Xây dựng kế hoạch triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Chiều 2/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp Ủy ban Nhân dân thành phố thường kỳ tháng 8 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác.
Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo Hội đồng Nhân dân thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Tại phiên họp, tập thể Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thảo luận, cho ý kiến trực tiếp 4 nội dung. Cụ thể, về việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án đầu tư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025; ban hành Quy định một số nội dung về quản lý Dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của thành phố Hà Nội; đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.
Các đại biểu tham dự phiên họp cũng cho ý kiến bằng văn bản về việc ban hành Quyết định ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; Đề án “Quy hoạch số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Cho ý kiến việc xác định lại giá đất đối với Dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt: Dự án 381 Nguyễn Khang, chùa Duệ Tú - quận Cầu Giấy, dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch 24,5m đoạn từ đê sông Đuống đến Dốc Lã - Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; Phê duyệt giá đất làm căn cứ bồi thương, hỗ trợ giải pháp mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng cầu Chiếc Km8+255 đường tỉnh 427, huyện Thường Tín.
Dự án Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là từ năm 2021 - 2028.
Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho Hà Nội hiện nay, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xay-dung-ke-hoach-trien-khai-du-an-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-179220802172952781.htm