Xét xử vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Không chấp nhận đề nghị thay đổi chủ tọa phiên toà của luật sư
Sáng 20.7, nhóm 6 bị cáo tại "Tịnh thất Bồng Lai" bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Không chấp nhận đề nghị thay đổi chủ tọa phiên toà của luật sư bảo vệ các bị cáo Tịnh thất Bồng Lai
Tại phần thủ tục, một luật sư bảo vệ bị cáo đề nghị thay đổi chủ toạ. Lý do là, trong quá trình tòa giải quyết vụ án, luật sư đề nghị triệu tập 52 người tham gia tố tụng nhưng chỉ được chấp nhận 4 người, như vậy sẽ không làm sáng tỏ được vụ án.
Ngoài ra, phía bị hại là Giáo Hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An có đơn xin vắng mặt, sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi.
Sau khi hội ý lần thứ hai, Hội đồng Xét xử thông báo "không chấp nhận" đề nghị của luật sư vì không thuộc trường hợp tại Điều 49 và Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các bị cáo Tịnh thất Bồng Lai không đồng ý với cáo trạng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, vụ án xuất phát từ động cơ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết, chia sẻ đăng tải, xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ năm 2019 đến 2021, các bị can đã sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng tải trên mạng xã hội Facebook và YouTube thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Từ năm 2016, các bị can trên cùng một số người khác đến ở tại số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do bị can Cao Thị Cúc làm chủ hộ.
Bị can Lê Tùng Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo, lấy tên Tịnh thất Bồng Lai nhưng không được ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An công nhận.
Sau đó, bị can Vân đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ để tiếp tục hoạt động.
Với vai trò là người tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, bị can Vân đã phân công vai trò nhiệm vụ cho các bị can Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Nhị Nguyên, Trùng Dương và một người cùng cư trú tại đây là Lê Thanh Nhất Tuệ viết kịch bản, tập hát… và tạo một số tài khoản mạng xã hội để đăng những sinh hoạt tại nơi đây.
Quá trình tạo ra video clip đều thông qua ý kiến của bị can Vân, từ việc lên ý tưởng, nội dung. Sau khi video clip làm xong đều đưa bị can Vân xem, thống nhất đồng ý thì mới được đăng lên để cộng đồng mạng xem, bình luận.
Bị can Cao Thị Cúc quản lý việc thu chi sinh hoạt trong hộ. Tổng cộng, có 5 video clip và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức.
Khi được hỏi về nội dung cáo trạng, các bị cáo đều cho rằng có "chỗ nghe được", "chỗ nghe không được" và đều không đồng ý với bản cáo trạng.
Bị cáo Vân còn "khoe" rằng mình có hai bằng cử nhân nên không làm gì trái pháp luật, khẳng định lại những clip trong cáo trạng bị cắt ghép.
Bị cáo Lê Tùng Vân thừa nhận mình là người đã đặt tên "Tịnh thất Bồng Lai" cho hộ bà Cao Thị Cúc và tự đặt pháp danh cho mình là Thích Tâm Đức. Bị cáo Vân cho rằng mình không theo đạo Phật, không biết, không duyệt nội dung videoclips. "Đệ tử tôi nó 30, 40 tuổi cả rồi và có trí khôn, thậm chí hơn tôi nữa. Làm sao tôi can thiệp được" - bị cáo Vân nói.
Trước việc một số người ở Tịnh thất Bồng Lai cho là bị đánh, ép cung, đại diện Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định "không có việc dùng nhục hình với các bị cáo.
Trước đó, ngày 30.6, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa đã đưa ra xét xử nhóm 6 bị cáo "Tịnh thất Bồng Lai". Tuy nhiên, 5 luật sư đề nghị tạm hoãn phiên tòa với 6 lý do. Trong đó, có hai lý do đáng chú ý là sự vắng mặt của 2/3 bị hại là ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ tại Thành phố Hồ Chí Minh và ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Thiên Châu - đại diện bị hại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An). Lý do quan trọng thứ hai là 5 luật sư cho rằng họ chỉ mới được Tóa án Nhân dân huyện Đức Hòa cho tiếp cận hồ sơ từ ngày 23/6 nên không đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, cần thêm thời gian để bảo đảm việc thực hiện việc bào chữa có trách nhiệm cho các thân chủ. Đề nghị của các luật sư được đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố tại tòa đồng ý.
Cả 6 bị cáo đều bị xét xử về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 2-7 năm tù.