Xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2022
Bộ Công Thương vừa ban hành công văn về xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022. Chương trình xét chọn được tổ chức nhằm ghi nhận thành tích của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Triển khai chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022
Công văn số 3028/BCT-XNK, ngày 19/5/2023 của Bộ Công Thương công bố triển khai chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022 theo công văn 3028/BCT-XNK ngày 19/5.
Chương trình có ý nghĩa giới thiệu, tuyên truyền, quảng báo hình ảnh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài. Chương trình góp phần giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với nhiều sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu uy tín, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín của mình trong các hoạt động thương mại.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường
Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Năm 2021, trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).
Một số nhóm hàng trong danh sách xét chọn đều là những sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản chất lượng của Việt Nam như: Gạo; Cà phê; Cao su; Hạt tiêu; Hạt điều; Chè các loại; Rau củ quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả; Sản phẩm thịt; Thủy sản.
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, các sản phẩm Gỗ; Dệt may; Giày dép; Thủ công mỹ nghệ; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc; Sản phẩm chất dẻo; Giấy và sản phẩm từ giấy; Xơ, sợi dệt các loại; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; cũng được tham gia.
Các mặt hàng khác như: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; Máy vi tính, điện tử và linh kiện điện tử; Dây điện và cáp điện; Vật liệu xây dựng; Sản phẩm cơ khí; Dược và thiết bị y tế; Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù... đều có trong danh sách xét chọn hàng năm.
Theo thông lệ, mỗi năm Bộ Công Thương sẽ thông báo cụ thể mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu áp dụng đối với từng nhóm hàng. Kim ngạch xuất khẩu tối thiểu trong năm xét chọn được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm xét chọn.
Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp thế giới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xet-chon-doanh-nghiep-xuat-khau-uy-tin-nam-2022-179230520130312492.htm