Xây dựng thành phố thông minh có khó không?

10:54 - 09/10/2024

Đó là tình trạng các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề với cả chục nghìn sinh viên, học sinh vẫn tọa lạc giữa các phố phường đông đúc. Nạn ùn tắc giao thông hằng ngày. Bao giờ chúng ta có thể xây dựng thành phố thông minh?

Xây dựng thành phố xanh là một vấn đề cấp thiết với mọi quốc gia.

Khái niệm "Thành phố xanh"

Thành phố xanh (Green city) thường được hiểu là khu đô thị thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Nhưng khi bắt tay vào quy hoạch thành phố xanh, người ta phải thao tác khái niệm "xanh" thành những mô hình cụ thể với những chỉ số đo nhất định. 

Thành phố xanh là một đô thị đông đúc dân cư mà nhìn vào đó, người ta có thể thấy nó hiện lên thành những thành phố hiện đại tùy theo lăng kính của người quan sát. 

Từ đó, thành phố xanh sẽ thể hiện qua những dung mạo như sau:
- Là thành phố sinh thái (Eco-City);
- Là thành phố thông minh (Smart City);
- Là thành phố phát triển bền vững (Sustainable City);
- Là thành phố học tập (Learning City);
- Là thành phố toàn cầu (Global City).

Sở dĩ như vậy bởi những mô hình thành phố trên đây chỉ được công nhận khi nó đạt những số đo khắt khe về độ "xanh" của nó.

Xây dựng thành phố xanh là một vấn đề cấp thiết với mọi quốc gia. Không có ngoại lệ. Không nên hiểu đơn giản khái niệm "xanh" chỉ là độ bao phủ của cây xanh theo quy định với mặt nước rộng và sạch đạt tỉ lệ nào đó trong một khu dân cư.

Tất nhiên, một thành phố xanh nhất thiết phải có nhiều cây xanh trên đường phố, có nhiều công viên thoáng đãng như một lá phổi của khu dân cư, có những hồ nước bên cạnh những chung cư cao tầng, có những dòng sông xanh và sạch chảy qua thành phố.

Hiện nay, chính phủ và các cộng đồng dân cư đều thấy thành phố nhất thiết phải có nhiều cây xanh, nhiều mặt nước nổi, nhưng quan trọng không kém là còn phải tránh tình trạng hoang phí các nguồn năng lượng và thực phẩm. Phải khắc phục việc sử dụng thiếu hiệu quả nguồn tài nguyên và tình trạng rác thải bừa bãi, thiếu công nghệ xử lý các loại rác thải gây nên nạn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. 

Ngoài ra, thành phố xanh còn phải là nơi không có nạn kẹt xe, bụi bẩn và khói độc, nạn ngập úng khi trời mưa, hệ thống y tế lạc hậu, công tác quản lý đường phố yếu kém, nhu cầu đi lại của người dân không được đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, áp lực tăng dân phố của thành phố sẽ gây khó khăn về nhà ở, trường học cho trẻ em, dịch vụ về lương thực, thực phẩm.

Ở nhiều quốc gia, dòng người di cư từ những miền nông thôn đổ về thành phố để kiếm kế sinh nhai đang ngày càng gây bức xúc cho thành phố. Đồng thời, những dân tị nạn do chiến tranh, thiên tai và các đại dịch cũng làm đau đầu nhiều chính phủ. Dân di cư tràn vào đô thị, không kiếm được việc làm, con cái không được tới trường, lại bị đối xử không tốt sẽ gây nên nhiều phiền toái cho nhà quản lý đô thị. 

Cùng với những khó khăn trên, nhiều thành phố còn phải giải quyết những việc đau đầu. Đó là tình trạng các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề với cả chục nghìn sinh viên, học sinh vẫn tọa lạc giữa các phố phường đông đúc. Không ít bệnh viện cũng nằm trong các quận nội thành. 

Vào giờ cao điểm, nạn ùn tắc giao thông diễn ra như cơm bữa. Cuộc sống đô thị ồn ào, náo nhiệt. An ninh phi truyền thống trong các khu phố, trên các tuyến giao thông nội thành không được bảo đảm.

Khi các nhà quản lý đô thị thiếu tầm nhìn chiến lược trong hoạch định những khu phố mới, việc xây dựng có nhiều bất hợp lý mới. Nhiều khu chung cư mọc lên như nấm. Nhưng sau khi dân đã được phân phối nơi ở, họ thấy con cái họ không có trường học, gia đình họ thiếu cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe hàng ngày, cả vạn dân mà không có chợ… 

Thế là, trẻ con phải học xa nhà, ốm đau phải đi khám chữa bệnh rất vất vả. Các chợ cóc mọc lên ngay trên vỉa hè. Rác thải lại đổ ra các gốc cây hoặc chân cột điện. Một khu phố mới hiện ra, nhưng rất nhanh nó lại hiện nguyên hình của khu phố truyền thống.

Các lối tư duy "tậu bò mới lo làm chuồng" là một kiểu làm ăn rất khó thực hiện được chương trình xanh hóa đô thị. Không ít khu phố mới cứ có bão là cây đổ ngổn ngang, cứ có mưa là nước trên đường phố ngập tới đầu gối, năm nào hè phố cũng bị lột lên để lát lại gạch mới, các quán nước, quán bán bánh mì, quán bún và cà phê vỉa hè chắn lối khách đi bộ. Cho nên, gọi là phố mới, nhưng thực chất, nó vẫn là phố "cũ".

Cần phải giàu có trước khi xây dựng môi trường sống xanh?

Thành phố sinh thái

Khái niệm "Thành phố sinh thái"

Thành phố sinh thái (eco-city) là một loại hình thành phố xanh. Thuật ngữ Eco ở đây có nghĩa là xanh, sạch đẹp, có một tỉ lệ cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái, một môi trường sống thân thiện với thiên nhiên, một hệ thống sản xuất công nghiệp không khói...

Hơn nữa, Thành phố sinh thái phải là đô thị phát triển bền vững (sustainable city), có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác tài nguyên phải bảo đảm tính hợp lý, ứng phó hữu hiệu với sự biến đổi khí hậu.

Quan trọng là khu đô thị này phải đủ tiêu chí của một thành phố thông minh.

Nhiều người cho rằng, với thành phố sinh thái chỉ cần đưa nhiều cây xanh vào là đạt yêu cầu. Những nhà thiết kế khu đô thị sinh thái không làm như vậy, mà họ tạo nên hệ sinh thái xanh rồi xây dựng đô thị trong đó. Như thể đủ thấy rằng thành phố sinh thái là một vấn đề lớn của xã hội công nghiệp, là vấn đề mới không tách khỏi chiến lược phát triển chương trình giảm tải đô thị (Unburden The City) và quản lý khôn ngoan (Wise management).

Những tiêu chí đánh giá thành phố sinh thái

Tổng thể quy hoạch xây dựng một khu đô thị sinh thái là một liên kết 3 yếu tố "Môi trường xanh - Kinh tế xanh - Xã hội xanh" (Green environment, Green economy, Green society).

Ở Châu Âu, việc quy hoạch đô thị xanh thường phải theo những tiêu chí sau:

Không gian xanh: Bảo đảm mật độ xây dựng thấp, mật độ cây xanh cao. Trong thành phố phải có không gian công cộng rộng lớn, mặt nước lớn và nhiêu công viên.

Công trình xanh: Có hệ thống cây xanh, nhưng trong xây dựng phải bảo đảm vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng.

Giao thông xanh: Tăng tỉ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân, hệ thống đường phố sạch đẹp, không khói bụi do các phương tiện giao thông gây nên.

Công nghiệp xanh: Một nền công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, cải tiến công nghệ sản xuất.

Môi trường xanh: Bầu không khí trong lành, không khói bụi, không ồn ào, không xả rác thải bừa bãi, hệ thống thoát nước bảo đảm không ngập lụt...

Bảo tồn văn hóa bản địa, giữ gìn di sản thiên nhiên

Đời sống cư dân thân thiện, xã hội gắn kết và đồng thuận, không khí tâm lý lành mạnh, văn hóa đường phố được bảo đảm.

Giải pháp khởi tạo cuộc sống xanh trong đô thị

Vườn cây xanh trong các khu dân cư nội thành được coi như lá phối thứ hai của con người. Vườn cây giúp vào việc điều hòa chất lượng không khí, tạo tâm lý thoải mái cho con người, giải tỏa stress...

Khoảng sân nhỏ trong các khu dân cư, tạo ra chỗ vui chơi của trẻ em sống trong khu nhà cao tầng, nơi tập thể dục cho người lớn, nơi nghỉ ngơi thư giãn của người lao động.

Tạo không gian xanh trong từng căn hộ: Những chậu cây, những giò hoa lan, bể nuôi cá cảnh, mảnh đất nhỏ trồng rau trên sân thượng có tác dụng tạo nên sự thoải mái của con người sống với khoảng không gian thiên nhiên do chính họ tạo ra.

Xây dựng hệ thống dịch vụ thực phẩm sạch cho cư dân trong từng cụm dân phố, tạo nên phong cách ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, tăng cường sức khỏe cho con người.

Những thành phố sinh thái điển hình trên thế giới

Singapore: Là thành phố xanh nổi tiếng với khu "siêu cây" vườn quốc gia, khu bảo tồn đa dạng các động vật và thực vật, vườn lan quốc gia và khu rừng nhiệt đới gồm hồ nước rộng và các loài cây kỳ lạ mang về từ khắp nơi trên thế giới.

Copenhagen (Đan Mạch): Thành phố sinh thái nhất thế giới (theo chỉ số xanh toàn cầu). Cái độc đáo của Copenhagen là dân thích đi xe đạp, thành phố triển khai lắp đặt mái nhà xanh, đi chơi thuyền chạy bằng điện mặt trời, thưởng thức các loại thức ăn hữu cơ ở bất kỳ đường phố nào.

Amstecdam (Hà Lan): Số lượng xe đạp nhiều hơn số dân, thành phố có rất nhiều kênh rạch, đường phố cổ kính, những ngôi nhà nhỏ rực rỡ sắc hoa.

Stockholm (Thụy Điển): Thành phố được giải thưởng "Thủ đô xanh" nhờ đổi mới và thân thiện với môi trường, là thành phố sử dụng năng lượng sạch....

Vancourer (Canada): Thành phố xanh, sạch, đẹp, ngoại ô có núi cao, biến rộng, rừng cây rậm rạp, có nhiều cảnh quan còn giữ được trạng thái hoang dã, nguyên sơ của thời kỳ trước công nguyên.

London (Anh): Đây là thành phố sương mù nhưng là thành phố rất sạch, trong các khu nhà đều có công viên bỏ túi, có hệ thống vườn treo cây xanh trên các sân thượng. Hệ thống cây xanh là một đặc điểm của London.

Berlin (Đức): Nằm trong danh sách thành phố sạch nhất thế giới. Các phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải đều không được vào thành phố. 1/3 diện tích thành phố là rừng, công viên, hồ nước, giao thông hết sức thuận lợi.

New York (Mỹ): Cùng với nhà chọc trời, New York lại nổi tiếng về lá phối xanh (Central Park) nằm giữa lòng thành phố. Đây là thành phố xanh nhất nước Mỹ. Lượng khí thải rất thấp so với kích thước và dân số thành phố. Central Park rộng 340 ha, nằm ở khu Manhattan hoa lệ.

Ở Việt Nam, Huế là khu đô thị đầu tiên được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh là "thành phố xanh quốc gia".

Ecopark được coi là thành phố xanh nhất Việt Nam, chất lượng không khí tương đương với New Zealand, được vinh danh ở hạng mục khu phức hợp có thiết kế cảnh quan đẹp nhất thế giới.

Swan Park đông Sài Gòn, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thành phố Trà Vinh với rừng cây cổ thụ v.v... cũng là những thành phố xanh của nước ta.

Thành phố thông minh

Khái niệm "Thành phố thông minh"

Thành phố thông minh (Smart City) hay đô thị thông minh là khu vực thành thị sử dụng các phương tiện điện tử và cảm biến khác nhau để thu thập thông tin từ những dữ liệu nhằm mục đích cải thiện các hoạt động của thành phố như quản lý tài sản, nguồn tài nguyên, những dịch vụ về tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí...

Các dữ liệu thu thập từ những người dân, từ những thiết bị điện tử... được phân tích để từ đó cải thiện các hoạt động nhờ vào việc giám sát và quản lý đối với giao thông đường phố, hoạt động cung cấp điện và nước sạch, quy trình sử dụng chất thải, phát hiện tội phạm, quản lý hệ thống trường học, bệnh viện, thư viện, các siêu thị, nhà hàng ăn uống và các dịch vụ khác.

Thành phố thông minh phát triển dựa trên nền tảng tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (IT) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big data), nhờ đó giải quyết hàng loạt những vấn đề hàng ngày của cư dân đô thị, mang lại sự hài lòng cho người dân như giải quyết hiện tượng ách tắc giao thông đường phố, cải thiện hệ thống đèn chiếu sáng, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Hệ thống hữu cơ tổng thể của thành phố thông minh

Mạng viễn thông số: (Digital telecommunications network), trong đó có mạng hữu tuyến và mạng vô tuyến. Mạng vô tuyến được hiểu là mạng 4G và 5G. Mạng 4G (Fourth Generation) là thể hệ thứ tư và mạng 5G là thế hệ thứ năm của mạng di động tốc độ nhanh. Người ta gọi mạng viễn thông số là dây thần kinh của thành phố thông minh.

Các cảm biến (Sensor): Đó là những thiết bị điện tử có khả năng cảm nhận được những trạng thái, những quá trình vật lý, hóa học, sinh học của môi trường cần kháo sát, biến đổi thành tín hiệu điện tử để phân tích, xử lý. Các cảm biến thường được đặt trong vỏ bảo vệ thành đầu thu, đầu dò thử (Test probe), có thể kèm theo các mạch điện hỗ trợ.

Cảm biến vật lý cho ta biết các sóng điện từ, tia hồng ngoại, tia X, tia bức xạ, nhiệt độ, cường độ âm thanh, ánh sáng.

Cảm biến hóa học thu thập những thông tin như độ ẩm, độ PH, khói, các ion.

Cảm biến sinh học cho ta biết những thông số về Glucose huyết DAN/RNA, protein đặc hiệu...

Người ta ví cảm biến là các cơ quan cảm giác ở con người, mà ở đây là cơ quan cảm giác của thành phố thông minh.

Hệ thống nhúng thông minh (Embeddet system). Một hệ thống có khả năng tự trị được nhúng vào trong môi trường nào đấy hoặc trong hệ thống mẹ.

Nó được thiết kế để thực hiện một chức năng nhất định hoặc một vài chức năng, bao gồm một số thiết bị máy móc và phần cứng chuyên dụng.

Hệ thống nhúng không đóng vai trò của hệ thống máy tính đa chức năng. Nó chỉ làm đơn giản hóa hệ thống phần cứng.

Hệ thống nhúng có mặt trong nhiều hệ thống lớn như hệ thống dẫn đường trong không lưu, hệ thống định vị toàn cầu vệ tinh, các thiết bị gia dụng như lò vi sóng, tủ lạnh, lò nướng, thiết bị kết nối mạng router, hub, gateway, các thiết bị văn phòng như máy photocopy, Fax, máy in, máy scan, một số thiết bị y tế, máy tự động trả tiền v.v...

Người ta coi hệ thống nhúng thông minh là não bộ của thành phố thông minh.

Phần mềm (Software) . Tên đầy đủ là phần mềm máy tính, có người gọi là nhu liệu. Nó là tập hợp dữ liệu hoặc các câu lệnh hướng dẫn máy tính cách làm việc. Trong khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm, phần mềm máy tính là tất cả các thông tin được hệ thống máy tính xử lý.

Việc sử dụng phần mềm là bước cuối cùng của việc thao tác hệ thống máy tính: từ Phần cứng (Hardware) - Hệ điều hành (Operation System) - Phần mềm ứng dụng (Application software) - Ứng dụng (USE).

Những trụ cột của thành phố thông minh

Những quốc gia khác nhau về trình độ sử dụng các công nghệ hiện đại có thể xác định số lượng các trụ cột cho thành phố thông minh của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, những trụ cột dưới đây là cơ bản nhất mà bất cứ thành phố nào muốn trở nên thông minh cũng phải tính đến.

Những trụ cột của thành phố thông minh. Đồ hoạ: CDKH

Quản trị thông minh (Smart management): Thiết kế lại quản trị trong khi duy trì các nguyên tắc phát triển trong lịch sử và nền kinh tế thị trường. Do vậy, Chính phủ thông minh phải đối mặt với sự phức tạp, sự không chắc chắn, từ đó, phải xây dựng năng lực để đạt được khả năng phục hồi.

Kinh tế thông minh (Smart economy): Nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, có sự đổi mới và sáng tạo, có hệ sinh thái vận hành hiệu quả đối với những vấn đề dân sinh, đổi mới kinh doanh, doanh nghiệp kết nối toàn cầu v.v...

Công dân thông minh (Smart Citizen): Người dân có đủ năng lực để sống, làm việc trong thành phố thông minh nhờ tự học suốt đời, có năng lực tư duy sáng tạo và tư duy phản biện, có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh, kinh tế thông minh, đời sống thông minh.

Đời sống thông minh (Smart life): Đó là một đời sống có chương trình hoạt động phù hợp, giúp con người giải phóng khỏi những việc chiếm quá nhiều thời gian vào các việc sự vụ, không phát triển được các năng lực cần thiết. Đời sống thông minh trước hết là có nhà thông minh (smarthouse), có các tiện nghi thông minh, được điều khiến qua Smartphone hay tablet hoặc các thiết bị điện tử khác. Một đời sống thông minh còn thể hiện ở những thói quen mà qua đó con người có được cuộc sống dễ chịu, thuận lợi và hạnh phúc.

Môi trường thông minh (Smart environment): Trong môi trường sống có các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện tiêu thụ, giám sát chất thải và ô nhiễm, cấp thoát nước, tòa nhà thông minh.

Đi lại thông minh (Smart travel follow): Đó là sự đi lại trong thành phố được thuận lợi, an toàn, tối ưu hóa phương án di chuyển, gọi xe taxi, chỉ dẫn tìm xe, tin tuyến xe bus, dịch vụ chia sẻ các chuyến đi, ứng dụng chỉ đường.... Đi lại thông minh có lẽ là nhu cầu rất lớn của cư dân đô thị ngày nay.

Những công nghệ chủ chốt được ứng dụng trong thành phố thông minh

Siêu tự động hóa (Hyper automation)

Trong giai đoạn chuyển đổi số, người ta cần mở rộng siêu tự động hóa. Siêu tự động hóa liên quan đến việc ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, bao gồm trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence), máy học (Learning machine). Siêu tự động hóa trải rộng trên nhiều công cụ có thể tự động hóa nhưng lại rất chú ý đến sự tinh vi của tự động hóa như việc thiết kế đo lường, giám sát và đánh giá.

Giao tiếp giữa máy với máy (M2M communication)

Theo tiếng Anh, M2M là Machine to Machine. Đó là giao tiếp trực tiếp giữa các thiết bị sử dụng bất kỳ kênh liên lạc nào, có dây hay không dây. Hình thức giao tiếp này có thể là các thiết bị công nghiệp, dùng cảm biến hoặc đồng hồ đo để truyền thông tin đã được ghi vào phần mềm ứng dụng.

Hệ thống truyền tải năng lượng thông minh (Smart energy grids)

Hệ thống điện lưới có sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tối ưu hóa việc truyền dẫn, phân phối điện năng giữa nhà sản xuất với hộ tiêu thụ, hợp nhất cơ sở hạ tầng điện với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Các trợ lý ảo (Talking serviceable "bots")

Là phần mềm có khả năng giúp người sử dụng thực hiện được những tương tác hoặc dịch vụ. Đôi khi trợ lý ảo còn được gọi là Chatbot nếu được truy cập bằng phần mềm chat online.

Phương tiện giao thông tự hành (Driverless Transport)

Đó là những phương tiện giao thông không người lái như ô tô không người lái, tàu hỏa không người lái. Những chiếc xe tự hành (Automated Guided Vehicle) có khả năng di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác trong điều kiện bình thường.

Internet kết nối vạn vật (Internet of things, Internet of Everythings)

Nói cụ thể hơn, đó là mạng lưới vạn vật kết nối internet hay mạng lưới thiết bị kết nối Internet. Mạng lưới này bao gồm các thiết bị, phương tiện vận tải, phòng ốc, các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng.

An ninh mạng tiên tiến (Advanced cybersecurity)

Đó là những hành động bảo vệ máy tính, máy chủ, các thiết bị di động, an ninh công nghệ, an ninh thông tin điện tử... An ninh mạng có nhiều lĩnh vực bảo mật như bảo mật thông tin (Infomation security), bảo mật ứng dụng (Application security), bảo mật mạng (Network security), bảo mật hoạt động (Operational security)...

Tương tác người máy (Human interface Devise)

Cái nghĩa chính của Human interface Devise là một thiết bị giao diện con người, qua đó con người tương tác với một hệ thống thông tin điện tử hoặc bằng cách nhập dữ liệu, hoặc cung cấp đầu vào.

Làm việc từ xa (Telework), Giáo dục từ xa (Tele education), Chữa bệnh/chăm sóc y tế từ xa (Tele-Health service)

Đó là những hoạt động tương tác người - việc, người - người qua khoảng cách.

Công ty ảo (Virtual companies)

Công ty hay doanh nghiệp sử dụng các phương tiện điện tử để giao dịch, mua bán không theo các phương thức trực tiếp.

Những đặc trưng của thành phố thông minh

Thành phố thông minh là đô thị hiện đại, tích hợp được những công nghệ mới nổi như Internet kết nối vạn vật, máy học, tự động hóa...

Bất kỳ lĩnh vực nào về quản lý thành phố cũng có thể trở thành sáng kiến để xây dựng thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là nơi tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng với hiệu quả cao.

Các sáng kiến xây dựng thành phố thông minh đều hướng đến mục đích giám sát và giải quyết các mối quan tâm về môi trường, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu…

Trong thành phố thông minh, các công nghệ được sử dụng giúp vào việc tăng cường an ninh công cộng, giám sát tội phạm, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

Thành phố thông minh giúp vào việc phát triển đô thị, cải thiện an sinh như tạo nhiều việc làm, quản lý hàng hóa, dịch vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những thành phố thông minh đầu tiên ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 40 địa phương có dự án xây dựng thành phố thông minh. Điều này hứa hẹn những đổi mới lớn lao của kế hoạch bất động sản, tương lai của các vùng đất đang trong giai đoạn đô thị hóa, tạo ra năng lực cạnh tranh mới của đất nước.

Có 3 tỉnh, thành phố đang triển khai dự án thành phố thông minh ở top đầu. Đó là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bình Dương.

Đà Nẵng được vinh danh thành phố thông minh do đạt được hạng mục dịch vụ công thông minh, hạ tầng số thông minh và sự hấp dẫn khởi nghiệp, đối mới, sáng tạo.

Thừa Thiên - Huế đi đầu trong lộ trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử. Hệ thống cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và 60% ở cấp xã, chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã, đạt tỉ lệ 95%.

Bình Dương được thế giới cho vào danh sách "Vùng thông minh" năm 2019. Bình Dương hiện có Trung tâm thương mại thế giới, Trung tâm hành chính tập trung, có chương trình kết nối giao thương, hợp tác "Nhà đầu tư - doanh nghiệp - Nhà khoa học".

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xay-dung-thanh-pho-thong-minh-co-kho-khong-179241009105423367.htm