phục vụ nền kinh tế dựa vào vốn và lao động chuyển sang phục vụ nền kinh tế dựa vào tri thức. Điều đó có sự khác biệt về nguyên tắc trong phát triển các trung tâm học tập cộng đồng.
Đánh giá một cách khái quát, ta có thể thấy trung tâm học tập cộng đồng ở các quốc gia đều có chung đặc điểm là thiết chế giáo dục không chính quy phục vụ việc học tập thường xuyên của người lớn, nhất là những lao động có việc làm, đang cần có những kiến thức mới, kỹ năng mới để họ tạo ra năng suất lao động cao hơn, chất lượng sản phẩm làm ra tốt hơn. Song, nó cũng đáp ứng yêu cầu làm việc của những người lớn chưa tìm kiếm được việc làm hoặc đang trong tình trạng thất nghiệp. Việc học hành của họ là có được những hiểu biết và kỹ năng nào đó để kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Trung tâm học tập cộng đồng bảo đảm cho người dân trong cộng đồng được bình đẳng xã hội trong tiếp cận các chương trình học và công bằng xã hội về điều kiện học tập tại trung tâm. Bình đẳng giới trong học tập là một yêu cầu đặt ra một cách rất nghiêm túc trong việc tổ chức các lớp học, khóa học tại trung tâm.
Trung tâm học tập cộng đồng luôn hướng đến mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là người dân ở nhóm yếu thế, thực hiện được việc học tập suốt đời ngay trong cộng đồng dân cư ở cấp hành chính cơ sở. Người dân học ngay trong cộng đồng, khắc phục được nhưng khó khăn về địa lý. Họ phải tranh thủ học ngoài 8 giờ hoặc nhiều hơn trong một ngày mà họ dùng vào việc kiếm sống. Mặt khác, với khoảng cách xa từ nhà hay từ nơi làm việc tới cơ sở học tập không thuận lợi, có khi còn phải có chi phí giao thông thì nhiều người sẽ bỏ cuộc. Trung tâm học tập cộng đồng phải mang tri thức đến người dân, không để người dân phải vất vả đi tìm tri thức thì mới thực hiện được phương châm "Giáo dục/học tập suốt đời cho mọi người".
Trong xu thế phát triển kinh tế tri thức, với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia đều chủ trương hiện đại hóa trung tâm học tập cộng đồng. Nhìn chung, người ta đều đầu tư xây dựng trung tâm học tập cộng đồng bằng nhiều nguồn lực, trong đó sự hỗ trợ tài chính cho cộng đồng dân cư xây dựng trung tâm học tập cộng đồng là vô cùng cần thiết.
Về thực chất, trung tâm học tập cộng đồng là "trường học nhân dân", một loại hình trường dành cho người lớn, đa mục tiêu, nhiều chương trình đào tạo, nhiều phương pháp chuyển tải tri thức và kỹ năng cho người học. Vì nó gắn với đời sống của người dân nên việc chăm lo cho nó phải được nhà nước có chính sách ưu tiên.
Sự phát triển các trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam
Tại Điều 46, mục 5 "Giáo dục thường xuyên" của Luật Giáo dục 2005 đã ghi "Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên, được tổ chức tại xã, phường, thị trấn". Đến Luật Giáo dục (sửa đổi) 2018, nội dung này không thay đổi.
Mục đích của trung tâm học tập cộng đồng là tạo ra nhưng cơ hội học tập cho mọi người dân nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và phát triển nguồn nhân lực cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng theo phương châm "cần gì học nấy", giáo dục suốt đời cho mọi người.
Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên ở cơ sở nhằm thực hiện phương châm ai cũng được học hành, ai cũng có thể tham gia vào công việc giáo dục và học tập tại cộng đồng.
Trung tâm học tập cộng đồng được hiểu là một loại hình "trường học nhân dân" được tổ chức do cộng đồng, hoạt động vì cộng đồng, là tài sản của cộng đồng, là cơ sở đào tạo không chính quy, phi lợi nhuận, góp phần xây dựng nhân lực tại chỗ của cộng đồng.
Chức năng của trung tâm học tập cộng đồng
Chức năng giáo dục và huấn luyện, đào tạo tại trung tâm học tập cộng đồng có nhiều chương trình học tập khác nhau, ngay từ khi thành lập, những chương trình sau đây được thực hiện thường xuyên: Xóa mù chữ cơ bản cho thanh niên và người lớn; chương trình học dành cho trẻ thất học; chương trình tương đương (bổ túc văn hóa tiểu học, trung học cơ sở); chương trình tạo thu nhập (dạy nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...); chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống (vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, chống tệ nạn xã hội...); chương trình giáo dục chính sách và pháp luật.
Chức năng thông tin và tư vấn giúp ích cho người dân rất nhiều thông qua những công việc: Tổ chức các cuộc họp phổ biến thông tin thời sự, những tiến bộ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; giới thiệu sách mới đáp ứng nhu cầu học tập; tư vấn cho người dân về hướng phát triển sản xuất; xây dựng bảng tin hằng tuần.
Chức năng liên kết, phối hợp trong phạm vi địa bàn xã, phường, thị trấn, lực lượng mà lãnh đạo trung tâm học tập cộng đồng rất cần sự liên kết các hội khuyến học, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, cựu giáo chức, cựu chiến binh... để duy trì và phát triển hoạt động học tập tại trung tâm.
Ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., lực lượng Bộ đội Biên phòng đã góp sức rất nhiều cho việc học ở cộng đồng. "Thầy giáo quân hàm xanh" là một danh hiệu mà người dân phong cho các sĩ quan và chiến sĩ Bộ đội Biên phòng có nhiều đóng góp cho hoạt động học tập của người dân tại cộng đồng.
Chức năng phát triển cộng đồng, tổ chức các hoạt động học tập có mục đích nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xây dựng lối sống mới trong cộng đồng: Phổ biến các phương pháp dưỡng sinh, các kiến thức dùng thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng; tổ chức trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về sản xuất, giữ gìn môi trường sống trong thôn xóm, tổ dân phố và một số chủ đề như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học (giai đoạn trước 2010) và gia đình học tập, dòng họ học tập... (giai đoạn sau 2010); hỗ trợ một số dự án phát triển nông thôn như xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng trẻ em, xây dựng quỹ khuyến học, vay vốn sản xuất.
Các giai đoạn phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam
Từ khi xây dựng thí điểm những trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên cho đến nay, có thể chia thành 2 giai đoạn phát triển:
Giai đoạn 1998-2010 khởi đầu và tìm kiếm cách tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền trong cả nước.
Quá trình nghiên cứu về cấu trúc nội tại và các hình thức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với từng địa phương.
Dựa trên mô hình khung về trung tâm học tập cộng đồng do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất, nhiều hội khuyến học địa phương đã tiến hành đề tài triển khai mô hình khung này.
Dựa trên mô hình khung này, nhiều hội khuyến học địa phương đã thực hiện một cách sáng tạo các mô hình trung tâm học tập cộng đồng.
Ở các thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) thường xây dựng trung tâm học tập cộng đồng theo khu phố, phù hợp với nhu cầu học hành hết sức đa dạng của dân cư sống theo các nghề buôn bán, kinh doanh, nghề tự do trên đường phố, nghề dịch vụ đa dạng, đa lĩnh vực và người nội trợ.
Ở các tỉnh đồng bằng thường có mô hình trung tâm học tập cộng đồng nông thôn và đô thị.
Ở các vùng núi, vùng đồng bào thiểu số có mô hình trung tâm học tập cộng đồng miền núi và vùng đồng bằng. Có trung tâm học tập cộng đồng dạy học riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Có 24 cán bộ cốt cán của các hội khuyến học địa phương đã nghiên cứu về các loại hình trung tâm học tập cộng đồng.
Ở đây, xin chỉ dẫn ra một vài đóng góp có tính chất minh họa về kết quả nghiên cứu mô hình trung tâm học tập cộng đồng.
Vốn là những người đang có nhu cầu học, đồng thời lại sẵn tinh thần hiếu học, người dân tự nguyện bắt tay vào hệ thống trung tâm học tập cộng đồng rất tự giác.
Vào cuối năm 1999, cả nước mới có 20 trung tâm học tập cộng đồng do UNESCO và Nhật Bản hỗ trợ tài chính. 8 năm sau (2008), số trung tâm đã lên tới 9.010. Trên 80% đơn vị hành chính cấp xã ở thời điểm đó đã có trung tâm học tập cộng đồng.
Theo Quyết định 112/2205/QĐ-TTg, 18/5/2005 về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 đã ấn định chỉ tiêu tới năm 2010 có 80% xã, phường, thị trấn xây dựng và sử dụng được các trung tâm học tập cộng đồng, nhân dân đã vượt mức kế hoạch do Nhà nước giao.
Khó khăn ban đầu trong quản lý, điều hành hệ thống trung tâm học tập cộng đồng
1. Khó khăn đầu tiên mà hầu như các trung tâm học tập cộng đồng còn non trẻ phải đối đầu là tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Vì thế, khi đặt chương trình học tập cho cả năm thì cuối năm trước, các trung tâm phải thăm dò nhu cầu học tập của nhân dân trong xã, phường, thị trấn.
Sau khi tập hợp được danh mục những vấn đề mà dân đăng ký xin học, lãnh đạo trung tâm cân nhắc xem nhu cầu nào cần đáp ứng thì mở lớp. Nhiều nội dung học không được thực hiện chỉ vì thiếu hụt ngân sách.
2. Khó khăn thứ hai là hầu hết dân ở cơ sở rất cần học nghề để tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Với những việc làm đơn giản về kỹ thuật như làm bún, làm bánh cuốn, nuôi ngan, nuôi bồ câu… thì dễ mở lớp và dễ tìm người dạy, còn những công việc đòi hỏi người có tay nghề kỹ thuật cao làm công việc giảng dạy thì rất khó thực hiện.
3. Khó khăn thứ ba là thiếu giáo viên hữu cơ. Những giáo viên phổ thông được điều về các trung tâm quá ít, chỉ hơn 45% số trung tâm tiếp nhận được 01 giáo viên, 55% số trung tâm còn lại phải tự tìm kiếm giảng viên. Hơn nữa, giáo viên phổ thông thường giảng dạy kém hiệu quả khi đối tượng là người lớn.
4. Cơ sở trường lớp của trung tâm học tập cộng đồng thường thiếu. Trụ sở làm việc của lãnh đạo trung tâm thường nhờ vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phòng họp thì nhờ trường tiểu học. Ngoài bảng đen và phấn trắng, các trung tâm thường không có phương tiện nào khác.
Giai đoạn 2010-2020 phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg (9/1/2013). Đây là giai đoạn thực hiện phủ kín trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn hành chính cấp xã.
Năm học | Tổng số đơn vị hành chính cấp xã | Số lượng trung tâm học tập cộng đồng | Tỷ lệ cấp xã có trung tâm học tập cộng đồng |
2010-2011 | 11.110 | 10.696 | 96,27% |
2011-2012 | 11.122 | 10.826 | 97,33% |
2012-2013 | 11.106 | 10.877 | 97,93% |
2013-2014 | 11.131 | 10.994 | 98,76% |
2014-2015 | 11.164 | 10.083 | 98,87% |
2015-2016 |
| 11.057 |
|
2016-2017 |
| 11.081 |
|
2017-2018 | 11.162 | 11.019 | 98,71% |
2018-2019 |
| 10.971 |
|
2019-2020 | 10.614 | 9.786 | 92,19% |
Bảng 1: Số lượng trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2010-2020 (nguồn: Báo cáo thường niên của Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2008).
Mấy năm gần đây, số lượng trung tâm học tập cộng đồng có phần giảm sút, trước hết là do không được cấp kinh phí hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước, mặt khác đã có sự sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm văn hóa – thể thao ở một số địa phương. Việc này tuy đã có phần nào tháo gỡ khó khăn của trung tâm học tập cộng đồng về tài chính, nhưng lại làm giảm hoạt động học tập của học viên. Hơn nữa, việc sáp nhập đã vi phạm Luật Giáo dục.
Một trong những khó khăn của trung tâm học tập cộng đồng là thiếu giáo viên được đào tạo về khoa sư phạm người lớn, trong khi đó số giáo viên phổ thông được biệt phái về làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng cũng quá mỏng. Đây là khó khăn suốt thời gian qua chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.
Năm học | Số lượng trung tâm học tập cộng đồng | Số lượng giáo viên phổ thông biệt phái | Tỷ lệ trung tâm học tập cộng đồng có giáo viên biệt phái |
2010-2011 | 10.696 | 4450 | 41,60% |
2011- 2012 | 10.826 | 5616 | 51,87% |
2012-2013 | 10.877 | 5347 | 49,15% |
2013-2014 | 10.994 | 5809 | 52,83% |
2014-2015 | 10.083 |
|
|
2015-2016 | 11.057 |
|
|
2016-2017 | 11.081 | 5510 | 49,72% |
2017-2018 | 11.019 | 5967 | 54,15% |
2018-2019 | 10.971 | 5228 | 47,65% |
2019-2020 | 9.786 | 5451 | 55,70% |
Bảng 2: Số lượng giáo viên phổ thông được điều động về làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng (nguồn: Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020).
Nội dung học được nhiều của người lớn hiện nay vẫn tập trung vào những chuyên đề khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Gần đây, có thêm môn tin học.
Năm học | Số người học | Chương trình học | ||||
Xóa mù chữ | Bổ túc văn hóa | Tin học | Học nghề | Chuyên đề | ||
2010-2011 | 13.537.300 | 33.612 | 26.802 |
| 322.532 | 13.154.354 |
2011-2012 | 12.361.731 | 19.910 | 15.922 |
| 333.167 | 11.992.732 |
2012-2013 | 14.540.097 | 45.743 | 263.319 | 186.955 | 343.743 | 13.700.337 |
2013-2014 | 20.068.175 | 38.057 | 243.466 | 204.741 | 403.021 | 19.178.890 |
2014-2015 | 19.348.398 | 40.379 | 224.431 | 111.468 | 364.455 | 18.607.665 |
2015-2016 | 20.207.767 | 38.625 | 215.550 | 126.201 | 398.708 | 19.428.683 |
2016-2017 | 21.297.076 | 28.386 | 194.540 | 83.735 | 298.457 | 20.391.958 |
2017-2018 | 19.767.002 | 32.267 | 220.650 | 96.111 | 314.159 | 19.103.815 |
2018-2019 | 22.315.412 | 26.694 | 244.385 | 138.064 | 276.269 | 21.630.000 |
2019-2020 | 13.151.677 | 44.852 | 78.320 | 17.994 | 327.911 | 12.682.300 |
Bảng 3: Người lớn đi học theo các chương trình học ở trung tâm học tập cộng đồng (nguồn: Báo cáo thường niên của Vụ GDTX, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020).
Học theo chuyên đề là phương thức học được đông đảo người lớn tham gia. Trước hết, trong đời sống cũng như trong việc làm, con người cần cập nhật nhanh chóng, kịp thời những kiến thức và kỹ năng để ứng dụng ngay được. "Cần gì học nấy" là một cách học mà trung tâm học tập đã đáp ứng có hiệu quả nhu cầu học của đa số người lớn.
Số người học tin học chưa nhiều tại các trung tâm học tập cộng đồng không phải người ta không có nhu cầu, mà là trung tâm học tập cộng đồng hiện chưa có đầy đủ điều kiện để tổ chức các lớp học.
Học nghề là một nhu cầu lớn ở những người có việc làm chưa đầy đủ hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. Tuy nhiên, tổ chức dạy nghề tại trung tâm học tập cộng đồng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bởi chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức dạy nghề tại trung tâm bởi nhu cầu có nghề của dân rất đa dạng.
Số lượng người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng là khá nhiều, nhưng xét về tỷ lệ người lớn học tập thường xuyên chưa cao. Quy mô và chất lượng đào tạo cũng như điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện nay của nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn đang là vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện.
Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045
Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng phải phản ánh được những chỉ số phát triển xã hội học tập được quy định trong những quyết định của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, đồng thời có tính đến xu thế phát triển giáo dục người lớn trên thế giới vào giữa thế kỷ 21.
Khắc phục một số quan niệm hiện có về giáo dục người lớn và khẳng định một số quan niệm cần thiết trong xây dựng trung tâm học tập giai đoạn mới.
Trong trung tâm cần có những hoạt động giáo dục phi chính quy, chứ không chỉ là giáo dục không chính quy, tính chất mở của giáo dục người lớn, sự cần thiết của các khoản tài trợ từ Nhà nước cho xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của trung tâm, mặc dù thiết chế này là của dân, do dân, vì dân.
Trong Bộ tiêu chí đánh giá không nên thiết kế quá nhiều về số lượng các tiêu chí, đồng thời các chỉ số đo (chỉ số đánh giá) cũng không quá phức tạp, chọn những yêu cầu thiết thực, phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội hiện nay.
Sau khi bộ tiêu chí đánh giá được các chuyên gia định hình, cần trưng cầu ý kiến rộng rãi và sau đó có ít nhất một năm thí điểm.
Do trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng, miền không như nhau, mỗi địa phương lại có những nét đặc thù về văn hóa nên bộ tiêu chí xây dựng ban đầu chỉ là bộ tiêu chí khung. Các địa phương căn cứ vào bộ tiêu chí khung để xác định những chỉ số đo cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.
Đề xuất bộ tiêu chí khung về đánh giá hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng (áp dụng từ năm 2025 đến 2030)
Tiêu chí | Các chỉ số đánh giá trong từng tiêu chí |
I. Điều kiện bảo đảm hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng có chất lượng và hiệu quả cao. | 1. Đảng bộ xã lãnh đạo sát sao và chặt chẽ việc xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng.Có các văn bản chỉ đạo các chi bộ đảng gương mẫu thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng. Có các văn bản triển khai xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng của cấp trên. Chỉ đạo chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, kiểm tra đôn đốc và thúc đẩy các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức đánh giá thường niên và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của trung tâm trong năm sau. 2. Ủy ban nhân dân xã quản lý, điều hành các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.Có kế hoạch triển khai xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng hằng năm. Bảo đảm bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Huy động các lực lượng xã hội do chính quyền cấp xã quản lý chung sức tham gia phát triển trung tâm học tập cộng đồng theo chức năng của họ. Huy động các nguồn lực để phát triển trung tâm học tập cộng đồng. Bảo đảm trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở làm việc, bao gồm phòng của ban lãnh đạo trung tâm, phòng họp của giảng viên và cộng tác viên, lớp học của học viên. Bảo đảm trung tâm học tập cộng đồng được trang bị tivi, máy tính nối mạng, đèn chiếu phục vụ cho việc giảng dạy, máy photocopy, tủ sách và phòng đọc sách. Hằng năm, tổng kết hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng trong năm sau. Huy động các lực lượng xã hội trên địa bàn xã đóng góp tài chính, hỗ trợ trang thiết bị học tập, cử người tham gia công tác đào tạo của trung tâm. 3. Các lực lượng xã hội trên địa bàn cấp xã phối hợp và hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng.Huy động thành viên học tập các khóa học hoặc các lớp huấn luyện của trung tâm. Phối hợp với giám đốc trung tâm học tập cộng đồng tổ chức hội thảo, hội nghị có nội dung thiết thực, bổ trợ cho các chương trình đào tạo của trung tâm. Cử người có khả năng giảng dạy hay khả năng hướng dẫn thực hành, thực tập cho học viên đang theo học tại trung tâm học tập cộng đồng, đóng góp vật lực, tài lực cho trung tâm theo khả năng của mình. |
II. Kết quả triển khai hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. | 4. Có các chương trình học tập đáp ứng yêu cầu của học viên trên địa bàn cấp xã, bảo đảm cho ít nhất 5 chương trình học và có giáo viên phụ trách cho những chương trình đó.Những chương trình bắt buộc phải có là chương trình dạy nghề ngắn hạn đào tạo, chương trình kỹ năng số, chương trình chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới, chương trình kỹ năng sống. 5. Đạt được các yêu cầu (trong Quyết định 1373/QĐ-TTg)50% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin. 50% người trong độ tuổi được huấn luyện về kỹ năng sống. 50% dân số trong xã từ 13 tuổi trở lên được đào tạo về kỹ năng sản xuất đang phát triển ở địa phương. 6. Mọi người lao động trên địa bàn xã được học thêm một nghề với thời gian đào tạo từ 1 đến 3 tháng. |
III. Tác dụng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. | 9. Hỗ trợ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khu phố văn minh. |
Giải pháp thực hiện củng cố phát triển trung tâm học tập cộng đồng
1. Chấn chỉnh tình trạng sử dụng và điều hành hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng không đúng Luật Giáo dục hiện hành đã quy định. Hiện đã có hàng nghìn trung tâm bị đổi tên và thay đổi chức năng, nhiệm vụ do sáp nhập vào các trung tâm văn hóa - thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Những trung tâm bị sáp nhập mang tên là Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng. Phải trả lại tên trung tâm học tập cộng đồng và khẳng định loại hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
2. Các cấp chính quyền từ cơ sở lên cần xây dựng được một nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, chức năng của trung tâm học tập cộng đồng để quản lý và đổi mới nó theo đúng Luật Giáo dục, nắm bắt xu thế phát triển của trung tâm học tập cộng đồng trong khu vực Châu Á để xác định tầm nhìn 2045.
Sự vận động đi lên của trung tâm học tập cộng đồng là tất yếu, và do đó phải có hành lang pháp lý cho sự vận động của hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trong giai đoạn tới.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giao cho cơ quan chức năng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học để xác định được độ tin cậy và độ chính xác của các tiêu chí, sau đó đưa vào thử nghiệm ít nhất một năm. Phải có sự đầu tư thích đáng để có mẫu trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2025 - 2030. Nếu năm 2024 đưa mô hình trung tâm học tập cộng đồng vào thử nghiệm thì đầu năm 2025 mới đưa vào xây dựng đại trà.
4. Giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cần có sự nhất trí về mẫu mới của trung tâm học tập cộng đồng. Từ sự thống nhất đó, các Bộ sẽ xác định nguồn lực đầu tư để mẫu đó được thiết kế đúng như dự án rồi thử nghiệm. Đầu tư không đúng mức, mẫu mới bị biến dạng, bộ tiêu chí đánh giá sẽ không có giá trị sử dụng.
5. Chính phủ phải có cam kết và tạo điều kiện để các Bộ có liên quan xây dựng được hệ thống trung tâm học tập cộng đồng.