"Vươn ra biển lớn", các tỉ phú USD Việt Nam không ngừng đóng góp cho xã hội
Không chỉ tập chung phát triển công việc kinh doanh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, các tỉ phú USD Việt Nam còn đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng.
2022 là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách những người sở hữu tài sản tỉ USD của Forbes. Theo đó, Việt Nam có 7 đại diện, gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỉ USD, đứng thứ 974. Năm 2022 là lần thứ 10 vị tỉ phú này góp mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes với tài sản 6,2 tỉ USD, đứng thứ 411 thế giới. Tuy nhiên, mới đây do tài sản sụt giảm, nên thứ hạng của ông lùi xuống vị trí 631.
Luôn nằm trong top doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã đóng 25.227 tỉ đồng vào ngân sách. Trong đó, riêng tiền sử dụng đất, thuê đất, nghĩa vụ hợp đồng xây dựng, chuyển giao đã chiếm đến hơn 15.000 tỉ đồng.
Con số này đã gần xấp xỉ mức đóng góp của Vingroup cả năm 2021 với 26.213 tỉ đồng vào ngân sách.
Năm 2019, Vingroup từng đóng vào ngân sách số tiền thuế "kỷ lục" lên tới 38.732 tỉ đồng.
Trong thời gian cả nước chung ta đối phó với dịch COVID-19, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có những đóng góp đáng kể vào việc giảm bớt tác động của đại dịch trong cộng đồng. Người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã trao hơn 320 triệu USD cho công tác cứu trợ COVID-19 của Việt Nam.
Ngoài ra, tổ chức từ thiện "Trái tim nhân ái" của tỉ phú này đã thực hiện 30 chương trình giúp đỡ những người khó khăn, từ trao học bổng đến cứu trợ thiên tai.
Tỉ phú Trần Bá Dương
Năm 2018, ông Trần Bá Dương lần đầu góp mặt trong danh sách tỉ phú USD của Forbes. Hiện, ông sở hữu khối tài sản 1,6 tỉ USD, xếp thứ 7 Việt Nam và 1.858 thế giới.
Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Thaco của vị tỉ phú này đứng thứ 2 về nộp ngân sách với gần 18.000 tỉ đồng, riêng tại Quảng Nam là 14.700 tỉ đồng.
Thaco dự kiến cả năm 2022 nộp 38.511 tỉ đồng vào ngân sách (tại Quảng Nam khoảng 30.700 tỷ đồng), cao hơn mức đã đóng của năm ngoái là 20.500 tỉ đồng.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thaco đã đóng góp hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, Thaco còn tài trợ vật phẩm và thiết bị y tế cho Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế; tặng hệ thống máy tim và phổi nhân tạo ECMO cho bệnh viện Chợ Rẫy và tặng bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Thaco còn từng tài trợ xây hàng chục cây cầu ở Long An, Đồng Tháp...; lắp đặt hệ thống lọc nước cung cấp nước uống sạch đạt tiêu chuẩn học sinh tại huyện Núi Thành, Quảng Nam...
Tỉ phú Trần Đình Long
Vào tháng 4, tỉ phú thép Trần Đình Long đứng thứ 951 trong danh sách tỉ phú thế giới khi sở hữu 3,2 tỉ USD. Tuy sau 7 tháng, khối tài sản của vị tỉ phú này đã giảm xuống chỉ còn 1,6 tỉ USD, nhưng ông vẫn là một trong những doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã nộp 7.335 tỉ đồng vào ngân sách. Năm 2021, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long nộp 12.689 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Tập đoàn Hòa Phát vẫn giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép. Tập đoàn đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30.000 lao động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, tập đoàn của tỉ phú Trần Đình Long còn lấn sân sang mảng nông nghiệp và đạt nhiều thành công như dẫn đầu về sản lượng bò Úc tại Việt Nam, trứng gà sạch hiện đang dẫn đầu thị trường miền Bắc.
Tỉ phú Hồ Hùng Anh
Lần thứ tư góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới, ông Hồ Hùng Anh nắm giữ khối tài sản khoảng 2,3 tỉ USD. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/10, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh chỉ còn 1,4 tỉ USD.
Tính 6 tháng đầu năm qua, Techcombank của vị tỉ phú này đã nộp 3.514 tỉ đồng vào ngân sách.
Techcombank hiện là một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam với mức vốn hóa khoảng 132.424 tỉ đồng.
Techcombank đã tổ chức nhiều giải thể thao sức bền với những thông điệp cổ vũ mỗi người bền bỉ theo đuổi ước mơ. Ngoài ra, ngân hàng này còn có những đóng góp thiết thực về tài chính cho những hoàn cảnh khó khăn, những tổ chức xã hội, từ thiện và cả những bạn trẻ đang nỗ lực khởi nghiệp.
Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang
Với khối tài sản 1,9 tỉ USD, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện lần thứ hai liên tiếp trong danh sách tỉ phú thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Masan đã nộp thuế 2.377 tỉ đồng.
Ngoài ra vai trò lớn ở Masan, ông hiện còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank.
Tập đoàn Masan đã nhiều đóng góp cho xã hội trong suốt thời gian qua. Hơn 270 tỉ đồng đã được tập đoàn đóng góp cho các hoạt động hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Masan Consumer từng trao tặng 4 hệ thống máy lọc nước cho 4 trường tiểu học và trung học cơ sở tại 2 tỉnh Hậu Giang và Long An trị giá 500 triệu đồng, giúp thầy cô và các em học sinh có điều kiện sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo an toàn vệ sinh.
Trung bình mỗi năm, Masan High-Tech Materials đầu tư khoảng 4,5 – 5 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển cộng đồng như: xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng; hoạt động khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân; sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường; tín dụng vi mô, nâng cao năng lực và các chương trình tài trợ, nhân đạo, từ thiện... trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi dự án nói riêng và tỉnh, huyện nói chung.
Tỉ phú Bùi Thành Nhơn
Năm 2022 là năm đầu Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn xuất hiện trong danh sách của Forbes, với 2,9 tỉ USD, đứng thứ 1.053 thế giới.
Sự tăng trưởng của Novaland là một trong những yếu tố giúp ông được Forbes xướng tên năm nay. Theo đó, nửa đầu năm, Novaland đã đóng thuế 1.028 tỉ đồng.
Tập đoàn Novaland luôn xem những hoạt động đóng góp cho xã hội là một phần trách nhiệm của mình đối với cộng đồng nhằm đóng góp vào sự phát triển lâu dài, bền vững của xã hội. Vì vậy, nhiều năm qua, tập đoàn của vị tỉ phú này đã nỗ lực khởi xướng, tài trợ và tham gia nhiều chương trình xã hội ý nghĩa và hữu ích như các chương trình mổ mắt, mổ tim cho người nghèo, các hoạt động giúp trẻ mồ côi, dưỡng lão, hỗ trợ người già neo đơn, hỗ trợ người nghèo miền Tây Nam bộ, xây nhà tình nghĩa, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi qua chương trình Học bổng Cô giáo Nhế.
Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Giữ vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lần thứ 6 có tên trong danh sách tỉ phú Forbes với tài sản 3,1 tỉ USD.
Ngoài ra, bà Thảo còn lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác như Sovico, Hướng Dương Sunny. Bà hiện là người giàu thứ 3 Việt Nam.
6 tháng đầu năm, Vietjet Air và HDBank lần lượt nộp cho Nhà nước 201 tỉ đồng và 1.268 tỉ đồng.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các công ty của bà Thảo đã hỗ trợ Quỹ vắc xin của Chính phủ, xây dựng website đóng góp trực tuyến và phối hợp tổ chức sự kiện hoà nhạc quốc tế trực tuyến, thu hút sự ủng hộ cho quỹ.
Nữ tỉ phú cũng đặc biệt quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện. Hàng năm, bà cùng nhân viên quyên góp cho các làng SOS trên toàn quốc; đưa ra sáng kiến chương trình “Chắp cánh yêu thương” để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu vùng xa… Chương trình “Bếp ăn yêu thương” do bà Phương Thảo kêu gọi đã cấp hơn 1,8 triệu suất cơm và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho cán bộ bệnh viện dã chiến, những người có hoàn cảnh khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vuon-ra-bien-lon-cac-ti-phu-usd-viet-nam-khong-ngung-dong-gop-cho-xa-hoi-17922101111341394.htm