Vườn quốc gia Cúc Phương có gì mà 5 lần liên tiếp được bình chọn là "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á"?
Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục vượt qua nhiều vườn quốc gia khác của Nhật Bản, Nepal, Indonesia, Sri Lanka và Malaysia để được bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh dự nhận giải thưởng này.
Vườn quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023
Ban Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vừa gửi thư chúc mừng, thông báo: Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh dự nhận giải thưởng "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023".
Theo Ban tổ chức, Vườn quốc gia Cúc Phương (Việt Nam) tiếp tục vượt qua nhiều vườn quốc gia khác của Nhật Bản, Nepal, Indonesia, Sri Lanka và Malaysia để được bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading National Park). Điều này khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - một trong những loại hình du lịch trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam.
Như vậy, đây là lần thứ 5 liên tiếp (từ năm 2019 đến nay), Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh dự nhận giải thưởng danh giá "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á".
Được biết, dự kiến, Lễ trao giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading National Park 2023) năm nay sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vườn quốc gia Cúc Phương giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam
Được thành lập ngày 7/7/1962 theo Quyết định số 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
Vườn quốc gia Cúc Phương được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.
Với diện tích 22.408ha mà chủ yếu là rừng nguyên sinh, Vườn quốc gia Cúc Phương còn lưu giữ một hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo và giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam. Với hệ thực vật rừng mưa nhiệt đới điển hình, cây cối bốn mùa xanh tốt trong đó có nhiều đại thụ đã sống từ vài trăm đến hàng nghìn năm tuổi, có đường kính vài mét với chiều cao 40-50m.
Vườn quốc gia Cúc Phương còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, hàng ngàn loài côn trùng. Tại đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng các loài động vật quý hiếm và rực rỡ màu sắc như Voọc Mông Trắng, Hươu sao, Gà Lôi hay sửng sốt trước vẻ đẹp hùng vĩ của các cây cổ thụ như Chò Ngàn Năm, Đăng cổ thụ.
Cảnh quan tuyệt đẹp tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: expatolife
Quần thể hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Vườn quốc gia Cúc Phương có quần thể hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo số liệu điều tra gần đây, Vườn quốc gia Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao và Rêu được phân bố trong 231 họ, 917 chi. Đã phát hiện được 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài có thể dùng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... Trong đó có nhiều loài mới cho khoa học, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Nơi đây có những cây đại thụ như Chò xanh, Đăng, Sấu mà thân của chúng sừng sững như bức tường thành giữa rừng đại ngàn; lại có những cây chuyên sống nhờ trên cây chủ, đến khi lớn lên lại bóp chết cây chủ để vươn lên tầng cao của tán rừng.
Vườn quốc gia Cúc Phương có những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: expatolife
Có những dây leo thân gỗ uốn lượn như những con mãng xà chạy dài mấy trăm mét giữa các tầng rừng… Tất cả tạo nên một khung cảnh hoang sơ đầy bí ẩn nhưng vô cùng hùng vĩ mang đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 12 loài thực vật mới cho khoa học, trong đó có một chi và loài Lan rất hiếm (Vietorchis aurea Averyanov). Loài này chỉ phân bố tại một vùng rất hẹp tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Khu hệ động vật của Vườn quốc gia Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Chỉ tính riêng các loài động vật có xương sống, Vườn quốc gia Cúc Phương đã có tới 659 loài bao gồm: 66 loài cá, 76 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim và 135 loài thú. Về động vật không xương sống đã ghi nhận được 1899 loài và dạng loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong số đó có 81 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.
Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN. Ảnh: vietnamtourist, expatolife
Trong số 659 loài động vật có xương sống, có những loài rất quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao như: Voọc Mông Trắng ( Trachipythecus delacouri), Báo Gấm (Neofelis nebulosa), Sơn Dương (Carpicornis sumatraensis), cá Niết Hang (Silurus cucphuongensis) và loài Sóc Bụng Đỏ đuôi hoe (Callosciurus erythraeus cucphuongensis).
Riêng loài Voọc Mông Trắng đã từng bị coi là tuyệt chủng cách ngày nay trên 50 năm nhưng vào đầu thập kỷ 90 lại được tái phát hiện tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Về mùa hè tại Vườn quốc gia Cúc Phương có thể thấy nhiều đàn Bướm màu sắc sặc sỡ trên dọc đường đi hay bên các dòng suối cạn nước. Ảnh: expatolife
Thế giới côn trùng tại Vườn quốc gia Cúc Phương lại càng phong phú, đã biết tới 1899 loài và dạng loài thuộc 169 họ, 33 bộ. Có nhiều loài lạ như Bọ que với cơ thể và chân như những chiếc que, chúng có màu xanh lá cây hay màu nâu đất như thân hoặc cành cây, chỉ có thể nhận ra khi chúng khởi động. Về mùa hè có thể thấy nhiều đàn Bướm màu sắc sặc sỡ trên dọc đường đi hay bên các dòng suối cạn nước.
Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, Vườn quốc gia Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim.
Phong cảnh Cacxtơ và giá trị khảo cổ tại Vườn quốc gia Cúc Phương
Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn Cung, động Phò Mã Giáng… Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (Động Người Xưa), hang con Moong.
Năm 2000, Vườn quốc gia Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch của loài động vật có xương sống. Theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay khoảng 200 đến 230 triệu năm.
Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều hang động đẹp, một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử. Ảnh: expatolife
Vườn quốc gia Cúc Phương – nơi lưu giữ giá trị bản sắc văn hoá
Từ xa xưa, Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hoá độc đáo và đặc trưng. Nơi đây có những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm. Độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống của cộng đồng mà nếu có dịp được đặt chân đến đây, du khách có thể cảm nhận được trong thời gian thăm bản. Động con Moong và Động Người Xưa từng là nơi cư trú của những bộ tộc người cổ nhất Việt Nam.