"Vua thủy lôi" Thái Phong và bài thơ "Tế sống"

08:47 - 25/07/2022

Năm nay đã 87 tuổi, "Vua thủy lôi" không sở hữu vóc dáng cao lớn, nhưng phong thái đĩnh đạc, vững vàng như một ngọn núi.

Trong Thế chiến II, khi Nhật vào xâm chiếm Đông Dương và dùng cảng Hải Phòng làm căn cứ, Mỹ đã bao vây phong tỏa vùng nước Hải Phòng bằng 72 quả thủy lôi: Ngày 29/10/1942, tàu USS Grenadier thả 32 quả MK12; năm 1943 - 1944 máy bay B24 thả 28 quả MK13 và 12 quả MK26. Nhật phải bỏ vùng cảng Hải Phòng vì không tháo gỡ và phá hủy được thủy lôi. Đến năm 1946, quân Mỹ giúp Pháp gỡ bỏ số thủy lôi này. 

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ lại tái sử dụng con át chủ bài bao vây phong tỏa, nhưng lịch sử đã không lặp lại.

1. 

Theo một nguồn tư liệu, trong hơn 3.000 ngày chiến tranh phong tỏa và phá hoại miền Bắc, Mỹ đã thả 91.798 quả thủy lôi và bom từ trường các loại; đánh 70.000 trận bằng 50 loại máy bay, ngày cao điểm xuất kích 1.200 lượt chiếc; pháo kích 900.000 quả đại bác hạng nặng từ biển vào; sử dụng số lượng bom đạn nhiều gấp 1,6 lần ném xuống Châu Âu và vùng Địa Trung Hải trong Thế chiến II. Trong đó 80% số bom đạn Mỹ được sử dụng để tấn công hệ thống giao thông vận tải (với 4 trọng điểm: Cảng, cầu, dầu, dân), mức độ ngày càng ác liệt và tàn bạo. 

Chiều 28/4/1966, máy bay Mỹ bắn phá đảo đèn Long Châu, mở đầu cuộc chiến tranh phong tỏa Hải Phòng, phong tỏa đường biển. Tự vệ đảo đèn đã đánh trả quyết liệt, trong lễ truy điệu liệt sĩ Cao Văn Viên, đau thương và lòng căm thù đã biến thành khẩu hiệu bất khuất còn mãi trên vách đá: "Còn người - còn đảo; Trái tim còn đập - đèn còn ánh sáng" khắc ghi trong tâm khảm người Bảo đảm Hàng hải. 

Ngành Giao thông Vận tải đã đề ra mục tiêu: "Bất kể tình huống nào cũng chỉ cho phép tắc giờ, không cho phép tắc cả đêm và tắc dài ngày; chỉ cho phép tắc điểm không được phép tắc tuyến, lại càng không được phép tắc luồng". Cụ thể hơn với các khẩu hiệu: Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi, địch phá ta cứ đi; Địch phong tỏa ta phá ta đi, địch phong tỏa ta cứ đi; Phá thế độc tuyến (làm tuyến tránh, tuyến song song); Phá thế độc vận (vận chuyển bằng nhiều hình thức).

Toàn thể cán bộ công nhân viên Ty Bảo đảm Hàng hải sống và làm việc trên một địa bàn trải dài suốt miền duyên hải từ Đông Bắc cho đến Quảng Bình, nay biến thành tiền phương khốc liệt của cuộc chiến chống phong tỏa đường biển. Sau 10 năm hòa bình, cơ nghiệp xây dựng được trong sự yêu thương đùm bọc của Chủ nghĩa Xã hội bỗng chốc bị hủy diệt. Mỹ đã đưa bom đạn và máu lửa chiến tranh đến tận xóm làng và gia đình họ. 

Sau các chiến dịch Sấm rền (Rolling Thunder), Mỹ phát động chiến dịch Rồng biển (Sea Dragon) bắn phá toàn bộ vùng duyên hải nhằm "làm tê liệt cảng Hải Phòng bằng việc ném bom và thả mìn; làm tiêu hao mòn mỏi ý chí của dân chúng bằng cách phơi bày một khu vực rộng lớn của Bắc Việt Nam vào cảnh thương vong và tàn phá".

Từ tháng 2 - 5/1967, Mỹ phong tỏa thủy lôi ở vùng cửa sông và bến cảng Nhật Lệ, Lạch Trào, Cửa Hội, toàn thể cán bộ công nhân viên Ty Bảo đảm Hàng hải đã ra trận, đứng đầu là Trưởng ty Dư Bá Thượng. Phân đội phá lôi trạm 4 Bảo đảm Hàng hải phối hợp cùng Hải quân khu sông Mã chỉ huy kỹ thuật và dân quân địa phương đã tiến hành rà phá, trục vớt tháo gỡ được 5 quả thủy lôi MK52 - Mod0, rà phá nổ 2 quả và thu được 12 chiếc dù thủy lôi (báo cáo mật của Ty Bảo đảm Hàng hải 1967-1968 trang 2, 4, 5). 

Trong năm 1967, 64 đài quan sát thủy lôi gồm 150 nam nữ chiến sĩ của Cục Vận tải đường biển được lập, hầu hết ở nơi hẻo lánh, xa đất liền, xa dân cư, xa nước ngọt. Thông tin liên lạc muôn hình muôn vẻ: Vô tuyến điện, xe đạp, chèo thuyền, chạy bộ… để báo cáo tình hình kịp thời và chuẩn xác. Tháng 8.1967, Ty Bảo đảm Hàng hải thành lập đội phá thủy lôi, danh sách tuyển chọn 30 người có đơn tình nguyện. Đây là những người đầu tiên, thời kỳ cao điểm lên đến hàng nghìn cán bộ chiến sĩ nhờ huy động các đội phá lôi dự bị, lực lượng trợ chiến của các đơn vị trong ngành tham gia các chiến dịch.

Ngày 20/9/1967, Đội tập trung huấn luyện tại Bùi Xá - Quảng Ninh do đội 8 Hải quân phụ trách. Được 8 ngày thì Hải Phòng bị phong tỏa, Đội nhận lệnh hành quân về giải tỏa. Bí thư Thành ủy Trần Kiên căn dặn đội: Phá lôi là việc mới mẻ rất khó khăn nguy hiểm, nên ngay bên quân đội cũng chưa có kinh nghiệm và lực lượng công binh phá lôi cũng còn yếu và thiếu. Nay Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng đặt niềm tin vào lực lượng phá lôi Đường biển - Bảo đảm Hàng hải.

Ngành Đường biển và Bảo đảm Hàng hải đã tập trung nhân tài vật lực cao độ: Rà phá, tháo gỡ thủy lôi; Khảo sát mở luồng tránh; Nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm thiết bị phá lôi, chỉnh định thiết bị; Sản xuất chế tạo thiết bị đồng bộ về phá lôi, sửa chữa, hoán cải; Giải phóng luồng, chạy thử, thông báo thông tuyến thông luồng, bàn giao sử dụng… 

Suốt cuộc chiến chống phong tỏa, lực lượng Đường biển - Bảo đảm Hàng hải đã hành quân chiến đấu trên 2.000km, chiến đấu 398 trận, rà quét 82km luồng vận tải biển trọng điểm, xây dựng 400km đường vận tải tránh, 8 trạm điều hành, 200 đài quan sát, 56 ụ giấu tàu và 8 bến, 153.766m2 lưới ngụy trang, tổ chức 2 đại đội và 8 trung đội đánh trả máy bay 512 trận, rà quét 240 triệu mét vuông bến bãi, đầu mối giao thông, tập huấn chuyển giao công nghệ cho 12 đơn vị. 

Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật phá lôi 21 đề tài, phối hợp với các lực lượng và trực tiếp tháo gỡ 67 quả, phá nổ 2.157 quả thủy lôi, bom từ trường và 1.120 quả bom bi, bom khoan. 

Toàn ngành bị chìm đắm và hư hỏng nặng 85 tàu biển các loại, trong đó có 16 phương tiện bị thủy lôi nổ và 69 phương tiện bị máy bay và tàu chiến tấn công, bị thương 277 người, hy sinh 218 người. Lực lượng phá lôi hy sinh 2 chiến sĩ, quan sát lôi hy sinh 6, bị thương tất cả trên 30 người, các đơn vị khác trong ngành hy sinh 2. Từ ngày chiến thắng đến nay, các cựu chiến sĩ đã tiếp tục ra đi vì tuổi già và bệnh tật trên 100 người, một sự thiếu vắng không gì bù đắp được.

2. 

Tôi quay lại Hải Phòng một lần nữa để gặp nguyên Đội trưởng Đội phá lôi Nguyễn Thái Phong. "Vua thủy lôi" không chỉ là biệt danh truyền miệng thời bấy giờ của ông mà còn được viết trong cuốn nhật ký "Thành phố chống phong tỏa" của Hoàng Tuấn Nhã và trong cuốn "Lịch sử ngành Đường biển" xuất bản lần đầu. 

Ông kể, Mỹ vừa phong tỏa vòng ngoài vừa đánh phá sâu vào nội thành Hải Phòng; phong tỏa nhiều lần, nhiều hướng và liên tục bổ sung. Thiếu kinh nghiệm, lại thêm dư luận lan truyền về sức mạnh siêu phàm của bom từ trường khiến rất nhiều người lo sợ. "Đầu tiên phải xem điện sinh vật khi chạm vào bom từ trường thì có nổ không. Hồi đó bò quý lắm, nhưng Hải Phòng vẫn ưu tiên cấp cho Đội phá lôi 2 con để làm thí nghiệm. Chúng tôi để bò đói, kéo cỏ non đi trước, bôi mật vào quả bom từ trường. Bò đói ngửi thấy mùi mật sẽ liếm mật. Con bò to như vậy nhưng khi nó đụng vào quả bom từ trường thì bom cũng không nổ. Làm thêm những thí nghiệm khác, chúng tôi đi đến kết luận: Thủy lôi được lập trình và chỉ nổ khi tiếp xúc với từ trường hoặc tiếng động phát ra. 

Trong cuộc đối đầu thuở ấy, ban ngày bom nổ, đạn pháo đan chéo bầu trời, náo loạn tiếng xe cứu thương, tiếng gầm thét của máy bay, tiếng còi hú báo động… nhưng ban đêm không một ánh đèn, các chiến sĩ phá lôi chúng tôi mò mẫm trong đổ nát vùng đầu mối giao thông, trên dòng sông bến bãi đau thương và vắng lặng ghê người. Trận địa thủy lôi là vùng tử địa, chỉ có thần chết rình rập, sống và chết chỉ 1 giây thời gian định đoạt mà thôi. 

Ngày 16/10/1967, chúng tôi đi tháo một quả bom từ trường ở An Dương - Hải Phòng, bên C8 Hải quân có anh Trương Thế Hùng - chỉ huy, anh Trần Thanh Hoài, anh Đào Ngọc Tấn. Đêm trước, hai công binh của Quân khu Đông Bắc đã hy sinh ngay khi tiếp cận quả bom từ trường tại khu tập thể An Dương này. Thật đau lòng vì bom nổ dưới chân thì thi thể còn gì nữa! Phải chia đôi những mẩu vụn gom được cho 2 linh cữu. Chúng tôi đi trong thầm lặng đến vùng tử địa với bao ý nghĩ xa gần, may rủi". 

"Vua thủy lôi" Thái Phong và bài thơ "Tế sống" - Ảnh 1.

Kéo thủy lôi MK52-Mod) vào bãi cạn sau khi xử lý an toàn ngòi nổ. Từ trái sang phải: Đồng chí Trương Thế Hùng, đồng chí Nguyễn Thái Phong và đồng đội (ngày 28/6/1972).

Trong vắng lặng của đêm chiến tranh, Đội trưởng Thái Phong đã xúc động viết "Bức thư gửi lại người sau" trên một tờ giấy rơm, dưới ánh đèn mờ, để lại trên bàn gỗ dưới hòn đá vỡ vụn. Bức thư như di chúc để lại trước giờ ra trận. "Khoảng 2-3 giờ ngày 17/10/1967, đi vào bãi An Dương, bước chân tôi giẫm đúng vào lỗ quả bom từ trường chui xuống. Tôi gọi anh Trương Thế Hùng, anh Hùng bảo tôi có nhìn thấy gì không, tôi nói không. Anh Hùng đưa cho tôi cái đèn pin khử từ, soi vào thì thấy cái đĩa màu vàng của quả bom nằm ngay dưới chân. 

Bởi khi đó vẫn còn ấn tượng về điện sinh vật nên khi mọi người lùi ra xa tôi khoảng 50m thì tôi mới bắt đầu nhẹ nhàng rút chân lên khỏi hố. Trong tích tắc đó, tôi muốn xem cảm giác của một người sắp chết như thế nào - chờ đợi tiếng nổ mà xương sống tôi lạnh buốt. Từ từ rút chân ra nhưng quả bom không nổ, mọi người bình tĩnh trở lại. 

Chúng tôi phát hiện có một quả bom khác địch thả xuyên qua mấy tầng nhà bêtông, nằm chình ình trên nền nhà. Quả bom từ trường đó chứa 83kg thuốc nổ, dài 1,54m, đường kính 0,28m, trọng lượng toàn phần 225kg. Ngòi nổ đã bị long ra nên chúng tôi thống nhất chọn tháo nó mang về. 

Trời sáng rõ, chiếc xe vận tải Robur nhanh chóng trở về Sở chỉ huy tiền phương Đội phá lôi, mang theo chiến lợi phẩm và cán bộ chiến sĩ không thiếu một ai trong sự vui mừng chào đón đến chảy nước mắt của đồng đội. Quả bom được nhanh chóng lấy hết thuốc nổ, toàn bộ linh kiện để nghiên cứu và gấp rút chế tạo thiết bị phá lôi, còn "Bức thư gửi lại người sau" đã được cán bộ bảo tàng kịp lưu giữ ngay trong đêm và để ở Bảo tàng Hải Phòng đến ngày nay".

Báo cáo mật Ty Bảo đảm Hàng hải năm 1967 - 1968, trang 8 dòng 22 đến 25, lưu trữ như sau: "Với lòng dũng cảm, thông minh và khôn khéo, các đồng chí Hùng, Hoài, Tấn cùng đồng chí Thái Phong đã tháo gỡ thành công bộ máy DST còn nguyên vẹn ngày 17/10/1967 tại khu nhà ăn An Dương. Bộ máy này đã kịp thời phục hồi nghiên cứu. Với chiến công này, đội trưởng Thái Phong đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng thưởng Huân chương Chiến Công".

Đối mặt với chống phong tỏa, Tổ khoa học kỹ thuật Đường biển chế tạo và nâng cấp được các thiết bị tự động phóng từ, hơn hẳn máy của nước ngoài phóng từ theo nút bấm thủ công. Ông Trần Văn Nhận - Cục phó Cục Vận tải Đường biển khi đó - là người phát minh ra việc ứng dụng chế độ hoạt động của cần gạt nước ôtô cho máy phóng từ khiến cho tín hiệu phát ra rất chuẩn. Do Mỹ phong tỏa dày đặc thủy lôi, vì vậy Đường biển quyết định dùng quy trình ngược, nghĩa là máy phát từ được lắp đằng trước mũi tàu thay cho lắp phía sau, tàu chạy vào bãi thủy lôi phóng từ thì khi thủy lôi nổ vẫn cách mũi tàu ít nhất một cự ly an toàn. Do tính hiệu quả cao của thiết bị, cuối năm 1968 Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Đường biển sản xuất thiết bị này để cấp 40 bộ cho các đơn vị trong, ngoài ngành và cử người đi huấn luyện cách rà phá.

Ngày 9/5/1972, Mỹ tiếp tục thả hàng vạn quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa Hải Phòng và các tuyến vận tải Bắc Việt. Một lần nữa lịch sử lại giao phó cho Ty Bảo đảm Hàng hải tham gia gánh vác trách nhiệm chống phong tỏa đường biển. Ngày 13/5, công an vũ trang và ngư dân phát hiện một quả thủy lôi Mỹ MK52 mới phong tỏa. Ngày 14/5, trinh sát tiếp cận. Sáng sớm ngày 15/5, tổ tháo gỡ trực tiếp có ba người: Đại úy hải quân Trương Thế Hùng, trung úy công binh Hoàng Anh Hiền, Đội trưởng phá lôi Nguyễn Thái Phong trực tiếp ở tuyến 1, tuyến 2 có đông người hơn để tiếp ứng và thu hồi trận địa. Quả thủy lôi này sẵn sàng phát hỏa với 300kg thuốc nổ, bằng những chiếc chìa khóa tự chế, tổ đã tháo được ngòi nổ và toàn bộ máy móc an toàn. Kết quả báo cáo lên trên đã nhận được điện khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

3. 

Ngày 28/6/1972 tổ tiếp tục tháo gỡ thành công một quả thủy lôi MK52 khác, máy móc của nó được cấp tốc đưa vào nghiên cứu. Bài "Có một lần giỗ Bác" của nhà giáo Nguyễn Nguyên Phong in trong cuốn "Tổ GK" Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội ấn hành năm 2011 viết: "Người nghiên cứu cầm trong tay thứ này mà rưng rưng nước mắt, vì hiểu nó còn quý giá hơn vàng, hơn ngọc, nó chính là xương máu của đồng bào, đồng chí, là trí thông minh độc đáo và lòng dũng cảm phi thường Việt Nam. Bởi vì chúng tôi biết rõ người anh hùng nào đã bắt sống được nó, nghĩa là tự tay tác động vào công tắc áp lực của quả bom to lớn đầy hiểm nguy để làm liệt nó dưới nước sâu, ôm nó lên bờ, nhẹ nhàng tháo ra đúng quy luật, không gây nổ, để đưa nó được nguyên vẹn về đây cho chúng tôi. 

Có người bạn chiến đấu, mới chỉ cách đấy một tuần, còn thảo luận với nhau về vũ khí, mà nay đã hy sinh tan xác, chỉ còn tìm được vài chiếc răng! Cả một nền khoa học cao của Mỹ đã ném xuống đất nước Việt Nam nhỏ bé trong cuộc chiến khổng lồ này biết bao loại máy móc tinh vi, "văn minh" và vô cùng dã man, nhằm đưa chúng ta trở về thời kỳ đồ đá. Đây là một cuộc đấu trí thắng-thua rõ ràng". 

Bài "Nhớ lại GK" của nhà giáo Nguyễn Trọng Quế, viết: "Công lao và lòng dũng cảm của các đồng chí ở Ty Bảo đảm Hàng hải thật to lớn, xứng đáng được ghi danh trong lịch sử".

Mỗi lần đi tháo thủy lôi là một lần dấn thân vào cõi chết. Riêng cá nhân Đội trưởng Thái Phong đã hơn 10 lần trực tiếp thi gan với tử thần, trong đó 9 lần tháo gỡ thủy lôi và bom các loại, 4 lần thí nghiệm vũ khí mới trên trận địa thủy lôi thật. Ông kể, cũng như bao anh em chiến sĩ phá lôi khác, ông đã nhiều lần được tế sống trước khi vào nơi tử địa. 

Bài thơ "Tế sống" ông viết tháng 12.1972 hiện vẫn còn lưu giữ được: 

TẾ SỐNG

(Kính tặng các chiến sĩ cảm tử phá gỡ thuỷ lôi, đội phá lội ty Bảo đảm Hàng hải)

Âm u đêm tối mịt mùng

Mưa sa gió giật ầm ầm bom rơi

Mìn bom giặc thả giăng trời

Dòng sông cửa biển thành nơi chiến trường

Đêm nay trước lúc lên đường

Anh em đồng chí thắp hương cầu trời

Khấn rằng Tổ quốc Mẹ ơi

Chúng con hiến trọn một thời tuổi xuân

Quân thù phong toả mìn - bom

Dòng sông cửa biển, cầu đường nơi nơi

Thê lương chồng chất đất trời

Chúng con tự nguyện ra nơi trận tiền

Tháo ngòi nổ, gỡ bom - mìn

Phân thây lũ giặc cho tường mẹo gian1

Những gì bí mật mưu toan

Quân thù giữ kín bức màn hiểm nguy

Thân trai nào có sá gì

Chúng con đã quyết ra đi trận này

Trước là nắm được trong tay

Thông tin mật mã Mỹ cài mìn - bom

Đem về nghiên cứu sớm hôm

Sau là phá được mìn - bom quân thù

Để cho sông - biển - đường - phà

Giao thông vận tải kịp ra chiến trường

Góp phần giải phóng quê hương

Gian nan nguy hiểm tử thương sá gì

Nén hương lạy tiễn người đi

Tạ ơn bái biệt nhỡ khi không thành

Động lòng đến tận cao xanh

Tan mưa tạnh gió lặng thanh bất kỳ

Kính xin trời đất độ trì

May nhiều rủi ít, người đi sẽ về

Chúng con hương khói xin thề!

[(1): Mổ xẻ, phân tích bom - mìn]

"Vua thủy lôi" Thái Phong và bài thơ "Tế sống" - Ảnh 2.

"Vua thủy lôi" Thái Phong. Ảnh: NVCC

4. 

Bí quyết khắc chế vũ khí địch ngày ấy là dùng yếu chế mạnh, dùng tĩnh chế động, dùng giản đơn chống tinh vi. Tàu TK160 - ĐB72-3 là một trong số 13 tàu thuyền phá lôi siêu hạng của Bảo đảm Hàng hải, chỉ riêng mình nó đã phá nổ 161 quả trong giai đoạn 1972 - 1973. Thủy lôi thường nổ cách tàu 50-73m, nhưng có những quả nổ cách 100-150m, có lúc nổ nhiều không đếm được, thành chùm theo hình quạt phía trước, trái, phải. Những cột nước dựng lên trong gió biển, tiếng nổ liên hồi vang vọng vào núi lan xa. 

Tin tức về Đội phá lôi Bảo đảm Hàng hải cũng vang xa, nhiều vị lãnh đạo như Phó Thủ tướng Đỗ Mười, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Quân khu Đặng Kinh, nữ tướng Nguyễn Thị Định từ chiến trường miền Nam cũng đến để nhìn tận mắt và kiểm tra tính chính xác trên thực địa.

Ngày 26/7/1973, Mỹ tuyên bố trước thế giới đã hoàn thành công việc quét mìn trả nợ ở Bắc Việt Nam và rút quân trong không khí lúng túng, nặng nề, ảm đạm nhưng thực tế quân Mỹ không có biện pháp nào để làm mất hiệu lực thủy lôi vĩnh viễn. Thủy lôi chỉ có cơ chế tự hủy, cơ chế chập mạch hoặc đoản mạch thủ tiêu nguồn điện làm mất khả năng cảm ứng và đốt kíp. Còn thuốc nổ và ngòi nổ, thuốc nổ mồi của thủy lôi vẫn tồn tại (và có thể nổ) cho đến khi nào mục nát mà thôi. Thiết bị làm liệt cảm ứng của thủy lôi và bom từ trường cũng chỉ trong thời gian và không gian chật hẹp chứ không vĩnh viễn được. 

Trên luồng Nam Triệu vẫn còn thủy lôi chìm, cần phải thông luồng ngay, không thể chờ đến ngày chúng mục nát được. Ngay khi quân Mỹ rút khỏi vùng nước Việt Nam thì hải quân và công binh ta thực hiện thả bom chìm tọa độ dọc luồng Nam Triệu theo tuyến 2980N bằng tàu chiến và máy bay. Theo lý thuyết thì bom chùm sẽ kích nổ thủy lôi mất hiệu lực, nhưng thực tế ta không kiểm soát được kết quả. Đội phá lôi Bảo đảm Hàng hải sử dụng phương án của Phó Tiến sĩ Hàn Đức Kim dùng công nghệ siêu âm để tìm kiếm xác định vật rắn dưới lớp bùn sâu của luồng lạch. Dùng máy đo sâu NHEN5 của Liên Xô và máy dò cá loại HAG240 của Đức, cải tiến hạ thấp tần số thích hợp ở mức 8.000Hz, kết hợp máy dò tìm, thợ lặn dùng que đồng xăm tìm đúng vật rắn để đánh mìn lõm (mìn định hướng do đội phá lôi chế tạo). 

Từ tháng 7-11/1973, Đội đã dò tìm, siêu âm, xăm tìm, đánh mìn phá nổ thêm 8 quả thủy lôi trên luồng Nam Triệu, đảm bảo thông luồng an toàn. Đội phá lôi Bảo đảm Hàng hải đã trở thành lực lượng tự vệ biển chủ công hùng mạnh như thế.

Xét về tổng thể, vùng sông biển Bắc Việt Nam chưa hề bị phong tỏa triệt để giao thông vận tải một ngày nào. Sau chiến tranh, Đội phá lôi vẫn thầm lặng làm tiếp công việc của mình. Theo Tiến sĩ Phạm Công Đoàn - nguyên Giám đốc Công ty Nạo vét Đường biển - Đội còn trục vớt thành công được nhiều tàu đắm, trong đó có những tàu lớn như tàu Cuốc TC54, tàu Jade Star, riêng tàu Jade Star đã thu về cho Nhà nước 2,4 triệu USD năm 1982. Nhiều tàu biển bị địch oanh kích chìm đắm ở cửa biển có sóng to gió lớn cũng đã được đội trục vớt...

"Vua thủy lôi" Thái Phong và bài thơ "Tế sống" - Ảnh 3.

Bức chân dung "Vua thủy lôi" Thái Phong được treo trong phòng khách gia đình ông. Ảnh: Huy Minh

Năm nay đã 87 tuổi, "Vua thủy lôi" không sở hữu vóc dáng cao lớn, nhưng phong thái đĩnh đạc, vững vàng như một ngọn núi. Ông đã có Tờ trình Đề nghị tổng kết toàn diện cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ phong tỏa đường biển, đồng thời đề nghị xây dựng Tượng đài Chiến Thắng đặt tại cửa biển, bên bãi cọc Bạch Đằng.

Tôi ngắm ông thêm một lần nữa và biết rằng, ông sẽ còn ở lại rất lâu trong ký ức nghề nghiệp của mình.

"Vua thủy lôi" Thái Phong đã có Tờ trình Đề nghị tổng kết toàn diện cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ phong tỏa đường biển, đồng thời đề nghị xây dựng Tượng đài Chiến Thắng đặt tại cửa biển, bên bãi cọc Bạch Đằng.



Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vua-thuy-loi-thai-phong-va-bai-tho-te-song-179220724220901113.htm