WTO: Thương mại toàn cầu là công cụ cải thiện cuộc sống phụ nữ khắp thế giới
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết thương mại toàn cầu là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện cuộc sống của trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Trong một bài phát biểu tại sự kiện do Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức tại New York, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết thương mại toàn cầu là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện cuộc sống của trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Theo bà Okonjo-Iweala, trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua đảm bảo việc làm và thương mại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn cầu. Thương mại tạo ra việc làm và cơ hội thị trường cho phụ nữ và các doanh nghiệp do họ điều hành điều hành, đồng thời đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala cũng lưu ý, "phần lớn sức mạnh này không được kích hoạt", vì thế "chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy thương mại tạo cơ hội kinh tế cho phụ nữ".
Tổng Giám đốc WTO viện dẫn một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng việc thu hẹp khoảng cách giới trong thị trường lao động của nhiều nước đang phát triển có thể giúp nâng GDP thêm tới 35%.
Bà Okonjo-Iweala cũng nhắc đến nghiên cứu chung gần đây về thương mại và bình đẳng giới của WTO và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy thương mại tạo ra ngày càng nhiều việc làm và cơ hội việc làm cho phụ nữ. Các công ty xuất khẩu sử dụng nhiều phụ nữ hơn và các công ty tích hợp vào thương mại toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu có tỷ trọng lao động nữ trung bình cao hơn so với các công ty tập trung vào thị trường nội địa.
Điểm mấu chốt quan trọng là rõ ràng: chi phí cơ hội do sự bất bình đẳng giới trong thị trường lao động là rất lớn. Những lợi ích kinh tế bị thiệt hại do sự bất bình đẳng mang lại khiến cho tình trạng bất bình đẳng kéo dài thêm" - bà Okonjo-Iweala tuyên bố.
Tuy nhiên, để thực sự tối đa hóa đóng góp của thương mại trong việc cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh phải giải quyết thực tế là nhiều nước nghèo đã bị tụt lại phía sau, không được hưởng đầy đủ lợi ích từ thương mại và toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua. Do đó, khả năng phục hồi hiện tại của chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine cần tạo cơ hội để đưa các nước nghèo này từ bên lề của nền kinh tế toàn cầu vào dòng chảy chủ đạo. Việc mở rộng quá trình mà Bà Okonjo-Iweala gọi là "tái toàn cầu hóa" này sẽ đạt được các mục tiêu mà "phi toàn cầu hóa" không thể thực hiện được.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/wto-thuong-mai-toan-cau-la-cong-cu-cai-thien-cuoc-song-phu-nu-khap-the-gioi-179220923102444221.htm