Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19

PV
14:58 - 30/08/2022

Du khách đang ngày càng quan tâm và ưu tiên kết hợp chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần trong mỗi chuyến du lịch, đặc biệt là sau thời gian dài toàn thế giới phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Du lịch chăm sóc sức khỏe đang bùng nổ trở thành xu hướng toàn cầu.

Loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe

Du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism), theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, là loại hình du lịch kết hợp với việc duy trì hoặc tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cá nhân. Khái niệm này khác với du lịch chữa bệnh (medical tourism).

Du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là một loại hình du lịch mới. Liên minh quốc tế của Tổ chức Du lịch (IUTO), tiền thân của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm về du lịch sức khỏe từ năm 1973. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các hoạt động du lịch sức khỏe mới ngày càng mở rộng, đa dạng và phổ biến hơn.

Thế giới phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 một thời gian dài, cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng. Điều này đã khiến con người chủ động quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân hơn.

Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành xu hướng sau dịch COVID-19. Ảnh: Pinterest

Loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa trong những năm tới bởi nó nằm ở vùng giao thoa giữa hai ngành lớn đang bùng nổ là du lịch thuần túy và chăm sóc sức khỏe.

Theo khảo sát của American Express, 76% số người được hỏi cho biết họ muốn chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch để cải thiện sức khoẻ. 55% cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong các kỳ nghỉ tương lai. Trung bình mỗi du khách chi khoảng hơn 1.600 USD cho mỗi chuyến du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu toàn cầu cả về số lượng khách du lịch chăm sóc sức khỏe. Tại các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển. 

Các quốc gia đầu tư phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia của yoga và thiền. Với thế mạnh về những bài trị liệu tinh thần và thể chất bằng yoga, các phương thuốc y học cổ truyền, thiên nhiên, quốc gia này đã phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện, tạo ra các tour du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói, mang lại trải nghiệm đặc biệt với những hiệu quả rõ rệt về cải thiện cho du khách sau tour du lịch. Du lịch chăm sóc sức khỏe đưa Ấn Độ trở thành điểm đến hàng đầu thế giới cung cấp sản phẩm này với mức tăng trưởng đạt 22%/năm.

Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ấn Độ là lựa chọn hàng đầu của du khách yêu thích du lịch chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Spadreams

Nắm bắt xu hướng, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch đặc biệt này, Bộ Du lịch Ấn Độ đã xây dựng Hướng dẫn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Bộ Du lịch Ấn Độ cũng phối hợp với Ủy ban chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh viện để tổ chức thẩm định chất lượng các Trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc và cấp chứng chỉ, đồng thời hướng dẫn nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhật Bản

Với tiềm năng về nguồn suối nước khoáng nóng phong phú, đa dạng, nên với người dân Nhật Bản, tắm nước khoáng nóng là truyền thống từ lâu đời. Theo một thống kê năm 2004, có tới 142 triệu lượt khách tới các spa nước khoáng nóng (còn gọi là onsen) trên khắp nước Nhật. Có khoảng hơn 26.000 suối nước khoáng nóng trên khắp đất nước Nhật Bản và hơn 3000 khu nghỉ dưỡng (resort) có suối nước khoáng nóng. Có nhiều hình thức onsen, một số có khu lưu trú truyền thống gọi là ryokan và một số khác lại chỉ là bể nước nóng mở công cộng (sento).

Ryokan là khách sạn, nhà nghỉ truyền thống của Nhật. Tại đó, du khách không chỉ được tắm nước khoáng nóng kiểu truyền thống mà là còn được trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng của người Nhật. Mỗi suối khoáng đều có một câu chuyện riêng, là sự cộng hưởng của mặt đất và dòng nước, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.

Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Tắm suối khoáng nóng onsen là văn hóa truyền thống của Nhật bản. Ảnh: Japan Travel

Nắm bắt xu hướng phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã sử dụng hệ thống onsen và ryokan như là một sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nổi bật để giới thiệu tới khách du lịch quốc tế. Các khu nước khoáng nóng nổi tiếng được quảng bá rộng rãi trên các website về du lịch của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Hiệp hội Ryokan Nhật Bản… với các ngôn ngữ quốc tế. Ngoài ra, để thuận tiện cho khách du lịch, các quy tắc truyền thống khi tắm onsen, lựa chọn loại hình onsen… cũng được khuyến nghị trước và hướng dẫn cho du khách quốc tế một cách đầy đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các cơ sở suối khoáng nóng, Ủy ban môi trường Nhật Bản cũng có quy định về việc các cơ sở này phải nộp mẫu nước để xét nghiệm 10 năm một lần và thông báo kết quả này tới các khách hàng.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sản phẩm du lịch tắm suối khoáng nóng. Mặc dù số lượng cơ sở suối khoáng nóng tại Trung Quốc ít hơn của Nhật Bản, nhưng các sản phẩm du lịch suối khoáng nóng của Trung Quốc rất đa dạng như resort suối khoáng nóng, hội nghị kết hợp suối khoáng nóng, suối khoáng nóng kết hợp chơi golf, trượt tuyết kết hợp suối khoáng nóng, công viên chủ đề kết hợp suối khoáng nóng…

Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Du lịch chăm sóc sức khỏe rất phát triển ở Trung Quốc. Ảnh: China Discovery

Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khi xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia về Suối khoáng nóng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu về hướng dẫn lắp đặt/áp dụng công nghệ cho các trung tâm spa, khu nghỉ dưỡng trên cả nước. Tại thành phố Bắc Kinh - 1 trong 4 thành phố nổi tiếng nhất về du lịch suối khoáng nóng ở Trung Quốc, để quản lý chất lượng, Ủy ban Thanh tra sức khỏe Bắc Kinh đã tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước của các cơ sở suối khoáng nóng trên toàn thành phố. Từ đó, các quy định và luật lệ về chất lượng nguồn nước, tiêu chuẩn dịch vụ được ban hành để tăng cường kiểm soát chất lượng của các sản phẩm du lịch này.

Tiềm năng của Việt Nam

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tiềm năng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe của nước ta rất lớn. Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, với nhiều bãi tắm biển rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, trên cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Cùng với đó, Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng; hệ thống di tích lịch sử phong phú, có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng.

Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; du lịch thiền, yoga; du lịch giảm cân. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, thực trạng khai thác dòng sản phẩm này vẫn chưa tương xứng.

Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe rất phù hợp bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam, làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch tại Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có khả năng hình thành dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phục vụ cho nhiều dòng khách từ bình dân đến cao cấp, đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cũng phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, đó là "đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính đẳng cấp, thu hút thị trường ngách với khả năng chi tiêu cao" (theo Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Nguồn: tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xu-huong-du-lich-cham-soc-suc-khoe-sau-dai-dich-covid-19-179220830142027015.htm